New Zealand vượt qua nỗi đau mất mát sau vụ xả súng

24/03/2019 - 19:43

New Zealand đã tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm các nạn nhân và chia sẻ với các gia đình nạn nhân sau thảm kịch xả súng ngày 15-3 ở Christchurch.

Sau vụ tấn công đẫm máu nhằm vào 2 nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand, người dân New Zealand nói chung và cộng đồng thiểu số Hồi giáo tại đây nói riêng đang nỗ lực từng ngày để xoa dịu nỗi đau mất mát, gắn kết các cộng đồng dân tộc. Điều này được họ thể hiện qua những hành động nhỏ song lại giàu ý nghĩa nhân văn.

new zealand vuot qua noi dau mat mat sau vu xa sung hinh 1

New Zealand đã tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm các nạn nhân và chia sẻ với các gia đình nạn nhân sau thảm kịch xả súng ngày 15-3 ở Christchurch. Ảnh: Time Magazine

Anh Faris Amed và vợ - chị Husna là hai trong rất nhiều người đã có mặt tại nhà thờ Al Noor vào ngày định mệnh 15-3. Bị tàn tật sau một vụ tai nạn xảy ra trước đó và buộc phải ngồi xe lăn song anh Amed đã may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Vợ anh lại không may mắn như thế. Một tuần sau vụ tấn công, anh Faris hôm nay đã tự mình lái xe lăn tới nhà từng người hàng xóm để cảm ơn sự ủng hộ đối với anh và truyền đi thông điệp về tình yêu thương.

“Sau khi họ biết đến chuyện buồn của gia đình tôi, có rất nhiều người đã khóc và bày tỏ sự ủng hộ đối với tôi. Tôi muốn nhân cơ hội này để cảm ơn họ. Cùng là con người với nhau, chúng ta nên yêu thương nhau”, anh Faris nói.

Anh chia sẻ, mong ước tiếp theo của anh là gặp gỡ gia đình hung thủ để nói với họ rằng, anh sẵn sàng tha thứ cho hắn để thúc đẩy sự khoan dung và hòa hợp trong cộng đồng. Nghĩa cử và cách suy nghĩ của anh Faris đã nhận được sự đón nhận trong cộng đồng.

Anh Tom – một người dân địa phương cho biết: “Chúng tôi là cộng đồng Thiên chúa giáo song chúng tôi sẽ nỗ lực để thúc đẩy sự khoan dung. Chúng tôi đã học được nhiều về Hồi giáo trong vài ngày qua. Tôi cảm động vì nghĩa cử của anh Faris song tôi không làm được như anh ấy, sẵn sang tha thứ cho kẻ thủ ác”.

Còn với người dân New Zealand nói chung và người dân thành phố Christchurch nói riêng, trong nhiều ngày qua, những hoạt động có ý nghĩa như chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình các nạn nhân, lên án chủ nghĩa khủng bố đã được người dân New Zealand gửi đến cộng đồng Hồi giáo.

Mới đây, ngày 22-3 vừa qua, phụ nữ trên khắp New Zealand đã đồng loạt đội hijab - tấm khăn trùm kín đầu và ngực của phụ nữ Hồi giáo - nhằm thể hiện thông điệp về hòa bình và sự đoàn kết với cộng đồng người Hồi giáo. Nhiều người cho biết việc đội hijab mang đến cho họ cái nhìn sâu sắc về đạo Hồi cũng như cảm nhận rằng mình là một phần của cộng đồng Hồi giáo thiểu số tại đất nước New Zealand. Những hình ảnh phụ nữ trong các bộ trang phục Hồi giáo sau đó đã được đăng tải tràn ngập trên các mạng xã hội Twitter, Facebook và các mạng xã hội khác ở New Zealand.

Trong một tuyên bố mới nhất, Thủ tướng Jacinda Ardern ngày 24-3 cho biết, New Zealand sẽ tổ chức lễ tưởng niệm toàn quốc vào ngày 29-3 tới để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng kinh hoàng này. Các cư dân Christchurch cũng như nhiều người từ khắp cả nước và trên thế giới sẽ “cùng hòa làm một” tại buổi lễ diễn ra tại đây nhằm tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ khủng bố đẫm máu.

Bà Ardern nhấn mạnh sự kiện này một lần nữa sẽ là cơ hội để thể hiện rằng người dân New Zealand đầy tình thương và bao dung, đồng thời khẳng định họ sẽ bảo vệ những giá trị tốt đẹp này. Trước đó, New Zealand đã tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm các nạn nhân và chia sẻ với các gia đình nạn nhân sau thảm kịch này.

Vụ xả súng hôm 15-3 vừa qua tại Christchurch là vụ thảm sát kinh hoàng nhất trong lịch sử New Zealand. Phần lớn trong số 50 nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng tại hai đền thờ Hồi giáo đều là người nhập cư và công dân đến từ các nước như Pakistan, Banglades, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Kuwait, Somali... Nghi can chính trong vụ việc này là Brenton Harrison Tarrant, công dân Australia, 28 tuổi và là kẻ theo quan điểm da trắng thượng đẳng./.

Theo HỒNG NHUNG (VOV)