Mục tiêu nâng thu nhập giáo viên lên gấp đôi vào năm 2025

18/11/2019 - 09:22

Luật Giáo dục mới sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020, trong đó tiền lương giáo viên sẽ không còn phụ cấp thâm niên và một số khoản phụ cấp, trợ cấp khác cũng không còn. Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 vừa được Quốc hội thông qua, lương cơ sở lại tăng lên mức 1,6 triệu đồng/tháng cho tất cả các ngành, mà phụ cấp trước kia được tính theo lương cơ sở. Thông tin này khiến không ít nhà giáo ở vùng khó tâm tư.

Nỗi lòng những giáo viên vùng sâu, vùng xa    

Cô giáo Nguyễn Vân Nhi công tác tại trường phổ thông dân tộc bán trú và THCS Tô Hiệu, xã Cư Sang, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắc Lắc đã gần 8 năm. Đây làm một xã khó khăn nhất của huyện M’Đrắk cũng như của tỉnh Đắk Lắk. Dù đã hết thời hạn công tác nhưng cô Vân Nhi tiếp tục xin ở lại trường. Khi biết tin giáo viên sẽ không còn các khoản phụ cấp vùng 3 nữa, cô Vân Nhi cho rằng điều này chưa hợp lý với nhà giáo - một nghề khá đặc thù, đặc biệt những giáo viên đang công tác ở vùng khó khăn.

Chú thích ảnh

Cô Nguyễn Vân Nhi trong một lần đi tình nguyện. Ảnh: VN

Cô giáo Nguyễn Vân Nhi cho biết: “Theo quy định mới, hết 5 năm, những giáo viên biên chế như tôi sẽ ngừng phụ cấp vùng 3 (phụ cấp thu hút). Ví dụ, tổng thu nhập của tôi đang từ 9 triệu đồng/tháng xuống còn hơn 6 triệu đồng/tháng. Giảm gần 1/3 thu nhập là vấn đề rất lớn với chúng tôi khi đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn của vùng khó”.     

Trở ngại lớn nhất đối với cô Vân Nhi cũng như nhiều giáo viên “cắm bản” chính là con đường đến trường mỗi ngày nhiều nguy hiểm. Hàng ngày, cô Vân Nhi phải ra khỏi nhà từ 5 giờ sáng, nếu bình thường thì mất 2 tiếng trên đoạn đường 50km để tới trường. Những ngày mưa bão, đường ngập cô phải đi mất hơn 3 tiếng.   

“Tình trạng đường mưa ngập không nhìn thấy lối đi diễn ra thường xuyên. Cơn bão số 6 vừa qua, nhiều giáo viên trường tôi đến lớp trong tình trạng “ướt như chuột lột”. Đi dạy từ 5 giờ sáng mà mãi 8 giờ mới tới trường được”, cô vân Nhi chia sẻ.      

Chú thích ảnh

Đường tới trường đi dạy của các giáo viên Trường PTDT bán trú và THCS Tô Hiệu trong cơn bão số 6 vừa qua. Ảnh: VN

Trải qua gần 8 năm đứng lớp ở vùng đặc biệt khó khăn, cô Vân Nhi vẫn không khỏi xúc động khi nhớ lại con đường tới trường mỗi ngày: “Yếu lòng nhất là những lúc xe bị mắc ở vũng lầy đầy bùn đất. Là phụ nữ, tôi không thể nhấc nổi đầu xe bị lầy trong vũng bùn, chiều dần buông, bóng tối đến, tôi oà khóc. Có lần con ốm giữa đêm, mẹ gọi điện vợ chồng tôi không thể trở về ngay. Bởi từng có đồng nghiệp đã bỏ mạng trên cung đường này trong đêm. Vợ chồng tôi đều công tác tại trường, nhiều lần định đưa con vào trong trường để thuận tiện việc đi lại nhưng trường cũng không có chỗ ở. Khó khăn là như thế nhưng tôi lại nghĩ, ai cũng ở thành phố, vậy ai sẽ ở những vùng khó khăn. Tôi mong rằng, những giáo viên đang công tác ở vùng khó khăn sẽ được quan tâm hơn để động viên chúng tôi vượt khó”.      

“Tôi luôn muốn gắn bó với vùng khó bởi bản thân nhiều năm làm công tác đoàn. Tôi đi tình nguyện nhiều, tiếp xúc với các em nhỏ và thấu hiểu những thiệt thòi của trẻ em vùng biên cương, vùng dân tộc ít người. Nơi tôi dạy học, các em học sinh 100% là dân tộc Mông, Dao. Đó là những đứa trẻ lớn lên trong điều kiện khó khăn nhưng ngây thơ, chân thật luôn khiến tôi mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa. Dịp 20/11, học trò của tôi tặng những bông hoa xếp giấy được tôi dạy từ giờ thủ công. Những tình cảm chân thành ấy, lại luôn là nguồn khích lệ, động viên vợ chồng tôi bám trụ”, cô Vân Nhi tâm sự.      

Còn cô giáo Lương Thị Hòa, giáo viên Âm nhạc với gần 12 năm gắn bó với các học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình nhớ lại: "Thời tôi mới ra trường, đồng lương eo hẹp, tôi phải đi làm thêm rất nhiều công việc vào các dịp hè. Tôi ở thành phố, nhà cách trường hơn 50km, ngày nào cũng đều đặn sáng đi tối về, bất kể nắng mưa. Có lẽ, tôi quá yêu những ngôi trường xa xôi, yêu thương các em học sinh ở đó nên đã gắn bó và mong muốn góp một chút sức mình cùng với đồng nghiệp để vùng khó đỡ khó".  

Cô Lương Thị Hòa chia sẻ trong xúc động rằng nhiều người nói nghề giáo viên chỉ mong mỏi đến ngày 20/11 để nhận quà. “Bản thân tôi chưa một lần nhận những món quà vật chất. Tôi cảm nhận được sự thiếu tốn của trẻ em vùng khó khăn và mong muốn được góp một phần sức trẻ. Đó là những gì giúp tôi bám trường, bám lớp đến bây giờ”, cô Lương Thị Hòa bày tỏ.      

Lần đầu tiên đến Hà Nội, được đi thăm một số trường học, thầy giáo Dương Văn Vấn, Trường THCS ĐăkRve, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum cho biết: “Tôi thương học sinh nơi mình đang dạy. Các em học sinh của tôi khổ lắm, còn thiếu nhiều lắm. Có một tổ chức nhóm tình nguyện xin mọi nơi áo quần nhưng không đủ cho các em trong trường. Mặc dù, thầy cô có đóng góp nhưng không đủ. Bên cạnh việc học thiếu thốn cơ sở vật chất, thì sân chơi dành cho các em hầu như không có. Các em ra bờ suối, sông bơi lội, chơi bóng… Tôi mong Nhà nước, ngành giáo dục sẽ có nhiều chính sách hơn nữa đối với học sinh, thầy cô vùng khó khăn”.     

Những giáo viên như cô Nguyễn Vân Nhi, Lương Thị Hoà, thầy Dương Văn Vấn chỉ là hàng vạn giáo viên đang trực tiếp giảng dạy cho học sinh dân tộc thiểu số. Họ là một trong số những giáo viên tiêu biểu đại diện cho hàng trăm nghìn giáo viên cắm bản ở những vùng khó khăn trên cả nước. Họ đến với học sinh vùng khó bằng sự thấu cảm và đều phải trải qua những khó khăn rất giống nhau: Đường đi lại khó khăn, bất đồng ngôn ngữ, vừa động viên học sinh và gia đình cho các em đến lớp, vừa trở thành những người mẹ, người cha... Nhất là những giáo viên từ miền xuôi lên miền núi, đến vùng sâu, vùng xa để dạy học. Đơn cử như thầy Lý A Phong, tỉnh Phú Thọ mong rằng ngành giáo dục cần xem xét để những giáo viên này được công tác gần gia đình khi đã cống hiến nhiều năm. Do đó, những điều họ chia sẻ rất cần được Nhà nước quan tâm đến chính sách cho giáo viên.

