Năm 2018, phấn đấu đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài

19/02/2018 - 14:29

Năm 2017, cả nước đưa đi được 134.751 lao động (trong đó, có 53.340 lao động nữ, chiếm 39,6%); vượt 28,3% so với kế hoạch năm và bằng 106,7% so với tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2016. Đây là năm thứ tư và cũng là năm kỷ lục đưa số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm.

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), một số thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lao động nước ta cao như: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Các thị trường khác vẫn có nhu cầu tiếp nhận ổn định, riêng thị trường Nhật Bản nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam ngày càng tăng, đa dạng về ngành nghề. Một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng một số nhóm ngành nghề mới mà Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt và có nhu cầu đưa đi như điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao… tạo ra nhiều cơ hội làm việc hơn nữa cho người lao động Việt Nam khi lựa chọn phương án đi làm việc ở nước ngoài. 

Đây là những tín hiệu tích cực trong việc giữ vững, phát triển thị trường truyền thống và mở rộng, phát triển thị trường lao động ngoài nước mới. Một số thị trường châu Âu cũng đang có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài như: Rumania, Ba Lan, Na Uy bước đầu có lời mời hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực y tế, điều dưỡng. 

Giải ngân vốn vay cho người dân tham gia xuất khẩu lao động. Ảnh minh họa: Công Thử/TTXVN.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã, đang từng bước chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ngoài nước, đầu tư bài bản trong công tác tạo nguồn và đào tạo lao động về tay nghề, ngoại ngữ trước khi xuất cảnh, cũng như tác phong, kỷ luật lao động, ý thức chấp hành kỷ luật khi làm việc ở nước ngoài, điển hình là công tác đưa lao động sang thực tập kỹ năng, hộ lý và điều dưỡng tại Nhật Bản. Các doanh nghiệp cũng đã tập trung, chú trọng đầu tư nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác xuất khẩu lao động. 

Đáng chú ý, Đài Loan (Trung Quốc) vẫn đang được đánh giá là thị trường tiếp nhận nhiều nhất lao động Việt Nam sang làm việc. Tổng số lao động đi làm việc đạt gần 67.000 lao động (trong đó, có 23.530 lao động nữ), chiếm gần 50% tổng số lao động Việt Nam được đưa đi làm việc tại các thị trường trong năm. Thị phần của lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) tăng đều trong các năm gần đây. Tính đến hết hết năm 2017, số lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) là 206.184 người, chiếm 30% thị phần (cùng kỳ năm 2016 là 29,3%), đứng thứ hai sau Indonesia, trong đó lao động làm việc trong ngành sản xuất công nghiệp chiếm trên 87%, lao động làm việc trong ngành dịch vụ xã hội chiếm 13%. 

Đứng thứ hai là thị trường Nhật Bản, với sự tăng trưởng vượt bậc với 54.504 lao động (24.502 lao động nữ), tăng 36,47% so với năm 2016, nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản lên hơn 100 nghìn người, trở thành nước có số lượng thực tập sinh phái cử nhiều nhất trong số 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản.. Đây cũng một trong các thị trường có điều kiện làm việc, thu nhập tốt, được nhiều lao động Việt Nam quan tâm, đăng ký tham gia. 

Tại thị trường Hàn Quốc, hiện có hơn 5.100 lao động, trong đó có 3.023 lao động theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS), 1.975 lao động thuyền viên gần bờ, xa bờ, lao động kỹ thuật; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động theo Chương trình EPS và lộ trình giảm lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc; triển khai tổ chức các kỳ thi tiếng Hàn trong các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng, ngư nghiệp và nông nghiệp theo Chương trình EPS năm 2017 cho 18.140 người lao động. Kết quả trúng tuyển đạt tỷ lệ khá cao với 75% trong số 647 người dự thi. 

Về công tác cấp và cấp đổi giấy phép, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp mới cho 44 doanh nghiệp, cấp đổi cho 20 doanh nghiệp và hướng dẫn một doanh nghiệp nộp lại giấy phép. Tổng số doanh nghiệp có giấy phép dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 315 doanh nghiệp, tăng 40% so với năm 2016. Cùng với việc trình cấp phép, Bộ phối hợp tiến hành 44 cuộc thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp hoạt động về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, trực tiếp thanh tra định kỳ tại 27 doanh nghiệp và kiểm tra đột xuất 2 doanh nghiệp. Qua công tác thanh tra kiểm tra đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 16 doanh nghiệp với số tiền 2,6 tỷ đồng, thu hồi giấy phép 05 doanh nghiệp, đình chỉ từ 6-9 tháng đối với 3 doanh nghiệp. 

Một số thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam khác như: Saudi Arabia 3.626 lao động, Malaysia 1.551 lao động, Algeria 760 lao động, Romania 683 lao động... Kết quả trên có được nhờ hàng loạt nỗ lực, chủ động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, như: Tổ chức hội nghị đối thoại đầu năm với 280 doanh nghiệp hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cùng với đó là việc chấn chỉnh nâng cao chất lượng hoạt động, dịch vụ của doanh nghiệp và nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài… 

Năm 2018, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (lao động nữ chiếm 40%), giữ vững được một số thị trường truyền thống như: Hàn Quốc; Nhật Bản; Đài Loan (Trung Quốc). Nhiều giải pháp đã được Bộ đề ra như: Giữ vững ổn định một số thị trường chính như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản; nâng cao chất lượng nguồn lao động đưa đi làm việc tại nước ngoài đảm bảo mức thu nhập và tính cạnh tranh; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đặc biệt, Bộ cần đặt ra nhiệm vụ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý phát sinh liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động... 

Để làm tốt công tác này trong năm 2018, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng, Cục quản lý lao động ngoài nước cần nghiên cứu, tham mưu sửa đổi Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đổi mới công tácthanh tra chuyên ngành. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc quản lý doanh nghiệp xuất khẩu lao động, chấn chỉnh hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với 3 tiêu chí: chọn đúng người, minh bạch và có kế hoạch khi lao động quay trở về nước. 

Theo PHÚC HẰNG (Báo Tin Tức)