Ngăn chặn “tín dụng đen” trong công nhân lao động

27/05/2019 - 07:32

 - Thời gian gần đây, nhiều băng, nhóm cho vay nặng lãi từ các tỉnh khác đến “cắm chốt” cạnh khu công nghiệp để chào mời công nhân lao động (CNLĐ) vay tiền, với thủ tục rất đơn giản. Vay dễ, nhưng đến khi trả thì không dễ, vì lãi suất rất cao, gấp cả chục lần lãi suất ngân hàng.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Nguyễn Văn Nhiên, toàn tỉnh hiện có khoảng 73.000 CNLĐ đang làm việc tại 774 doanh nghiệp, trong đó tập trung đông nhất ở TP. Long Xuyên, huyện Thoại Sơn và 2 khu công nghiệp Bình Hòa (Châu Thành) và Bình Long (Châu Phú). Tình trạng “tín dụng đen” có dấu hiệu xuất hiện khá nhiều tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, lợi dụng khó khăn về tài chính của công nhân với những chiêu thức hết sức tinh vi. Chúng thường nhắm vào những đối tượng gặp khó khăn đột xuất như: con bệnh, cần tiền cho con ăn học, đến ngày phải trả tiền thuê nhà hay cần tiền về quê giải quyết việc riêng. Trong tình thế này, công nhân buộc phải đi vay gấp, dù biết rằng lãi suất rất cao, hầu hết mức lãi suất từ 20-30%/tháng và sau đó trở thành con nợ không có khả năng thanh toán, bị đe dọa có thể phải nghỉ việc.

Tiếp xúc với một số công nhân, chúng tôi được biết, các đối tượng cho vay thường phát tờ rơi vào giờ tập trung đông nhất là buổi sáng, hoặc dán cột điện, cổng nhà trọ, thậm chí nhét vào khe cửa trước phòng trọ… Đọc thông tin không biết ai là người cho vay, cá nhân hay ngân hàng, chỉ thấy điều kiện rất dễ dàng: không cần hộ khẩu, không cần thế chấp, không cần chứng minh thu nhập… và chi tiết liên hệ chỉ qua 1 số điện thoại.

Tuyên truyền pháp luật và tác hại của "tín dụng đen" cho công nhân lao động tại huyện Thoại Sơn

“Khi tư vấn, họ nói “êm tai” lắm, không nhắc gì tới lãi suất hoặc cũng nói né tránh “bảo đảm lãi suất hợp lý, chúng em biết anh chị làm công nhân tiền bạc không có bao nhiêu” nếu mình có hỏi. Nhiều người vay xong mới khốn đốn nên mình rút kinh nghiệm, đâu “dễ ăn” mà vừa có tiền, vừa thủ tục đơn giản” - chị K.Th. (công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Bình Hòa) chia sẻ. Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Tô Minh Lắm cho biết, “tín dụng đen” đã vào đến khu công nghiệp, hầu như doanh nghiệp nào cũng có công nhân đang là nạn nhân của chúng. Do nhu cầu cá nhân và họ cũng không muốn tiết lộ, việc nắm bắt chính xác tình hình rất khó. Chỉ có thể ngăn chặn qua việc chủ động tuyên truyền để họ nhận thức, cảnh giác là chính.

Để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, CNLĐ, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh, LĐLĐ TP. Long Xuyên và LĐLĐ các huyện: Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn nắm tình hình “tín dụng đen” khi tình trạng này vừa nhen nhóm. Qua đó, kịp thời thông tin tuyên truyền giúp CNLĐ hiểu rõ về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen”. Đặc biệt, các cấp công đoàn không được để “tín dụng đen” làm ảnh hưởng đến việc làm, cuộc sống của CNLĐ. Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Văn Nhiên bày tỏ quan điểm, ngăn chặn “tín dụng đen” là điều rất cần thiết, trong đó với vai trò, trách nhiệm tổ chức công đoàn phải chủ động phối hợp đồng bộ cùng các cơ quan chức năng, các ban, ngành liên quan để có giải pháp kịp thời, hợp lý.

LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp các cấp chính quyền, lực lượng công an để nắm chắc tình hình “tín dụng đen” trong đoàn viên, CNLĐ. Hình thức tuyên truyền cho công nhân được tăng cường phát trên loa truyền thanh, bảng thông báo nội bộ, các buổi sinh hoạt tổ công đoàn tại công ty, xưởng sản xuất. Đặc biệt, trong Tháng Công nhân năm nay, LĐLĐ tỉnh đã chủ động phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức đợt tuyên truyền cao điểm về vấn nạn “tín dụng đen” kèm theo tờ rơi tuyên truyền tại các khu công nghiệp, công nhân tổ tự quản nhà trọ. LĐLĐ tỉnh còn chỉ đạo công đoàn các cấp cần tập trung vào việc thực hiện hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, trong đó cần quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên công đoàn, CNLĐ như: tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn ca, nhà ở, nhà trẻ. Cần có chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, CNLĐ nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn và tổ chức sinh hoạt, hướng dẫn đoàn viên công đoàn, CNLĐ sử dụng tài chính của bản thân có hiệu quả nhất.

Ngoài ra, các cấp công đoàn phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh An Giang và một số ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho CNLĐ vay vốn nhằm hạn chế tình trạng “tín dụng đen”. Theo ông Nhiên, ngoài các giải pháp nêu trên, LĐLĐ tỉnh sẽ chủ động liên kết nhiều tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng với lãi suất thấp để giúp CNLĐ có thể vay khi cần thiết, góp phần giải quyết khó khăn tức thời của người lao động mà vẫn đảm bảo cuộc sống, việc làm cho người lao động. Đồng thời, đang làm các thủ tục hình thành quỹ CEP chi nhánh tại An Giang, huy động tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ hệ thống công đoàn trợ vốn CNLĐ nghèo vay vốn và tạo điều kiện cho công nhân tiết kiệm và tích lũy.

MỸ HẠNH