Nâng chất các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp văn hóa”

05/06/2019 - 08:09

 - Gia đình văn hóa là danh hiệu quan trọng góp phần xây dựng thành công các danh hiệu văn hóa khác và là một trong những yếu tố căn cốt để thực hiện thắng lợi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH). Những năm qua, An Giang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 21 của Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào “TDĐKXDĐSVH” và Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 12-7-2012 của UBND tỉnh về công nhận các danh hiệu của phong trào “TDĐKXDĐSVH”.

Theo Ban Chỉ đạo tỉnh, phong trào “TDĐKXDĐSVH” trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng các danh hiệu văn hóa được giữ vững, xuất nhiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực… Toàn tỉnh hiện có 507.045 hộ gia đình văn hóa, đạt 93,31% so tổng số hộ; 863 khóm, ấp văn hóa, đạt 97,18% so tổng số ấp; 50/119 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt 42%; 12 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, đạt 32,43%. Đồng thời, có 42 khóm, ấp trở thành “Điểm sáng văn hóa biên giới” gắn với 11 đồn biên phòng...

Có thể thấy, phong trào đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và từng bước xây dựng khu dân cư phát triển toàn diện về sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, khôi phục và phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững... từ đó giúp đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng lên.

Hoạt động xã hội hóa thể dục - thể thao ngày càng phát triển

Nhà văn hóa xã, phường, thị trấn (trung tâm học tập cộng đồng) tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt vui chơi của nhân dân. Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp còn đầu tư và tài trợ tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao: câu lạc bộ đờn ca tài tử, hát với nhau, hội thơ “Người cao tuổi”, câu lạc bộ thể hình, thời trang, bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông, quần vợt, xe đạp, phòng-điểm đọc sách, báo… Hiện có trên 1.000 câu lạc bộ thể dục - thể thao, trên 1.800 sân bãi tập luyện thể thao các loại, trong đó có nhiều sân bãi của tư nhân đầu tư và quản lý, khai thác, tập trung nhiều ở các môn: bóng đá mi-ni, bóng chuyền, quần vợt, cầu lông và thể dục thể hình - thẩm mỹ; 92 điểm bưu điện văn hóa xã hoạt động có hiệu quả. Cùng với đó, ý thức tự giác thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, việc cưới, lễ hội của mỗi người dân được cải thiện. Nhiều phong trào, hoạt động văn hóa đạt được nhiều kết quả thiết thực, gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; thành lập các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, giúp xây dựng gia đình phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), phong trào vẫn còn một số hạn chế như: chất lượng chưa bền vững, công tác tuyên truyền chưa sâu, kiểm tra để nâng chất chưa được quan tâm thường xuyên, nội dung phong trào lồng ghép với các hoạt động khác chưa gắn kết, tình hình trật tự - vệ sinh môi trường có khắc phục nhưng còn chậm… Để nâng chất “Gia đình văn hóa”, “Ấp văn hóa” cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết là tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt nội dung phong trào “TDĐKXDĐSVH”, các tiêu chí xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Ấp văn hóa”, lồng ghép chặt chẽ với các chương trình: y tế quốc gia, chăm sóc - bảo vệ sức khỏe nhân dân, chống bỏ học giữa chừng, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới; tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… Đẩy mạnh việc nâng chất phong trào “TDĐKXDĐSVH”, trong đó phải xác định việc xây dựng “Gia đình văn hóa” là nền tảng vững chắc, là tiêu chí để công nhận các danh hiệu khác, như: ấp văn hóa, xã văn hóa… Xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt của các gia đình; có sơ, tổng kết, kịp thời biểu dương các cá nhân, gia đình tiêu biểu trong thực hiện phong trào, giữ vững danh hiệu văn hóa nhiều năm liền.

Tăng cường xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở (nhà văn hóa, bưu điện văn hóa, phòng đọc sách, câu lạc bộ đờn ca tài tử, hát với nhau, sân chơi thể thao…). Rà soát, phân loại số lượng, chất lượng “Gia đình văn hóa”, “Ấp văn hóa” để kịp thời điều chỉnh, nâng chất. Cùng với công nhận mới sẽ kiên quyết rút danh hiệu đối với những trường hợp vi phạm hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn văn hóa, nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan và nâng cao ý thức vươn lên của mỗi gia đình.

HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích