Mỹ - Trung tiến gần chiến tranh tiền tệ

10/08/2019 - 08:22

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang buộc phải hạ giá bán sản phẩm để níu giữ thị phần, làm dấy lên lo ngại về giảm phát cũng như gia tăng sức ép lên Bắc Kinh

Tổng thống Donald Trump hôm 8-8 dường như kêu gọi phá giá đồng USD để giúp các công ty Mỹ cạnh tranh. "Có thể các bạn nghĩ rằng với vai trò tổng thống, tôi sẽ cảm thấy vui mừng khi đồng USD của chúng ta quá mạnh. Không hề!" - Tổng thống Trump tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, đồng thời chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang (FED) vì duy trì mức lãi suất cao so với các nước cạnh tranh.

"Mức lãi suất cao của FED đang khiến đồng USD quá mạnh. Điều này làm các công ty Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc cạnh tranh với các đối thủ" - ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.

Tuyên bố trên - được Tổng thống Trump đưa ra không lâu sau khi cáo buộc Trung Quốc phá giá tiền tệ để đạt được lợi thế cạnh tranh trong thương mại - đã khiến đồng USD sụt giá ngay lập tức, làm gia tăng lo ngại về chiến tranh tiền tệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Quầy bán thịt heo tại một siêu thị ở Bắc Kinh Ảnh: REUTERS

Theo ông C. Fred Bergsten, nhà sáng lập Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ), nếu chính quyền Tổng thống Trump cố bán ra đồng USD để làm suy yếu tỉ giá của nó và Trung Quốc đáp trả bằng sự can thiệp của họ, một cuộc chiến tiền tệ "đầy rủi ro" có thể nổ ra. Ông William Reinsch, cựu quan chức thương mại Mỹ, cũng đã cảnh báo về rủi ro của việc vũ khí hóa tiền tệ - điều từng xảy ra vào những năm 1930 khiến cuộc "Đại suy thoái" trở nên trầm trọng hơn.

Với nhu cầu hàng hóa trong nước và quốc tế sụt giảm do áp lực từ thương chiến Mỹ - Trung, các nhà sản xuất Trung Quốc đang buộc phải hạ giá bán sản phẩm để níu giữ thị phần - Reuters khẳng định dựa trên số liệu được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 9-8. Trong suốt 3 năm qua, đây là lần đầu tiên các nhà sản xuất Trung Quốc thực hiện bước đi trên. Động thái này làm dấy lên lo ngại về giảm phát cũng như gia tăng sức ép lên Bắc Kinh về việc thực hiện nhiều hơn nữa các biện pháp thúc đẩy kinh tế.

Trong khi đó, theo Bloomberg, chính quyền Tổng thống Trump đang tăng tốc để hoàn thiện danh sách 3.800 mặt hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc, với tổng trị giá 300 tỉ USD, dự kiến bị áp thuế bổ sung 10% từ ngày 1-9. Một số quan chức giấu tên cho biết Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ nhiều khả năng công bố danh sách trên vào cuối tuần này hoặc đầu tuần tới.

Các công ty Mỹ đang thực hiện nỗ lực cuối cùng để thuyết phục chính quyền Tổng thống Donald Trump không áp thuế hoặc gạch tên những sản phẩm mà họ nhập khẩu ra khỏi danh sách hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế bổ sung. Các công ty Mỹ than phiền về sự thiếu chắc chắn mà họ đang phải đối mặt khi đưa ra các quyết định kinh doanh, đồng thời nhấn mạnh họ không thể xoay xở kịp thời trước tuyên bố áp thuế bổ sung bất ngờ của Tổng thống Trump trên mạng xã hội Twitter.

Trung Quốc cảnh báo sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả thỏa đáng. Mới đây, các chuyên gia năng lượng khẳng định với đài CNBC rằng mục tiêu sắp tới của Bắc Kinh nhiều khả năng là dầu thô Mỹ. Theo đó, Bắc Kinh có thể cắt giảm đáng kể sản lượng dầu thô nhập khẩu từ quốc gia này. 

Theo Người lao động