Nga xét xử vụ án đầu tiên theo luật chống tin giả

20/03/2019 - 19:45

Một ngày sau khi luật chống tin giả có hiệu lực tại Nga, ngày 19-3, một tòa án ở CH Komi thuộc Nga đã tiến hành xét xử vụ việc đầu tiên theo luật này.

Theo đó, một công dân Nga đã phải công khai cải chính thông tin không đúng sự thật mà mình đã đăng tải trước đó trên mạng xã hội.   

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành đạo luật phạt các hành vi phổ biến tin giả mạo và xúc phạm biểu tượng Nhà nước trên mạng. Ảnh: AFP/TTXVN

Một nữ công dân đến từ CH Komi đã đăng tải một đoạn video trong đó nói rằng khi bị giam trong tù, con trai bà thường xuyên bị quản giáo ngược đãi, không được hỗ trợ y tế và chịu nhiều sự hành hạ khác... Cơ quan thi hành án liên bang CH Komi đã điều tra những phản ánh công khai của nữ công dân, lập ủy ban kiểm tra và không xác thực những thông tin trong đoạn video. Ủy ban đã kết luận rằng thông tin do nữ công dân này đưa ra không đúng với thực tế, gây tổn hại đến uy tín của cơ quan thi hành án. Trước tòa, thẩm phán đã tuyên bố “một số đánh giá và kết luận của tác giả đoạn video đã quá gay gắt và không có bằng chứng”.

Tòa đã yêu cầu nữ công dân trên có nghĩa vụ đăng tải trên mạng xã hội thông báo về phán quyết của tòa án, nếu không sẽ phải nộp tiền phạt, bị quy trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự. Nữ công dân trên đã thực hiện yêu cầu của tòa án. Giới chuyên gia nhận định các vụ việc tương tự sẽ còn xảy ra nhiều, do mạng xã hội thường là nơi người dân thể hiện những bức xúc của họ mà không có bằng chứng. Giờ đây họ cần hiểu rằng bản thân phải chịu trách nhiệm đối với tính xác thực của những nguyên nhân gây bức xúc đó.

Trước đó, ngày 18-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành hai đạo luật phạt nặng các hành vi phổ biến tin giả mạo và xúc phạm biểu tượng Nhà nước trên mạng (online). Đạo luật thứ nhất cấm truyền bá các thông tin giả mạo "có tầm ảnh hưởng xã hội lớn", có nguy cơ gây nguy hại cho cuộc sống của công dân, gây xáo trộn trật tự xã hội quy mô lớn hoặc vi phạm an ninh công cộng.

Theo đó, nếu loan truyền những thông tin không đúng, tạo ra mối đe dọa gây tổn hại đối với tính mạng hoặc sức khỏe của người dân, vi phạm trật tự công cộng, nếu những hành động này không có hình phạt hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 30.000 - 100.000 ruble (khoảng 1600 USD) đối với cá nhân; từ 60.000 - 200.000 ruble đối với quan chức; đối với các tổ chức, mức phạt giao động từ 200.000 - 500.000 ruble. Trường hợp phổ biến những thông tin giả mạo gây ra sự nhiễu loạn trong hoạt động các công trình bảo đảm đời sống, cơ sở hạ tầng giao thông hoặc xã hội, viễn thông, năng lượng thì mức phạt đối với cá nhân dao động từ 100 - 300.000 ruble, quan chức từ 300.000 - 600.000, trong khi mức phạt đối với các tổ chức được nâng lên mức 500.000 - 1 triệu ruble.

Mức phạt tăng lên đối với hành vi phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng Internet những thông tin giả mạo gây ra chết người, làm phương hại sức khỏe hay tài sản, ngừng hoạt động các cơ sở bảo đảm đời sống, hạ tầng giao thông hay xã hội, viễn thông, năng lượng. Trong trường hợp này mức phạt cao nhất lên tới 1,5 triệu ruble (khoảng 22.000 USD).

Đạo luật thứ hai được Tổng thống Putin ký ban hành nhằm xử lý các hành vi "xúc phạm các biểu tượng và thể chế Nhà nước". Người vi phạm sẽ bị phạt với mức tối đa là 300.000 ruble (4.500 USD). Đạo luật này xác định trình tự hạn chế tiếp cận “thông tin được thể hiện dưới hình thức khiếm nhã, xúc phạm nhân phẩm và đạo đức xã hội, thiếu tôn trọng xã hội, nhà nước, các biểu tượng nhà nước chính thức của LB Nga, Hiến pháp LB Nga hay các cơ quan thực hiện quyền hành pháp nhà nước tại LB Nga”. Trong trường hợp phát hiện thông tin dạng này, các cơ quan chức năng sẽ yêu cầu áp dụng các biện pháp loại bỏ và ngăn chặn lan truyền. Nếu trong vòng 24 giờ không thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng, trang web chứa thông tin vi phạm sẽ bị đóng.

Các luật trên được ban hành ở Nga trong bối cảnh trên thế giới cũng xuất hiện làn sóng tin giả mạo gây ảnh hưởng không nhỏ. Đơn cử tại Pháp, một nghiên cứu công bố ngày 13/3 cho thấy các tin tức không đúng sự thật lưu truyền trong phong trào biểu tình "Áo vàng" đã nhận được hơn 100 triệu lượt xem và 4 triệu lượt chia sẻ trên Facebook. Thực tế này gióng lên một hồi chuông cảnh báo người dùng Internet về tính xác thực của thông tin mà họ nhận được hàng ngày. Hãng thông tấn AFP của Pháp đã ký một thỏa thuận kiểm chứng sự thật với Facebook để xác minh và vạch trần tin tức giả mạo được lan truyền trên mạng, theo đó các bài viết phải được đăng phát trên trang blog Fact Check của AFP trước khi được đăng lên Facebook cho người dùng.

Theo TÂM HẰNG (Báo Tin Tức)