Nâng giá trị sản xuất, cải thiện đời sống người dân

25/05/2018 - 06:56

 - Đó là mục tiêu chính mà An Giang hướng đến khi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp (NN). Với việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất (SX) mới, chính nông dân (ND) sẽ được hưởng lợi trước tiên khi thu nhập tăng lên, đời sống khá hơn.

Phát huy thế mạnh SX giống

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành NN, tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành hàng. Tuy nhiên, phát triển SX phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái nhằm phát triển NN bền vững. Mục tiêu đến năm 2020, đối với ngành hàng lúa, gạo, trên cơ sở các tổ nhân giống hiện có, tỉnh duy trì diện tích SX lúa giống 22.000ha/năm.

ND khi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, sẽ tăng 30% thu nhập so với ND SX lúa theo truyền thống. Đối với ngành thủy sản, chăn nuôi bò, các ngành chuyên môn sẽ tổ chức đào tạo, huấn luyện, nâng cao kiến thức về quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi bò thịt theo tiêu chuẩn VietGAPHP cho cán bộ NN và ND. Đối với ngành hàng nấm ăn, nấm dược liệu, tỉnh hướng đến ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để cải thiện năng suất trồng nấm ăn 30% so với cách trồng truyền thống.

Theo Trung tâm Khuyến nông (TTKN) An Giang, để duy trì hoạt động nhân giống, ổn định diện tích SX lúa giống 22.000ha/năm ở 11 huyện, thị xã, thành phố, giai đoạn 2018-2020, đơn vị sẽ tổ chức khoảng 33 cuộc họp củng cố phân hội giống các địa phương nhằm cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách quản lý giống, chia sẻ kinh nghiệm, kế hoạch phân giống, thông tin về thị trường tiêu thụ giống.

Đồng thời, tổ chức các chuyến đi học tập kinh nghiệm mô hình SX lúa giống có hiệu quả ở các tỉnh khác. Dự kiến, sẽ có những cuộc tọa đàm để giúp ND tổ giống, nhà khoa học, cán bộ quản lý và doanh nghiệp (DN) tiêu thụ lúa giống gặp nhau, chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh liên kết trong lĩnh vực SX - tiêu thụ lúa giống. Cuối năm 2020 sẽ tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động duy trì công tác giống để tổng kết, đánh giá kết quả đạt được và định hướng việc nhân giống lúa giai đoạn tiếp theo.

Nâng giá trị sản xuất, cải thiện đời sống người dân

Tổ chức trình diễn, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất

Kết nối DN - ND

Đây là yêu cầu cần thiết trong xây dựng chuỗi giá trị lúa, gạo. Giám đốc TTKN Huỳnh Hiệp Thành cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động kết nối DN với ND, giai đoạn 2018-2020, đơn vị sẽ phối hợp tổ chức 48 điểm trình diễn kết hợp hội thảo (60 người/cuộc) về mô hình trồng giống lúa, nếp triển vọng, chất lượng cao tại các địa phương: Châu Thành, Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn, Chợ Mới, Phú Tân và TX. Tân Châu.

Qua đó, DN và ND có thể chọn lựa một số giống lúa, nếp chất lượng cao, thích nghi điều kiện SX để hợp tác. Đồng thời, phối hợp các DN: Gentraco, Tấn Vương, Vinacam... xây dựng mô hình thí điểm, tổ chức hội thảo SX lúa để xác định tiêu chuẩn chất lượng, chọn vùng nguyên liệu phù hợp để triển khai thực hiện 6 mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, chất lượng sản phẩm đạt theo yêu cầu, tiêu chuẩn của DN tại các địa phương có liên kết với DN tiêu thụ lúa, gạo (Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, Phú Tân, Tri Tôn, TX. Tân Châu…). Sau đó, tổ chức các cuộc hội thảo để đánh giá, nhân rộng mô hình ra các địa phương khác.

Đối với ngành hàng cá tra, TTKN An Giang sẽ tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật để cập nhật kiến thức cho cán bộ, ND, tổ hợp tác, hợp tác xã về quy trình nuôi cá tra thương phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, mô hình SX có hiệu quả theo hướng công nghệ cao… Tương tự, trong lĩnh vực chăn nuôi bò, cán bộ chăn nuôi và ND sẽ được cập nhật, nâng cao kiến thức về kỹ thuật nuôi một số giống bò thịt, bò cái sinh sản năng suất cao theo hướng VietGAPHP, tổ chức SX, quản lý tổ, nhóm…

Đối với ngành nấm ăn, nấm dược liệu, cùng với tập huấn về các tiến bộ kỹ thuật về quy trình nuôi trồng, sơ chế, thông tin về liên kết SX tiêu thụ nấm, TTKN An Giang sẽ tổ chức các điểm trình diễn mô hình trồng nấm rơm, nấm bào ngư, nấm mèo, nấm dược liệu (trong đó ưu tiên mô hình trồng nấm rơm) nhằm cải thiện năng suất so với mô hình trồng hiện tại để ND học tập.

Sau đó, tổ chức các cuộc hội thảo để đánh giá, nhân rộng mô hình. TTKN còn tổ chức các chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm mô hình SX nấm có hiệu quả tại các viện, trường, trung tâm trại giống cũng như các tỉnh bạn nhằm giúp cán bộ, ND, tổ, nhóm SX nấm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trong việc quản lý, tổ chức SX hiệu quả. Đồng thời, hỗ trợ thành lập tổ, nhóm SX nấm rơm có liên kết tiêu thụ sản phẩm với DN.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN