Nâng chất hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập

09/09/2019 - 07:33

 - Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, nhất là chính quyền và nhân dân trong tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII).

Bộ máy tinh gọn

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, thực hiện Đề án số 05 của Tỉnh ủy An Giang ngày 12-9-2018 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” theo Nghị quyết số 19, đến nay, toàn tỉnh đã sắp xếp, sáp nhập giảm 67 đơn vị sự nghiệp công lập so năm 2015. Bên cạnh việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 01 về việc thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả, đến nay đã tinh giảm được 4.415 biên chế (đạt 11,36%).
Đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết số 19, thể hiện tinh thần chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện thận trọng, chắc chắn, không nóng vội và từng bước vững chắc. Tinh gọn tổ chức bộ máy hợp lý, sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn tối đa cấp trung gian, giảm số lượng cấp trưởng và cấp phó. Từng bước nâng cao năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao. Việc tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, nâng cao chất lượng, thu nhập đội ngũ cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập, hướng đến phục vụ nhân dân tốt hơn

Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng dịch vụ ở một số lĩnh vực sự nghiệp chưa cao; một số đơn vị chưa chủ động trong việc chuyển đổi hoạt động theo mô hình tự chủ; việc thực hiện xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công còn chậm. Việc quy định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị còn chồng chéo, không rõ ràng, không có sự phối hợp trách nhiệm về các nguồn lực; một số chính sách, quy định về định mức kinh tế, kỹ thuật, tiêu chuẩn ngành nghề… là điều kiện để thực hiện quyền tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã lạc hậu, chậm sửa đổi, bổ sung, ban hành (học phí, viện phí, định mức giờ giảng…).

Nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân 

An Giang phấn đấu đến năm 2030, sắp xếp giảm 119 đơn vị sự nghiệp công lập (trừ giáo dục và đào tạo), tinh giản 4.154 biên chế (đạt 37,47%); 69 đơn vị tự chủ tài chính (đạt 24,3%); giảm trên 300 tỷ đồng chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước (đạt 38,35%); chuyển đổi 14 đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thành công ty cổ phần và hạch toán như doanh nghiệp. Đồng thời, sắp xếp giảm 62 đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục và đào tạo (đạt 7,9%); tinh giản 3.569 biên chế (đạt 8,28%); 16 đơn vị tự chủ tài chính; giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước trên 156 tỷ đồng (đạt 11,31%).

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, để thực hiện có hiệu quả chủ trương sắp xếp bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập, thời gian tới, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước. Thiết lập trật tự kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện tốt giải pháp cải cách thủ tục hành chính, hướng đến phục vụ người dân một cách tốt nhất; lấy mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo hiệu quả, thành công của cải cách hành chính.

Tuyên truyền sâu rộng việc đặt mục đích vì cái chung của tập thể cơ quan, đơn vị lên trên hết, động viên cán bộ, đảng viên sẵn sàng nhận nhiệm vụ sau sắp xếp, dôi dư. Đảm bảo lộ trình đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế theo Nghị định số 108 ngày 20-11-2014 của Chính phủ; đồng thời xác định và giao biên chế theo hướng quản lý, giám sát chặt chẽ. Đẩy mạnh thí điểm thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới; thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại viên chức hàng năm theo quy định để đưa ra khỏi đội ngũ những người 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ.

Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, bố trí, sử dụng hợp lý, hiệu quả viên chức. Rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế đối với một số chức danh trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện nghiêm quy định về số lượng lãnh đạo cấp phó, thực hiện chính sách thu hút nhân tài, đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc. 

Tính đến ngày 31-3-2019, toàn tỉnh có 918 đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có 716 đơn vị lĩnh vực giáo dục - đào tạo). Phân theo thẩm quyền quản lý có 9 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh; 137 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các sở, ban, ngành tỉnh, 772 đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện. Toàn tỉnh đã sắp xếp, sáp nhập giảm 67 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó 5 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên, đầu tư; 45 đơn vị đảm bảo toàn bộ hoạt động chi thường xuyên; 177 đơn vị bảo đảm một phần chi hoạt động thường xuyên; 691 đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên.

THU THẢO