Nâng chất thỏa ước lao động tập thể

15/07/2019 - 07:51

 - Thỏa ước lao động tập thể là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động, trên cơ sở đó xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, bền vững. Trên thực tế, do những tồn tại, khó khăn từ nhiều phía mà việc xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.

Đại biểu thảo luận về thực trạng tồn tại và giải pháp nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể

Tính đến cuối năm 2018, có 163/244 công đoàn cơ sở (CĐCS) DN ký kết thỏa ước lao động tập thể, đạt tỷ lệ 66,80%. Trong đó số DN khu vực ngoài nhà nước thực hiện ký kết đạt tỷ lệ 64,78%. Các bản thỏa ước lao động tập thể được ký kết đều có nội dung có lợi hơn cho người lao động (NLĐ), cụ thể như: tiền lương, tiền thưởng, các khoản phụ cấp, ăn giữa ca, thời giờ làm việc, tham quan nghỉ mát, chế độ hiếu hỷ, trợ cấp khó khăn đột xuất... Năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tiến hành thanh tra tại 7 DN, kiểm tra 32 DN, đánh giá vẫn còn một số DN chưa làm tốt, chưa đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ theo quy định của pháp luật lao động và thỏa thuận đã ký trong thỏa ước lao động tập thể. Những nội dung đáng quan tâm là: không ký kết hợp đồng lao động, ký kết hợp đồng lao động không đúng theo quy định; làm thêm giờ vượt quy định; chưa tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đầy đủ cho NLĐ, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn cho NLĐ thuộc diện phải tham gia...

Tại buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức, đại diện Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ cấp trên và CĐCS một số DN đều đồng tình chỉ ra những hạn chế chung khiến thỏa ước lao động tập thể chưa đạt kết quả như mong đợi. Theo Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Tô Minh Lắm, một trong những nguyên nhân là cán bộ CĐCS chưa nắm vững quy định pháp luật, trình tự xây dựng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; năng lực, kỹ năng đàm phán của CĐCS còn nhiều hạn chế, nhất là kiến thức về kinh tế, tài chính DN, pháp luật lao động. Có nhiều trường hợp để xây dựng thỏa ước lao động tập thể, các đơn vị vẫn thực hiện theo cách: giao cho bộ phận nhân sự - lao động chuẩn bị, soạn thảo, sau đó chuyển CĐCS có ý kiến và ký kết ban hành. Nội dung, điều khoản trong thỏa ước lao động tập thể chưa xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của NLĐ, từ thực tế DN mà chỉ là quy ước những nội dung đã có và đang thực hiện. Chủ tịch CĐCS phần lớn là kiêm nhiệm, chưa được bồi dưỡng về kỹ năng thương lượng nên trong quá trình thương lượng, cần được tư vấn của công đoàn cấp trên. Ở Khu công nghiệp Bình Long và Bình Hòa hiện có hơn 11.000 lao động, với hơn 10.000 đoàn viên đang làm việc tại 12 DN có CĐCS, hàng năm 100% các đơn vị đều có ký kết thỏa ước lao động tập thể. Khó khăn chung được đại diện CĐCS chia sẻ xuất phát từ cả 3 phía: NLĐ thường xuyên biến động, thiếu quan tâm; ban giám đốc công ty tập trung vào kế hoạch sản xuất dày đặc, trở ngại trong giao tiếp ngôn ngữ; CĐCS dành thời gian làm việc chủ yếu cho chuyên môn, chưa quan tâm sâu sát đến tâm tư nguyện vọng NLĐ.

Tại TP. Long Xuyên có 79 DN có tổ chức công đoàn trực thuộc LĐLĐ TP. Long Xuyên, với tổng số 8.932 lao động. Đến nay, có 58 DN ký kết thỏa ước lao động tập thể, số DN còn lại chưa thực hiện do CĐCS khuyết, kinh doanh gặp khó khăn, DN hộ gia đình. Chủ tịch LĐLĐ TP. Long Xuyên Hồ Đăng Dương cho biết, số lượng các CĐCS thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể khu vực ngoài nhà nước còn thấp, chất lượng các bản thỏa ước tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng của NLĐ, bởi chưa được người sử dụng lao động hiểu và nhìn nhận một cách đúng đắn, vẫn còn những bản thỏa ước mang tính hình thức và chưa thực chất. Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Quốc Hội cho rằng, thời gian qua, sự phối hợp giữa công đoàn cấp trên và các ngành liên chức năng với CĐCS tại DN chưa cao. Bản thân chủ tịch CĐCS ở DN có rất nhiều khó khăn do phụ thuộc chủ DN trong nhiệm vụ chuyên môn. Công đoàn cấp trên phải hỗ trợ, giúp DN thấy vai trò, trách nhiệm của công đoàn, đồng thời tác động cho DN hiểu về thỏa ước lao động tập thể để trở thành “luật con” của DN, đôi bên cùng sử dụng để xử lý khi có những tranh chấp trong môi trường lao động.

Theo Sở LĐ-TB&XH, có những DN tuy có thực hiện các chế độ, chính sách, phúc lợi có lợi hơn cho NLĐ nhưng không muốn cam kết vào bản thỏa ước lao động tập thể, vì cho rằng, khi đã ký thỏa ước lao động tập thể sẽ trở thành trách nhiệm bị ràng buộc, trong trường hợp DN gặp khó khăn sẽ trở thành gánh nặng phải thực hiện chứ không còn là sự hỗ trợ, quan tâm, chia sẻ. Những khó khăn này được đại diện các cơ quan, DN bàn luận, thống nhất sẽ tiếp tục tuyên truyền trong thời gian tới. Mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao nhận thức cho cả DN và NLĐ về thỏa ước lao động tập thể, chuẩn bị những nội dung thật sự có lợi cho NLĐ trong bản thỏa ước, bám sát thực tế và có điều chỉnh, bổ sung theo định kỳ 3 năm. Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thiện Phú nhấn mạnh, các cấp công đoàn cần hỗ trợ CĐCS làm tốt vai trò của mình, xây dựng bản thỏa ước lao động tập thể mẫu và tổ chức làm điểm ở một số nơi để nội dung thỏa ước lao động tập thể ngày càng nâng chất, thực hiện như “bộ luật con” của DN nhằm giải quyết các vấn đề về quan hệ lao động.

MỸ HẠNH