Ngăn chặn tình trạng đạo đức học sinh xuống cấp, lệch chuẩn

21/06/2018 - 07:31

 - Trong suy nghĩ cộng đồng, trường học là nơi hội tụ của tình thương, niềm tin và trách nhiệm. Thế nhưng, nhiều vụ việc phản cảm, vi phạm pháp luật nghiêm trọng đã xảy ra cho thấy, môi trường giáo dục đang có dấu hiệu lệch chuẩn, đặc biệt về đạo đức của một số học sinh (HS) xuống cấp đến mức báo động.

Học sinh kéo co

Chuyện HS vô lễ với thầy, cô giáo đã không còn hiếm gặp. Mức độ nghiêm trọng của hành vi đã khiến TS. Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) lên tiếng cảnh báo: “Chuẩn mực đạo đức trong một bộ phận HS, sinh viên (SV) đã đến mức báo động với những hành vi như: trốn học, gian lận thi cử, đánh nhau, hút thuốc, uống rượu, bia, trộm cắp vặt, xin đểu, đặc biệt là vô lễ, đe dọa và hành hung thầy, cô giáo. Nhiều HS, SV có biểu hiện sống hưởng thụ, coi nặng giá trị vật chất, lười lao động, sống ích kỷ, không hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Tình trạng đánh nhau trong HS, SV ngày càng nhiều, không chỉ ở nam sinh mà ngay cả trong nữ sinh, có khi còn sử dụng hung khí hành xử nhau vô cùng dã man”.

Hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn tỉnh chia sẻ: “Trong nhà trường, việc đánh nhau, vô lễ với thầy cô, HS không chủ động học tập nhưng lại nói tục, hút thuốc lá… là hiện tượng dễ thấy, dễ phát hiện. Ngoài xã hội, cộng đồng, một bộ phận HS, SV sống đua đòi, thực dụng, vi phạm về trật tự an toàn giao thông, ăn nhậu sa đà, thậm chí tụ tập hút chích, tham gia tệ nạn xã hội… Những câu chuyện ấy khiến chúng tôi rất băn khoăn, lo lắng”.

Về vấn đề trên, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Ngành Giáo dục đã có nhiều phương án, hình thức phòng ngừa, “đề kháng” vấn nạn nói trên. Cùng với việc quản lý dạy và học, chúng tôi thường xuyên triển khai, thực hiện các chương trình như: bảo đảm an ninh trật tự nhà trường; xây dựng ứng xử văn hóa trong trường học; giáo dục kỹ năng sống… nhằm tạo môi trường giáo dục đầy tình thương, tri thức, niềm tin, trách nhiệm và an toàn. Ngành đang kiềm chế, thực hiện hiệu quả việc từng bước hạ tỷ lệ  mức kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, đuổi học) qua các năm. Trong 3 năm học (2015-2016; 2016-2017; học kỳ I năm học 2017-2018), các mức chế tài đều đã giảm đáng kể. Cụ thể, mức khiển trách từ 375 HS giảm xuống còn 198, rồi 124 HS; mức cảnh cáo từ 162 HS giảm xuống 99, rồi 41 HS; đuổi học từ 37 HS giảm xuống 13, nay còn 7 HS”.

Tuy nhiên, qua khảo sát, kiểm tra của ngành về tình hình an ninh trật tự, dư luận xã hội, biểu hiện trái chiều trong hệ thống cho thấy, phát sinh nhiều vấn đề quan ngại: một số nơi chưa bảo đảm tốt công tác về an ninh trật tự và bảo vệ chính trị nội bộ. Cụ thể, trong một bộ phận phụ huynh HS, công chức, viên chức, HS, SV đã phổ biến nhiều thông tin trái chiều,  tin, bài viết ở nhiều kiểu, nhiều dạng, hình thức với các chiêu bài nhằm mục đích xúi giục, lôi kéo tổ chức, cá nhân tham gia hội, đoàn, tổ chức. Trong đó gồm các dạng: lập danh sách ký tên ủng hộ một số việc trong và ngoài nước; phát tán tài liệu không hợp pháp; kêu gọi tham gia diễu hành tập trung; chia sẻ mạng xã hội… Việc này đang tiềm tàng nguy hiểm cho các hành vi bộc phát không kiểm chứng của giới trẻ.

 Địa bàn tỉnh An Giang dù chưa phát hiện những chuyện ở mức độ nêu trên, nhưng đâu đó đã xảy ra dấu hiệu, mầm mống đáng quan ngại. Cụ thể, ngày 13-4-2018, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú PTTH An Giang đã ban hành quyết định “Đuổi học 1 năm” đối với em C.V.T. (lớp 11) sau nhiều lần giáo dục, uốn nắn. Trước đó, em này đã đập phá làm hư hỏng 4/8 camera an ninh của nhà trường. Trong thời gian xử lý kỷ luật, T. thường xuyên vắng học không xin phép, trốn tập thể dục buổi sáng, vi phạm quy định nhà trường, đồng thời còn vô lễ xúc phạm giáo viên và đánh HS trong nhà trường.

Trao đổi với phóng viên Báo An Giang, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: nguyên nhân dẫn đến tình trạng đạo đức của HS, SV xuống cấp, ngoài tư tưởng, nhận thức của bản thân, còn có sự thiếu quan tâm giáo dục, quản lý của gia đình. Để chấn chỉnh tình trạng trên, ngành tiếp tục tuyên truyền trong cán bộ, HS, SV và phụ huynh HS, kiên quyết kiềm chế, ngăn chặn hiện tượng, xử lý nghiêm các trường hợp dụ dỗ, xúi giục, lôi kéo các em…Chủ động phối hợp chính quyền địa phương, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động, nâng cao ý thức giữ gìn an ninh trật tự, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp triển khai pháp luật liên quan trong và ngoài đơn vị nắm, thực hiện; khơi dậy ý thức, trách nhiệm phòng, chống ý đồ xấu của các thế lực phá hoại sự bình yên của Nhân dân. Chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc thi như: ứng xử, đối phó tình hình, hoàn cảnh; kỹ năng sống, hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, dã ngoại, tham quan... khen thưởng, biểu dương tổ chức, cá nhân để “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.

Bài, ảnh: N.R