Năm chuẩn bị đổi mới giáo dục phổ thông

01/01/2019 - 08:38

Đây là năm chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và cũng là năm 'sửa sai' của GD-ĐT sau những ồn ào xảy ra năm 2018.

Ngành giáo dục sẽ chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình lớp 1 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Dồn sức chuẩn bị “thay sách” lớp 1

Biên soạn sách giáo khoa

Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, năm 2019 Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa; tổ chức thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa (bao gồm bộ sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn và sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân) kịp thời triển khai chương trình mới bắt đầu đối với lớp 1 năm học 2020 - 2021.

Bộ cũng ban hành các văn bản phục vụ triển khai chương trình mới, cụ thể: Hướng dẫn các địa phương triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, hướng dẫn xây dựng nội dung giáo dục địa phương, lựa chọn sách giáo khoa, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Điều lệ trường phổ thông, quy định về đánh giá học sinh..., đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới.

Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới với lộ trình thực hiện bắt đầu từ năm học 2020 - 2021 với lớp 1. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định: Năm 2019 là năm bản lề chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên (GV), cơ sở vật chất phục vụ cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Lớp 1 là khối lớp duy nhất sẽ đi tiên phong trong đợt đổi mới lần này. Khác với chương trình hiện hành, cấp tiểu học trong chương trình mới được thiết kế theo thời lượng dạy học 2 buổi/ngày. Trao đổi với Thanh Niên, ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, cho biết: Cả nước hiện đã có khoảng 80% số trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, 20% còn lại để dạy được 2 buổi/ngày rất gian nan, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.

Ông Tài khẳng định với những nơi chưa dạy 2 buổi/ngày với cấp tiểu học theo yêu cầu chương trình đặt ra thì Bộ sẽ có hướng dẫn riêng để có thể dạy tối thiểu 6 buổi/tuần, đồng thời không tổ chức những môn học tự chọn... Dù vậy, việc không tổ chức được 2 buổi/ngày chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng dạy ở tiểu học. Cũng theo ông Tài, các sở GD-ĐT đang rà soát và sẽ bố trí GV có năng lực, nhiệt huyết để đảm nhiệm ngay lớp 1 trong năm học tới.

Năm 2019, ngành giáo dục và các địa phương cũng sẽ tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất triển khai chương trình cho lớp 1. Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT, cho biết: Bộ đã yêu cầu các địa phương rà soát và xây dựng thêm trường, đồng thời Bộ cũng gỡ khó khi cho phép các địa phương này nâng tầng các trường học để có thêm lớp học... Đáng chú ý, sẽ điều chỉnh lại tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, hiện nay quy định về sĩ số học sinh/lớp với từng cấp học nhưng sắp tới sẽ quy định cụ thể về diện tích tối thiểu cần đạt cho một học sinh để đảm bảo không gian học tập cho các em.

Thay đổi lớn về tập huấn giáo viên

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết: Ngay sau khi có chương trình sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng GV, bắt đầu từ đội ngũ cốt cán, sau đó làm đại trà.

Năm 2019 sẽ tập trung cho đào tạo, bồi dưỡng GV lớp 1. Việc đào tạo, bồi dưỡng lần này ngoài trang bị kiến thức sẽ đặc biệt chú trọng tới kỹ năng sư phạm, “Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch chọn lọc GV kinh nghiệm nhất để có thể dạy được lớp cuốn chiếu ban đầu, phải là GV tốt nhất cho các khối”, ông Minh khẳng định.

Tại cuộc họp gần đây nhất về công tác đào tạo, bồi dưỡng GV, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chỉ đạo: Cần tận dụng tối đa công nghệ thông tin vào phương pháp bồi dưỡng để xóa bỏ dần phương pháp tập huấn truyền thống - tập trung về cùng một địa điểm - vừa tốn kém, lãng phí lại không hiệu quả.

“Phải khắc phục triệt để tình trạng “điểm danh, ghi tên” trong tập huấn, bồi dưỡng GV bằng cách đổi mới nội dung, phương pháp, chú trọng khâu kiểm tra đánh giá. Có như vậy, GV mới gắn quyền lợi và trách nhiệm vào các khóa tập huấn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Giảm áp lực không đáng có cho giáo viên

Năm 2019, ông Phùng Xuân Nhạ chia sẻ một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành GD-ĐT sẽ làm là giảm áp lực không đáng có, tạo động lực cho GV. Qua các buổi đi thực tiễn, hội thảo, lắng nghe chia sẻ của chính các nhà giáo đang đứng lớp và điều hành tại các trường, ông Nhạ khẳng định GV hiện đang chịu nhiều áp lực đến từ thủ tục hành chính, sổ sách, các cuộc thi; áp lực từ cha mẹ về thành tích học tập của con em mình...

Bộ GD-ĐT đã và đang tổ chức các cuộc tọa đàm, trao đổi với chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo và qua các cuộc đối thoại trực tiếp với GV tại địa phương, cơ sở giáo dục. Từ đó, trong năm 2019 sẽ có những điều chỉnh, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các chính sách liên quan đến đội ngũ GV, cán bộ quản lý giáo dục.

Điều chỉnh kỳ thi THPT quốc gia để hạn chế tiêu cực

Đầu tháng 12.2018, Bộ GD-ĐT đã công bố thông tin về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đó, kỳ thi căn bản giữ ổn định như năm 2018 nhưng có điều chỉnh theo hướng tăng cường các giải pháp kỹ thuật ở tất cả các khâu của quá trình thi, sắp xếp, bố trí lại nhân sự làm công tác coi thi, chấm thi nhằm hạn chế tối đa tiêu cực

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết: Rút kinh nghiệm năm 2018 khi đề thi cân đối độ phân hóa chưa hợp lý dẫn tới đề khó, năm 2019, quy trình ra đề sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn, đặc biệt trong khâu phản biện đề, thử đề để đảm bảo độ chính xác, vừa sức với học sinh, đúng mục tiêu của kỳ thi. Cùng với các giải pháp đã đặt ra, Bộ sẽ cụ thể hóa quy chế để xác định rõ trách nhiệm từng thành phần tham gia ở từng khâu trong các giai đoạn cụ thể của quá trình tổ chức thi.

Theo TUỆ NGUYỄN (Thanh niên Online)