Năm nay, mưa ngâu đến sớm hơn 1 tháng

14/07/2018 - 20:38

Năm nay, theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng – thủy văn, mùa mưa ngâu 2018 đã đến sớm trước cả 1 tháng so với quy luật thông thường là vào tháng 7 Âm lịch.

Sáng nay 14-7, tại Hà Nội đã có mưa to do ảnh hưởng của vùng áp thấp. Theo kế hoạch, vào 21 giờ 30 tối nay, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (trên sông Đà) sẽ mở thêm 1 cửa xả đáy nữa do thượng nguồn cũng đang mưa lớn. Từ đầu tháng 7 đến nay, tại miền Bắc đã có nhiều đợt mưa lớn tuy nhiên dự báo từ nay cho tới cuối tháng còn nhiều đợt mưa lớn hơn vì ảnh hưởng của hiện tượng mưa ngâu.

Mưa ngâu là tên gọi của những cơn mưa xuất hiện vào đầu tháng 7 Âm lịch hàng năm tại Việt Nam. Trong dân gian vẫn có câu tục ngữ “vào mùng 3, ra mùng 7”, có nghĩa là mưa sẽ xuất hiện vào các ngày mùng 3 đến mùng 7, 13 đến 17 và 23 đến 27 Âm lịch. Đặc điểm là các cơn mưa thường không liên tục, nhưng kéo dài rả rích. Vì vậy mới có cụm từ “trời mưa sụt sùi” để chỉ hiện tượng mưa ngâu.

Năm nay mưa ngâu đến sớm, báo hiệu 1 năm mưa lũ bão nhiều

Các năm trước, mưa ngâu thường đến khá muộn vì biến đổi khí hậu hoặc vào các năm hạn hán, chịu ảnh hưởng của El Nino thì không có. Tuy nhiên năm nay, theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng – thủy văn, mùa mưa ngâu 2018 đã đến sớm trước cả 1 tháng so với quy luật thông thường là vào tháng 7 Âm lịch.

Ông Lê Thanh Hải chia sẻ: Hiện tại mới là mùng 2 tháng 6 Âm lịch nhưng đã xuất hiện dải hội tụ nhiệt đới (ITCZ) vắt ngang qua vĩ tuyến từ 20 đến 21, trong khi ngoài khơi xa và ngay trên vịnh Bắc bộ, các vùng áp thấp, áp thấp nhiệt đới, bão lại “nhiều như tràng hạt”, “cái nọ đang nối với cái kia”… báo hiệu một năm có nhiều mưa lũ bão khó lường.

Theo bản tin sáng 14-7 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, một vùng áp thấp đang hoạt động ở vịnh Bắc bộ có tọa độ lúc 1 giờ sáng nay tại vị trí 18-20 độ vĩ Bắc và 106,5-108,5 độ kinh Đông, nối với 1 dải hội tụ nhiệt đới vắt qua khu vực Bắc biển Đông. Trong 2-3 ngày tới, dải hội tụ nhiệt đới này tiếp tục hoạt động mạnh và vùng áp thấp trên khu vực vịnh Bắc bộ sẽ có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Dự báo mùa mưa ngâu ở Hà Nội sẽ kéo dài cả tháng

Do ảnh hưởng tương tác của dải hội tụ nhiệt đới và áp thấp này nên sáng nay thời tiết miền Bắc rất xấu, nhiều nơi có mưa. Quan sát ảnh mây vệ tinh, thiết vị định vị sét và ảnh radar của cơ quan dự báo khí tượng cho thấy mây đối lưu đang phát triển mạnh trên khu vực tỉnh Hòa Bình, Yên Bái. Hiện vùng mây dông đang có xu hướng di chuyển và mở rộng về phía Tây. Lượng mưa đo được từ 4 -5 giờ sáng nay tại Yên Bình (Yên Bái) 25mm; Lương Sơn 20mm, Kim Bôi (Hòa Bình) 18,6mm. Theo nhận định trong 2-3 giờ tới các khu vực tỉnh Hòa Bình, Yên Bái tiếp tục có mưa, tổng lượng mưa đạt 20-40mm. Cảnh báo trong 3-6 giờ tới, sạt lở đất, lũ quét có nguy cơ cao xảy ra ở các huyện Tân Lạc, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Mai Châu, Lạc Thủy (Hòa Bình). Yên Bình, Lục Yên, Mù Cang Chải (Yên Bái). Tại Hà Nội cũng bắt đầu có mưa rộng khắp.

Ở phía Nam thời tiết cũng đang rất xấu, mưa gió gia tăng. Nguyên nhân là do ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh và tương tác với vùng áp thấp ở biển Đông. Theo đó, khu vực Tây Nguyên và Nam bộ sẽ tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to trong 2-3 ngày tới, nhiều nơi có dông, trong cơn dông có khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Do mưa to ở thượng nguồn sông Cửu Long nên dự báo vài ngày sẽ có nước lũ đổ về đồng bằng sông Cửu Long.

Từ giữa tháng 5-2018, tại Nam bộ đã bắt đầu vào mùa mưa. Ở một số nơi như khu vực ven biển Kiên Giang, Cà Mau và Đông Nam Bộ có mưa sớm hơn. Mùa mưa ở Nam Bộ sẽ kéo dài tới khoảng trung tuần tháng 11.

Theo VĂN PHÚC (SGGP)

 

Liên kết hữu ích