Lương giáo viên theo vị trí việc làm

Chia sẻ về những tâm tư với giáo viên vùng khó khăn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Các thầy cô cắm bản là những người giữ phên dậu của Tổ quốc. Các thầy cô chính là những người góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đề án tổng thể về phát triển kinh tế xã hội vùng khó khăn đang được Quốc hội xem xét phê duyệt. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, chính sách đời sống được nâng lên 2 lần so với hiện nay. "Chúng tôi hy vọng có sự chỉ đạo quyết liệt trong thời gian tới, để vùng có điều kiện khó khăn được phát triển", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nói.     

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng hiện nay có một số quy định chưa phù hợp, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện và xây dựng chính sách để nâng cao đời sống của giáo viên vùng khó khăn.    

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho biết: Về luân chuyển giáo viên, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đang được sửa đổi để phù hợp với điều kiện thực tế. Khi hướng dẫn địa phương triển khai áp dụng các chế độ cho thầy cô giáo vùng khó sẽ thực hiện theo đúng các văn bản quy định. Đặc biệt Nghị quyết 27 Trung ương về cải cách chế độ tiền lương, Cục Nhà giáo tham mưu với lãnh đạo Bộ GD&ĐT xây dựng bảng lương chức vụ giáo viên.

Báo cáo của Cục Nhà giáo đã được lãnh đạo Bộ ký và chuyển sang Bộ Nội vụ. Đây là cơ quan tổng hợp tất cả bảng lương các bộ ngành để xây dựng một bảng lương chung. Giáo viên không có bảng lương riêng. Bộ Nội vụ đang tập hợp và xác định tiêu chí chung là trả lương theo vị trí việc làm.      

“Chúng tôi quan tâm đến đối tượng giáo viên mới vào nghề và khuyến khích giáo viên trẻ tham gia vào ngành giáo dục. Tình trạng hiện nay là thâm niên càng cao thì lương càng cao. Đối với giáo viên mới vào nghề, lương đã thấp thâm niên càng thấp. Nhưng đề áp sắp tới nghiên cứu, đưa ra ý tưởng là quan tâm đến đội ngũ giáo viên trẻ. Làm sao để khoảng cách giữa lương giáo viên trẻ và giáo viên lâu năm trong nghề xích lại gần hơn”, ông Phạm Tuấn Anh nói.    

Giải thích rõ hơn về điều này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Theo Nghị quyết 27 của Trung ương về việc cải cách tiền lương sẽ theo hướng coi lương là nguồn thu nhập chính, đảm bảo đời sống cán bộ công chức, viên chức. Cơ cấu lương thể hiện rõ có 2 phần, lương cơ bản và phụ cấp. Bộ GD&ĐT căn cứ bảng lương này để triển khai. Nếu theo phương án đề xuất được phê duyệt, cơ bản lương sẽ là nguồn thu nhập chính, đảm bảo nguồn thu nhập cho giáo viên.      

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết, thời gian tới ngành giáo dục thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là đưa Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào cuộc sống. Hiện nay chương trình giáo dục phổ thông mới đã được ban hành và điểm khác biệt lớn nhất là chuyển từ giáo dục nặng truyền thụ kiến thức sang dạy học hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh. Giáo viên là trực tiếp tạo ra sản phẩm giáo dục, được xã hội tôn vinh sẽ là người đi đầu trong đổi mới. Mong các thầy cô tiếp cận chương trình mới và dạy học sinh bằng cả nhân cách của mình. 

Theo LÊ VÂN (Báo Tin Tức)