NATO đang đứng trước thách thức lớn do những bất đồng nội bộ

21/11/2019 - 19:32

Về lý thuyết, NATO ra quyết định dựa trên sự đồng thuận, nhưng trên thực tế, Mỹ thường tìm cách áp đặt ý đồ của mình, các nước khác chỉ chấp hành.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang đứng trước thách thức lớn do những bất đồng nội bộ và sự thay đổi của bối cảnh địa chiến lược toàn cầu.

“Chúng ta đang chứng kiến cái chết não của NATO,” Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra nhận định chua chát về tổ chức quân sự lớn nhất thế giới, ngay trước hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập NATO vào đầu tháng 12 tới tại London (Anh).

Với các đồng sự châu Âu và Bắc Mỹ, tuyên bố của ông Macron không nhận được sự tán thưởng, thậm chí còn gây hoài nghi vì những dụng ý đằng sau đó.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng người đứng đầu nước Pháp đã “chọn những từ ngữ quá đáng” và không phản ánh quan điểm của Đức về NATO.

Lãnh đạo nhiều nước cũng có lập trường tương tự. Nhưng có phải NATO đang thực sự khủng hoảng và tê liệt?

Sau sự tan rã của Liên bang Xô Viết, từng được coi là một trong những thách thức lớn nhất đối với sự tồn tại của NATO, "cỗ máy quân sự hùng mạnh" này đã mở rộng từ 12 lên 29 thành viên.

Chìa khóa để duy trì sự tồn tại là thích ứng tốt với thay đổi của hoàn cảnh. Về lý thuyết, NATO ra quyết định dựa trên sự đồng thuận, nhưng trên thực tế, Mỹ thường tìm cách áp đặt ý đồ của mình, các nước khác chỉ chấp hành.

Đó là quy tắc nổi tiếng gọi là “đồng thuận trừ một,” tạo điều kiện để lúc nào cũng có những quyết định nhanh chóng bất chấp có những thành viên phản đối.

NATO cũng ít rơi vào các cuộc cãi vã nội bộ liên quan đến chính trị, vì tổ chức này không mấy bận tâm tới sự khác biệt chính trị giữa các nước thành viên.

Dù Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Hungary luôn bị các đồng minh châu Âu “tuýt còi” vì đảng cầm quyền ở những nước này ban hành một số chính sách không phù hợp với chuẩn mực phương Tây, thì với NATO, điều đó không quan trọng bằng việc Ancara mua tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Nhưng từ khi "Chiến tranh Lạnh" kết thúc, thế giới đã thay đổi nhanh chóng và NATO buộc phải thích ứng với môi trường hoàn toàn mới. Đối thủ của tổ chức này đa dạng và phức tạp hơn, không chỉ từ phía Đông như trong suốt chiều dài lịch sử mà nay xuất hiện ở cả hướng Nam.

Không gian và hình thức xung đột cũng mở rộng ra ngoài khuôn khổ quy ước truyền thống: vũ trụ, không gian mạng, các thành phố châu Âu bị chủ nghĩa khủng bố tấn công.

Ngay cả trên bàn cờ chính trị, phương Tây cũng đang phải đau đầu đối phó với sự can thiệp từ bên ngoài thông qua các chiến dịch tung tin giả.

Hầu hết các nguy cơ này đều nằm dưới mức cần phải viện dẫn điều V Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, cho phép các nước thành viên yêu cầu NATO can thiệp trong trường hợp bị tấn công.

Từ sau sự kiện 11-9, trong khi Mỹ tăng cường đầu tư để phát triển sức mạnh quân sự, châu Âu lặng lẽ cắt giảm ngân sách quốc phòng, nhất là giai đoạn sau khủng hoảng tài chính 2008, khiến cho sự mất cân bằng giữa hai bờ Đại Tây Dương ngày càng ttrầm trọng.

Trong vòng 20 năm qua, tỷ trọng của Mỹ trong chi tiêu quốc phòng của NATO đã tăng mạnh từ 50% lên 70%.

