Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ

17/04/2019 - 07:38

 - Thực hiện kế hoạch đổi mới chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều giải pháp thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong nhà trường.

Nhờ sự quan tâm của các trường, sự nỗ lực của thầy, cô giáo dạy ngoại ngữ trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy môn tiếng Anh và đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chất lượng dạy và học tiếng Anh của các trường không ngừng nâng lên. Đặc biệt, từ sau khi triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm.

Để thực hiện đạt mục tiêu của kế hoạch là nâng cao toàn diện chất lượng dạy và học tại các trường phổ thông, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng dạy và học. Vì vậy, thầy, cô giáo là người tiên phong đổi mới phương pháp dạy, đồng thời tăng cường bồi dưỡng phương pháp, thói quen, khả năng tự học cho học sinh. Năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức khảo sát, lựa chọn trong số giáo viên đạt chuẩn của các cấp học để đưa đi đào tạo, bồi dưỡng về nâng cao năng lực trình độ tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp, phương pháp dạy tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy… tại Singapore và một số trường đại học, trung tâm tiếng Anh có uy tín trong cả nước. Tính đến năm 2018, cấp tiểu học có 96,27% giáo viên đạt chuẩn, trung học cơ sở đạt chuẩn 97,8%; trung học phổ thông đạt chuẩn 85,3%.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông

Việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường cũng là một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ. Theo đó, Sở GD&ĐT đã chọn 3 trường (mỗi cấp độ 1 trường) để xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới toàn diện về dạy và học tiếng Anh, gồm: Trường Tiểu học “A” thị trấn Phú Hòa, Trường THCS thị trấn Phú Hòa và Trường THPT Nguyễn Khuyến (Thoại Sơn). Bên cạnh đó, để tạo hứng thú cho môn học, các trường đều thành lập Câu lạc bộ tiếng Anh cho giáo viên và học sinh; phối hợp các trung tâm ngoại ngữ, mời các tình nguyện viên nước ngoài tham gia giảng dạy và hoạt động ngoại khóa nhằm tăng cường kỹ năng nghe, nói, đọc viết…

Theo Sở GD&ĐT, năm học 2018-2019, chương trình đã được triển khai ở 415 trường từ cấp tiểu học, THCS, THPT, cho 3.730 lớp, với hơn 131.300 học sinh. Bên cạnh đó, đã trang bị thêm 17 phòng bộ môn cấp trung học cơ sở, 62 phòng cấp tiểu học, nâng tổng số trường học trên địa bàn tỉnh đã được trang bị phòng bộ môn ngoại ngữ là 359 (36 trường THPT, 89 trường THCS và 234 trường tiểu học).

Năm 2019, Sở GD&ĐT sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp hiệu quả. Trong đó, tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực ngôn ngữ, đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá dành cho giáo viên đã đạt chuẩn ở các cấp học. Phối hợp Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ (Bộ GD&ĐT) tại các trường đại học, các trung tâm ngoại ngữ có uy tín để tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh ở các cấp về phương pháp giảng dạy tiếng Anh theo số lượng được phân bổ năm 2019 của Bộ GD&ĐT.

Ngoài ra, sẽ tiếp tục xây dựng đơn vị điển hình đổi mới toàn diện dạy và học ngoại ngữ ở huyện Châu Phú gồm: Trường Tiểu học “A” thị trấn Cái Dầu, Trường THCS thị trấn Cái Dầu, Trường THPT Trần Văn Thành. Các hoạt động sẽ được triển khai tại các đơn vị điển hình: Tổ chức các đợt tập huấn và hội thảo cho giáo viên, câu lạc bộ tiếng Anh, hội thi tài năng tiếng Anh, dạy tăng cường kỹ năng nghe, nói tiếng Anh có yếu tố người nước ngoài; trang bị phần mềm, tài liệu tham khảo cho học sinh và giáo viên. Đồng thời, tiếp tục trang bị phòng học bộ môn ngoại ngữ cho các trường, ưu tiên cho các đơn vị tham gia giảng dạy tiếng Anh 10 năm. Kinh phí hoạt động 962 triệu đồng, kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp của tỉnh.

ĐÌNH ĐỨC

 

Liên kết hữu ích