Nâng cao hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở

08/07/2019 - 07:27

 - Hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở được xem là nòng cốt cho mọi hoạt động văn hóa ở cơ sở. Các địa phương đã đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa nhằm phục vụ tốt hơn đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Nhiều công trình nhà văn hóa, thư viện, phòng đọc, tủ sách, sân bóng đá… được xây dựng ở khắp các địa bàn ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu giải trí tinh thần của nhân dân, đồng thời là nơi bồi dưỡng nghiệp vụ và còn là nơi ươm mầm những hạt nhân phong trào văn hóa, thể thao.

Nâng cao hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở

Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng xã Đa Phước được đầu tư xây dựng khang trang

Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng xã Đa Phước (An Phú) là một trong những điển hình trong việc khai thác hiệu quả thiết chế văn hóa ở cơ sở. Không chỉ phục vụ tốt các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, nơi đây còn thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tận dụng sân bãi rộng rãi, ở đây còn bố trí cho người dân tổ chức đãi tiệc (cưới hỏi, liên hoan), vừa tạo không gian sinh hoạt văn hóa lành mạnh, vừa thể hiện sự văn minh, lịch sự, nhất là đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bởi người dân không còn che rạp trước nhà ngang nhiên lấn chiếm hành lang lộ giới.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có 73 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn. Trong đó có 50 nhà văn hóa xã được cải tạo, xây mới theo mô hình Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng và điểm sinh hoạt văn hóa - thể thao cấp xã. Các thiết chế văn hóa - thể thao tập trung tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa - thể thao đã tạo sân chơi lành mạnh cho giới trẻ, góp phần đưa hoạt động văn hóa phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương. 

Có thể thấy, những năm qua, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng và dần hoàn thiện các thiết chế văn hóa - thể thao từ nguồn ngân sách để duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa - thể thao, nhằm đáp ứng nhu cầu và thu hút nhân dân tham gia các hoạt động sáng tạo, giao lưu và giải trí. Đến nay, các thiết chế văn hóa cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt giải trí của cộng đồng dân cư, cụ thể như: số nhà thi đấu đạt 45% số huyện, thị xã, thành phố; số hồ bơi 25m đã phủ khắp 11 huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, tỉnh còn ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ để phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa - thể thao phục vụ nhân dân.

Các đơn vị nghệ thuật, phòng văn hóa - thông tin, trung tâm văn hóa cấp huyện thu hút nhiều cán bộ trẻ, có năng lực, trình độ chuyên môn, yêu ngành, yêu nghề, phù hợp với đặc thù công tác và có tính thừa. Đội ngũ cán bộ ngành văn hóa là người dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên về số lượng, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, ở một số địa phương vùng biên giới.

Nhà Văn hóa xã, phường, thị trấn (Trung tâm Văn hóa và học tập cộng đồng) tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt vui chơi của nhân dân. Bên cạnh đó, tư nhân còn đầu tư và tài trợ tổ chức hoạt động văn hóa-thể thao, như: câu lạc bộ đờn ca tài tử, hát với nhau, thơ người cao tuổi, tuồng cổ, thể hình, thời trang, bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông, quần vợt, xe đạp, xây dựng sân bãi, phòng-điểm đọc sách, báo… Hiện toàn tỉnh có 92 điểm bưu điện văn hóa xã hoạt động hiệu quả; có trên 1.000 câu lạc bộ thể dục-thể thao 1 môn và nhiều môn, trên 1.800 sân bãi tập luyện thể thao các loại, trong đó có nhiều sân bãi của tư nhân đầu tư và quản lý, khai thác, tập trung nhiều ở các môn: bóng đá mi-ni, bóng chuyền, quần vợt, cầu lông và thể dục thể hình - thẩm mỹ... Anh Thanh Trung (nhân viên một doanh nghiệp ở TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Công việc kinh doanh đòi hỏi mình phải thường xuyên đi công tác, tiếp khách. Dù bận rộn nhưng mỗi tuần mình vẫn tranh thủ vài buổi đi đánh tennis để tăng cường sức khỏe. Những người bạn của mình còn tham gia bóng đá, cầu lông… vào mỗi buổi chiều và dịp cuối tuần. Ở TP. Long Xuyên, tư nhân đầu tư rất nhiều sân bãi chất lượng, rất dễ dàng cho những ai yêu thích thể thao tập luyện”.

Đặc biệt, thực hiện thường xuyên, có hiệu quả phong trào văn hóa - văn nghệ ở các địa phương vùng biên giới giáp với nước bạn Campuchia, nhằm giữ gìn và phát triển hoạt động văn hóa vùng biên giới, cải thiện đời sống văn hóa đồng bào dân tộc, tạo mối quan hệ hữu nghị với nước bạn Campuchia, giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc trên địa bàn tỉnh ra thế giới.

Theo đó, tỉnh đã đăng cai và tổ chức thành công Ngày hội văn hóa - thể thao và du lịch đồng bào dân tộc Chăm toàn quốc năm 2016 tại An Giang. Đây là cơ hội để tỉnh An Giang giới thiệu những nét đặc trưng văn hóa của dân tộc thiểu số Chăm nói riêng và các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung đến các tỉnh bạn, du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, con người và văn hóa tỉnh nhà, phát triển du lịch địa phương. Đồng thời, tổ chức đoàn nghệ nhân đồng bào dân tộc Khmer tham dự thành công Đêm hội đoàn kết Nghị viện thế giới IPU thế giới lần thứ 132 tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (tại Đồng Mô, Sơn Tây, TP. Hà Nội). Thông qua sự kiện này, đoàn nghệ nhân dân tộc Khmer An Giang đã giới thiệu nét đặc trưng văn hóa tiêu biểu của dân tộc Khmer và các dân tộc ở An Giang đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH