Nét đẹp truyền thống ngày Tết Đoan ngọ!

18/06/2018 - 07:11

 - Trong văn hóa dân gian người Việt, Tết Đoan ngọ tồn tại từ rất lâu đời, được lưu giữ và tổ chức hàng năm. Dẫu không rộn ràng, nhộn nhịp như Tết Nguyên đán nhưng Tết Đoan ngọ lại có những nét đẹp riêng.

Tết Đoan ngọ, ngày Tết diễn ra ở nhiều nước phương Đông như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam... Song, để gọi Tết Đoan ngọ là Tết nửa năm hay giữa năm thì chỉ có người Việt mới dùng. Tại sao lại có ngày Tết này và có từ bao giờ? Để có câu trả lời, tôi đã hỏi khá nhiều người và hầu như đều có câu trả lời giống nhau: “Học theo ông bà từ bao đời nên tổ chức, mua sắm lễ vật thờ cúng trong ngày Tết Đoan ngọ”. Trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nam Bộ Nguyễn Hữu Hiệp, những thắc mắc về Tết Đoan ngọ dần hé mở qua tìm hiểu, trải nghiệm của nhà nghiên cứu. Theo ông Hiệp, Tết Đoan ngọ xuất phát từ Trung Quốc, nhằm tưởng nhớ vị đại thần yêu nước Khuất Nguyên, qua nhiều biến cố và bị gian thần hãm hại nên đã u uất rồi trầm mình xuống sông Mịch La tự tử.

Gia đình sum họp là điều đáng quý nhất

Có lưu truyền Tết Đoan ngọ là ngày diệt sâu bọ, giữ mùa màng tươi tốt trước sự tấn công của côn trùng gây hại. Tích xưa là vậy, ngày nay đã trở thành phong tục mang nét đẹp riêng của nước ta. “Người Việt ăn mừng Tết nửa năm (ngày mùng 5 tháng 5) là khi con nước quay. Đây là lúc giao thời giữa mùa khô và mùa nước lên. Ngày đó, người Việt (tùy mỗi vùng, miền) sẽ bày biện mâm cơm cúng tổ tiên với những món ăn dân dã, không cầu kỳ hoa mỹ, thành kính thắp nén nhang bày tỏ tấm lòng của mình với ông bà. Đây là nét đẹp cần được gìn giữ và lưu truyền để thế hệ sau tưởng nhớ đến nguồn cội, về tổ tiên” - nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp chia sẻ.

Trước khi đến Tết Đoan ngọ, có dịp ra chợ, dù là chợ quê hay chợ thành thị đều có sự khác biệt rất riêng so với ngày thường. Ở đó, người ta bày bán khá nhiều hoa quả và các loại bánh để đáp ứng nhu cầu của nhiều người. Đặc biệt, loại bánh xuất hiện nhiều nhất, được đông người tìm mua là bánh tro, có nơi gọi là bánh gio. Cũng chẳng ai biết vì sao bánh tro lại được chọn là lễ vật cho mâm cúng ông bà ngày Tết Đoan ngọ, chỉ biết nếu thiếu thứ bánh ấy thì ngày Tết nửa năm dường như chưa được trọn vẹn. Mẹ tôi kể rằng, ngày xưa, đến Tết Đoan ngọ là mẹ phụ bà hái lá chuối gói bánh tro. Các nguyên liệu đơn giản (gạo nếp, đậu xanh đãi vỏ, đường, muối, nước tro) như chính tên gọi của bánh vậy, cách chế biến khá cầu kỳ.

Bánh tro, bánh xèo là lễ vật không thể thiếu trong ngày Tết Đoan ngọ

Người làm phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ cộng với sự khéo léo thì chiếc bánh tro dâng cúng mới đạt chất lượng. Nào là chọn nếp ngon, vo sạch, ngâm thời gian nhất định rồi chuẩn bị nước tro, tiếp tục ngâm gạo nếp với nước tro, chưa kể quá trình cho nếp vào lá để gói thành chiếc bánh hình chóp đẹp mắt, cũng tốn khá nhiều thời gian của bà và mẹ. 1 chiếc bánh đạt yêu cầu phải tạo được cảm giác ngon ngay từ khi mới được bóc ra chứ chưa cần thưởng thức. Bởi vậy, dáng hình và màu sắc của bánh rất quan trọng. Người gói bánh phải khéo léo cho gạo vào lòng chiếc lá sao cho gọn, đều, rồi quấn lá và bẻ mép ở 2 đầu bánh cho thật khít, đều và cân đối. Dây buộc bánh không được quá chặt để khi đem luộc, hạt gạo nếp có thể nở và chín đều. Con cháu dâng hương không chỉ tưởng nhớ tổ tiên mà còn cầu mong ông bà phù hộ cho bình an sẽ đến với gia đình, con cháu.

Giữa nhịp sống tất bật ngày nay, nhiều người không có thời gian gói bánh nên thay thế bằng bánh mua. Cũng có người cúng ông, bà cả bánh tét như ngày Tết cổ truyền. Chị Ngô Thị Yến cho biết: “1 tuần trước Tết Đoan ngọ, tôi đã có khách đặt bánh tét để cúng ông bà. 3 năm qua, lượng khách đặt ngày một nhiều, số lượng lên đến cả trăm đòn bánh”. Nét đẹp khác của ngày Tết Đoan ngọ, đến nay nhiều gia đình miền sông nước vẫn giữ, đó là anh em tụ họp cùng nhau đổ bánh xèo để dâng cúng tổ tiên. Chị Nguyễn Thị Xuyến (30 tuổi, ngụ Phú Tân) cho hay: “Giống như Tết Nguyên đán,  anh chị em gia đình tôi dù có đi làm ăn xa ở đâu, ngày Tết Đoan ngọ đều tề tựu, họp mặt gia đình, thăm hỏi cha mẹ. Sáng sớm, chúng tôi đã xúm xít đi chợ, lặt rau, làm bột đổ bánh xèo. Chọn những chiếc bánh vàng đều, thơm ngon, giòn rụm, chúng tôi mang cúng tổ tiên. Sau đó, các thành viên trong gia đình quây quần ăn bữa cơm ấm cúng, chia sẻ nhau những vui buồn đã qua”.

Dẫu không ồn ào nhưng Tết Đoan ngọ vẫn âm thầm hiện hữu, men dòng chảy thời gian và được nhà nhà lưu truyền đến tận ngày nay. Dù có hiểu theo cách nào thì Tết Đoan ngọ đang gìn giữ ý nghĩa thiêng liêng nhất là nhớ về ông bà, tổ tiên.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN