Nấu đường phèn ở khu vực biên giới là hoạt động trá hình

05/09/2019 - 06:38

 - Đó là nhận định của các cơ quan chức năng chống buôn lậu trên khu vực biên giới. Bởi, muốn nấu đường phèn thì có nguyên liệu là đường cát, muốn có đường cát thì phải có vùng nguyên liệu trồng mía. Thực tế, dọc khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia (trên địa phận An Giang) chẳng nơi nào trồng mía nhưng có đến hàng chục lò nấu đường phèn, ngày đêm ngang nhiên hoạt động.

Minh chứng cho nhận định “Lò nấu đường phèn ở khu vực biên giới là hoạt động trá hình, vào lúc 00 giờ 30 phút ngày 21-8-2019 vừa qua, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy, Công an TX. Tân Châu kết hợp các lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 TX. Tân Châu (gồm Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Vĩnh Xương) đã bất ngờ và đột nhập vào lò nấu đường phèn của Công ty TNHH XNK Hòa Phát Tân Châu (thuộc tổ 15, ấp 3, xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu). Tại đây, lực lượng chức năng đã bắt quả tang 5 công nhân của lò đường đang dùng dao cắt miệng bao đường cát Thái Lan đổ vào bồn chứa bằng inox để nấu từ đường cát ra thành đường phèn, rồi đưa đi tiêu thụ tại thị trường trong nước. Tại hiện trường, tổng số tang vật bắt giữ là 19.100kg đường cát không có giấy tờ chứng minh. Hiện vụ việc đang được lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

Lực lượng chống buôn lậu đột nhập vào lò nấu đường phèn của Công ty TNHH XNK Hòa Phát Tân Châu

Việc các cơ quan chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của BCĐ 389 TX. Tân Châu đột nhập vào lò nấu đường phèn của Công ty TNHH XNK Hòa Phát Tân Châu một lần nữa khẳng định, quyết tâm chống buôn lậu của BCĐ 389 TX. Tân Châu đối với 2 mặt hàng buôn lậu chủ lực là thuốc lá và đường cát Thái Lan. “Dẫu biết rằng việc ra đời lò nấu đường phèn trên khu vực biên giới là hoạt động trá hình, nhưng để kiểm tra các lò đường này là không đơn giản. Bởi, họ đã trang bị khá đầy đủ các thủ tục nhằm đối phó với lực lượng chức năng như: hóa đơn đầu vào, đầu ra cùng các thủ tục cần thiết khác; chỉ có tổ chức mật phục, bắt quả tang khi công nhân lò đường mở miệng các bao đường cát nước ngoài đổ vào bồn nấu thì lúc đó, mọi việc mới nói được…” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu, Trưởng BCĐ 389 TX. Tân Châu Trần Hoàng Hải chia sẻ.

“Việc các lực lượng chức năng chống buôn lậu trên địa bàn TX.Tân Châu bất ngờ đột nhập vào lò nấu đường phèn của Công ty TNHH XNK Hòa Phát Tân Châu đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân xã Vĩnh Xương, bởi khi lò đường hoạt động, nước thải không qua xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường (bằng nhiều hình thức khác nhau), gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân xung quanh khu vực. Ban đêm xe chở đường chạy inh ỏi, chúng tôi rất bức xúc vấn đề này…” - ông Trần Văn Hòa (ấp 3 xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) thông tin.

Nấu đường phèn ở khu vực biên giới là hoạt động trá hình bởi để nấu được đường phèn, các lò đường ở Vĩnh Xương (TX. Tân Châu), Khánh Bình (An Phú), Vĩnh Ngươn (TP. Châu Đốc) phải mua đường cát của các doanh nghiệp sản xuất ở các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ hay TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Sóc Trăng chở về khu vực biên giới để nấu. Thành phẩm là đường phèn được đưa lên xe tải, chở ngược lại các tỉnh nói trên để tiêu thụ. Như vậy, chỉ tính riêng chi phí sản xuất, bằng cách nào các chủ lò đường có lời, trong khi lương của người lao động, nhiên liệu và các vật dụng khác đều tăng. Dẫu biết rằng, nấu đường phèn ở khu vực biên giới là hoạt động trá hình nhưng các ngành chức năng đều cấp đầy đủ các loại thủ tục cho cơ sở đi vào hoạt động. Nếu mãi để tình trạng này xảy ra thì công tác chống buôn lậu sẽ gặp nhiều khó khăn, vì cơ chế “bất nhất”, đối tượng buôn lậu đang lợi dụng cơ chế này để hoạt động. Bên cạnh đó, cần xem lại hình thức quản lý hóa đơn, chứng từ cho hoạt động này. BCĐ 389 các địa phương cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của BCĐ 389 tỉnh, đưa các lò nấu đường phèn vào các khu công nghiệp, bởi có như vậy thì các chủ lò nấu đường phèn mới không nhập đường cát Thái Lan về nấu đường phèn, qua đó góp phần quan trọng trong hoạt động chống buôn lậu mặt hàng đường cát Thái Lan như hiện nay.

Bài, ảnh: MINH HIỂN