Một yếu tố quan trọng khác, đó là thái độ của Mỹ đối với châu Âu. Washington không chỉ nhìn bằng "con mắt thiếu thiện cảm" tiến trình hội nhập châu Âu, đặc biệt là ý định của một số nước đi đầu là Pháp muốn thúc đẩy xây dựng lực lượng quân sự chung châu Âu, mà sự quan tâm chiến lược cũng hướng sang nơi khác.

Trong tầm nhìn dài hạn của các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, chứ không phải Nga, mới là đối thủ cạnh tranh chiến lược chủ yếu. Sự chú ý của Mỹ nay là châu Á; do đó châu Âu dần dần giảm tầm mức quan trọng.

Tất cả các yếu tố đó kết hợp lại khiến cho thái độ của Mỹ đối với châu Âu thay đổi. Washington chỉ trích và gây sức ép đối với các đối tác châu Âu trên hàng loạt vấn đề, từ chia sẻ gánh nặng tài chính tới năng lực chiến đấu của binh sỹ.

Toàn cảnh Hội nghị Ngoại trưởng NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 20-11. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ cũng phê phán đồng minh dựng hàng rào bảo hộ thị trường công nghiệp quốc phòng, trợ cấp cho các tập đoàn vũ khí nội địa.

Trước đây, những vấn đề này được đề cập một cách tế nhị thông qua kênh ngoại giao và các cuộc họp thường niên cấp cao. Nhưng từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump theo đuổi cách tiếp cận khác hẳn.

Ông gọi NATO là thứ “lỗi thời,” gọi các đồng minh châu Âu là “kẻ thù thương mại tồi tệ nhất.” Không một đồng minh hay đối tác nào tránh khỏi sự chỉ trích của người đứng đầu Nhà Trắng.

Hơn hai năm qua, NATO đã bước vào “kỷ nguyên giao dịch” trong đó bảo đảm an ninh của Mỹ được quy ra thành tiền mua trang thiết bị quân sự.

Trước thái độ thay đổi một cách cực đoan của Mỹ, châu Âu không chấp nhận đứng nhìn.

Với họ, một liên minh có bề dày lịch sử 70 năm nếu chỉ quan tâm đến tiền thay vì theo đuổi mục tiêu chung bảo vệ các giá trị của phương Tây, không còn là một liên minh đúng nghĩa, mà chỉ là một dạng hợp đồng an ninh.

Nhiều nước châu Âu, dưới sự khuyến khích của Ủy ban châu Âu và một số quốc gia tiên phong, đặc biệt là Pháp và trong chừng mực nhất định là Đức, đã và đang thúc đẩy ý tưởng xây dựng sức mạnh quốc phòng riêng cho châu Âu, từng bước giảm phụ thuộc vào Mỹ.

Tuy nhiên, những bước đi từ phía châu Âu mới chỉ là khởi đầu và trong nhiều năm, thậm chí vài thập niên nữa, cũng chưa đủ để tách khỏi cái bóng của siêu cường quân sự số một thế giới.

Bên ngoài những vấn đề có tính chất cơ cấu như vậy, NATO còn phải đối mặt với rất nhiều bất đồng nội bộ lớn rất khó giải quyết: cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào lực lượng người Kurd, một đồng minh quan trọng của phương Tây trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria gần đây, hay quyết định của Ancara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

NATO thực sự đứng trước thử thách rất lớn về sự gắn kết, tác động mạnh tới lựa chọn hướng đi trong tương lai. Theo đánh giá của một nhà ngoại giao châu Âu, đã và sẽ có một “cuộc đối thoại lớn” để xác định phương hướng ngay trong lòng NATO.

NATO đã có kinh nghiệm vượt qua rất nhiều cuộc khủng hoảng trong quá khứ, với mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều, từ khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956, thay đổi học thuyết hạt nhân trong thập niên 1960, Pháp rút khỏi cơ cấu chỉ huy liên hợp năm 1966 cho đến cuộc chiến tranh Iraq lần thứ hai năm 2003.

Những vấn đề hiện nay, dù nghiêm trọng nhưng có lẽ chưa đủ để phá vỡ liên minh có chiều dày lịch sử như NATO.

