Nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho nông dân

13/11/2018 - 05:45

 - Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã đẩy mạnh công tác dạy nghề cho hội viên tại các địa phương, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của nông dân và bám sát yêu cầu thời hội nhập.

Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết: “Năm 2018, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân đã hoàn chỉnh hồ sơ, cấp chứng chỉ cho 38/38 lớp kỹ thuật trồng và thiết kế vườn, kỹ thuật nuôi gia cầm an toàn sinh học, kỹ thuật trồng và bảo quản nấm rơm cho 1.100 học viên tham dự từ năm 2017. Năm nay, đơn vị đã khai giảng các lớp dạy nghề nông dân tại các địa phương: Chợ Mới, Châu Thành, Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn, Phú Tân, TX. Tân Châu và TP. Long Xuyên... Các lớp dạy nghề chủ yếu là ngắn hạn nhưng đáp ứng được yêu cầu của nông dân là áp dụng ngay những kiến thức đã học vào các mô hình đang sản xuất”.

Theo xu hướng chung, nông dân sẵn sàng tiếp cận những mô hình làm ăn mới, hiệu quả. Vì vậy, các lớp dạy nghề tuy ngắn hạn nhưng những kiến thức người nông dân tích lũy được phải thực sự là “bệ đỡ” trong quá trình họ triển khai mô hình. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Phú Huỳnh Minh Ngọc chia sẻ: “Thực tế, nông dân không ngại khó. Do đó, việc bỏ một khoảng thời gian để học nghề nhưng có thể đáp ứng được mục tiêu chuyển đổi sản xuất thì họ rất sẵn sàng. Thời gian qua, chúng tôi đã đề nghị Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thực hiện các lớp hướng dẫn kỹ thuật làm vườn, kỹ thuật chăn nuôi gia cầm để hội viên, nông dân huyện Châu Phú có thể áp dụng cho mình. Đến nay, hoạt động này đã đạt được những kết quả khả quan, đặc biệt là ở các xã Ô Long Vĩ, Khánh Hòa khi nhiều nông dân đang rất “mặn” trong việc chuyển đổi từ trồng lúa sang cây ăn quả”.

Nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho nông dân

Nông dân có nhu cầu rất lớn về học nghề

Theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh, việc nông dân tiếp cận với các mô hình kinh tế mới là rất phù hợp. “Mục tiêu của Hội Nông dân tỉnh là khi bà con muốn trồng cây gì, nuôi con gì thì họ phải nắm được những kiến thức cơ bản, cần thiết về mô hình đó. Đặc biệt, bên cạnh số lượng người học chúng tôi còn hướng đến chất lượng của các lớp dạy nghề. Dù chỉ là các lớp “ngắn hạn” nhưng hiệu quả đối với nông dân phải thực sự “dài hạn” để họ có thể áp dụng kiến thức một cách hiệu quả, bền vững” - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Châu Văn Ly khẳng định.

Trong công tác hỗ trợ nông dân, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân đã đầu tư, hỗ trợ 36 mô hình cho nông dân, gồm: con giống, cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn và các dụng cụ cắt tỉa cành... để nông dân đầu tư nâng cấp mô hình. Qua đó, đã giải quyết việc làm sau đào tạo nghề cho gần 950 lao động địa phương. Đồng thời, đơn vị đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành thực hiện mô hình trồng nấm rơm trong nhà tại xã An Hòa. Qua hội thảo, người trồng cũng như ngành chuyên môn đều đánh giá mô hình đạt năng suất cao, giúp nông dân tận dụng phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và nâng cao thu nhập.

Tuy đạt được những kết quả nhất định trong công tác đào tạo nghề nhưng hoạt động hỗ trợ nông dân thực hiện các dịch vụ nông nghiệp thời gian qua còn hạn chế, bởi Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân chưa tiếp cận nhiều với các công ty, doanh nghiệp trên lĩnh vực này. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện công tác hỗ trợ nông dân học nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp. Đồng thời, tích cực phối hợp với các công ty, doanh nghiệp triển khai các hoạt động hội thảo, tập huấn về mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để hội viên, nông dân có thể tiếp cận với những kiến thức mới, áp dụng hiệu quả vào mô hình, cùng tham gia vào chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh” - bà Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết.

THANH TIẾN