Nặng lòng với nhạc cụ dân tộc

23/02/2018 - 08:54

Say mê đờn ca tài tử (ĐCTT), mỗi người chọn một cách giữ gìn, phát huy đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này. Người say sưa chơi đờn, hát; người truyền dạy cho các thế hệ kế thừa,... Còn anh Lương Thành Bờ, ngụ ấp Đình, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An lại gắn bó đời mình với nghề làm nhạc cụ dân tộc như một nghiệp duyên.

A A

Trót yêu tiếng đờn

Như nhiều nơi khác trên mảnh đất Cần Đước, quê hương Tân Chánh của anh Lương Thành Bờ cũng phát triển nghệ thuật ĐCTT từ rất sớm. Thuở nhỏ, mỗi khi bên nhà hàng xóm văng vẳng tiếng đờn, cậu bé Bờ lại chạy sang nghe. Nghe mãi thành “ghiền”, một hôm, anh mượn đờn để thử chơi nhưng người hàng xóm không cho. Buồn bã trở về nhà, anh ước mơ được học nghề làm đờn để tự tay làm những nhạc cụ yêu thích.

Vì trót yêu tiếng đờn, anh Lương Thành Bờ nguyện giữ nghề, xem như cách giữ loại hình đờn ca tài tử mà anh đam mê

Nhà nghèo, không đủ điều kiện tìm thầy dạy, anh khăn gói lên TP.HCM, đến nhà dì, dượng xin học nghề. Khi đó, anh Bờ 15 tuổi. Sau 7 năm miệt mài, say mê học và phụ nghề với dượng, anh Bờ có thể tự tay làm các loại nhạc cụ dân tộc: Đờn kìm, tranh, sến, cò,... Kể từ đó, anh tự mở xưởng, làm và bán các loại đờn ở TP.HCM. Nhưng, có lẽ, vùng quê Tân Chánh vẫn là chốn bình yên quay về, để những nhạc cụ dân tộc do anh làm ra được tấu lên từ ngón đờn của những người tài hoa ở đất Cần Đước. 20 năm từ ngày trở lại quê, xưởng đờn của anh Bảy Bờ vẫn chỉ là một xưởng nhỏ nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất vẫn là được làm nghề. “Trải qua 35 năm làm nghề với bao thăng trầm, nhiều lúc cũng gặp khó khăn nhưng tôi không nỡ bỏ nghề vì mỗi lần “ôm” đờn tấu lên bản nhạc, tiếng đờn lại hòa quyện tâm hồn, như chính tiếng lòng của mình để thêm say mê, gắn bó” - anh Bờ chia sẻ. 

Đó cũng là cách riêng để anh giữ gìn và thỏa lòng đam mê với nghệ thuật ĐCTT.

Để tiếng đờn vang xa...

Đến thăm xưởng đờn, nhìn cách anh làm việc, ân cần chỉ dạy học trò và nhiệt tình giới thiệu từng loại nhạc cụ dân tộc, chúng tôi càng thêm hiểu tình yêu nghề sâu sắc trong anh.

Anh Bờ nói: “Nhiều người học nghề xong là có thể làm được nhưng mỗi loại đờn mang âm sắc khác nhau nên đóng, ráp đờn thế nào để khi chơi, từng loại nhạc cụ phát ra âm thanh đặc trưng mới là quan trọng. Như đờn kìm, muốn chơi hay, khi tấu phải ra được “tiếng kìm” (tiếng thổ) và trầm ngâm, còn đờn sến có tiếng nổ giòn như pháo,... Các loại nhạc cụ phải hòa quyện, làm nên âm bậc ngũ cung hò, xự, xang, xê, cống... thì cây đờn làm ra mới gọi là đạt yêu cầu. Vì vậy, công đoạn làm mặt đờn và gắn dây rất quan trọng. Thông thường, khâu này đều do tôi tự tay làm”. Sở dĩ, công đoạn này phải do chính anh làm vì người thợ, ngoài kỹ thuật phải biết chơi đờn, hiểu âm sắc từng nhạc cụ mới có thể thành công. 

Say mê đờn ca tài tử, anh Bảy Bờ chọn cách riêng để gìn giữ, phát huy. Đó là học nghề, làm ra những nhạc cụ dân tộc để nhiều nghệ nhân, nhạc sĩ tấu lên âm bậc ngũ cung

Anh Nguyễn Ngọc Đen - bạn đờn của anh Bờ, ngụ xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, cho biết: “Những loại nhạc cụ dân tộc do anh Bảy Bờ làm, khi chơi luôn đúng điệu, âm thanh tốt”.

Những loại đờn của anh làm, ngoài bán cho các cơ sở kinh doanh nhạc cụ dân tộc, trường dạy âm nhạc ở TP.HCM, còn được một số nước biết đến. Anh Bờ chia sẻ: “Hiện tại, tôi làm theo đơn đặt hàng. Trung bình, mỗi tháng, tôi làm khoảng 60 cây đờn, trong đó, chủ yếu là guitar, kìm, tranh, sến. Tôi còn làm 10 cây đờn tranh bán cho một nhạc sĩ người Úc”.

Ngoài ra, một nhạc sĩ từ nước Ý lặn lội sang, tìm đến xưởng đờn của anh đặt làm gần 100 chiếc đờn gáo cổ của nước Ý. Quả thật, tổ nghiệp không phụ lòng người có tâm lại yêu nghề như anh để “tiếng đờn” của anh vang xa như hôm nay. ĐCTT Nam bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mãi được gìn giữ, phát huy khi còn đó những người say mê như anh Bảy Bờ. Dù không là tài tử hát, không trực tiếp chơi đờn nhưng những nhạc cụ dân tộc do anh làm ra bằng cả lòng đam mê sẽ góp phần lan tỏa tinh hoa, giữ sức sống của âm nhạc dân tộc theo dòng chảy thời gian.

Theo BẢO NGÂN (Báo Long An)