Thực tế cho thấy Mỹ chưa dễ quay lưng lại với NATO. Trước hết, là một công cụ chiến tranh hoàn hảo, NATO không chỉ cần cho châu Âu mà rất cần cho Mỹ.

Đô đốc James Stavridis, Tư lệnh Bộ chỉ huy liên hợp tối cao NATO tại châu Âu khẳng định: “lợi thế lớn nhất của Mỹ so với các đối thủ cạnh tranh chiến lược là mạng lưới đồng minh, đối tác và bạn bè.”

NATO chính là đòn bẩy để nâng đỡ sức mạnh toàn cầu của Mỹ và mạng lưới các căn cứ quân sự của Mỹ tại châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, tạo điều kiện cho họ nhanh chóng hành động, can thiệp vào các khu vực có tầm quan trọng chiến lược như Trung Đông, Bắc Phi, răn đe các đối thủ như Nga, Iran.

NATO cũng là thị trường lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Pháp (IRIS), trong giai đoạn 2008-2017, châu Âu đã đặt hàng 21 tỷ euro vũ khí Mỹ, từ chiến đấu cơ F-35, tên lửa Patriot cho tới máy bay không người lái Reaper.

Chưa kể chi phí để duy trì các trang thiết bị này trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, ước tính đòi hỏi ngân sách ít nhất cao gấp hai lần như thế.

Về phía châu Âu, trước khi Tổng thống Pháp đưa ra tuyên bố gây sốc chê bai NATO, Thủ tướng Đức cũng từng kêu gọi châu Âu “nắm trong tay vận mệnh của mình” sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh NATO và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) tháng 5-2017.

Nhưng từ đó đến nay, kế hoạch thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc phòng và tăng cường sự tự chủ về quân sự của châu Âu chỉ đạt được những bước tiến rất nhỏ.

Nhiều nước Đông Âu, trong đó có ba nước Baltic là Latvia, Litva, Estonia, cộng với Ba Lan, Hungary … vẫn ưu tiên quan hệ với Mỹ nhằm duy trì chiếc ô an ninh.

Trong tình thế đó, châu Âu, dù các nước đầu tàu muốn, chưa thể phối hợp cùng nhau để tìm kiếm một “phương án B” thay thế cho NATO cũng như sự bảo trợ của Mỹ.

Có thể hiểu thái độ của ông Trump hắt hủi NATO thực ra chỉ là một đòn phép nhằm làm tăng sức nặng của Mỹ trong cuộc mặc cả với đồng minh.

Bất chấp sự đe dọa của Nhà Trắng, quân Mỹ không hề rút khỏi châu Âu, ngược lại còn được tăng cường.

Đầu tư của Mỹ vào NATO đã tăng mạnh trong vòng 3 năm trở lại đây nhằm tăng cường sức mạnh cho sườn phía Đông.

Dự kiến vào năm tới, sẽ có ít nhất 20.000 quân Mỹ tham gia các cuộc tập trận lớn tại "lục địa già," điều chưa từng có trong vòng một phần tư thế kỷ qua.

Động lực duy trì sự can dự này không hẳn đến từ chính quyền Tổng thống Trump, mà từ phía Quốc hội Mỹ vốn ủng hộ mạnh mẽ việc thắt chặt quan hệ với đồng minh then chốt của Mỹ: châu Âu.

Ngay cả với Tổng thống Donald Trump, có vẻ như sự quan tâm đối với NATO đã quay trở lại.

Bằng chứng là Nhà Trắng đã chính thức thông báo, ông sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm thành lập NATO ngày 5-12 tới.

Cuộc hội ngộ này sẽ không êm ả vì các vấn đề gai góc nhất, trong đó có yêu cầu các nước thành viên tăng ngân sách quốc phòng và kế hoạch xây dựng lực lượng quân sự chung châu Âu sẽ lại được đề cập đến, nhưng nó cho thấy NATO vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chính sách an ninh và đối ngoại của Mỹ và không dễ gì thay thế được.

Theo TIẾN NHẤT (TTXVN/Vietnam+)