Ngân hàng Nhà nước ban hành hàng loạt quy định mới cuối năm

31/12/2018 - 14:17

Trong tháng 12 – tháng cuối cùng của năm 2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp tập ban hành đến 12 thông tư mới quy định về hoạt động ngành ngân hàng. Trong đó chỉ riêng trong tuần cuối cùng của năm, NHNN đã ban hành đến 9 thông tư, gồm từ thông tư 34 đến thông tư 42. Đáng chú ý trong ngày làm việc cuối cùng 28-12, NHNN đã công bố 6 thông tư mới ban hành trong 2 ngày 25-12 và 28-12.

Hàng loạt thông tư mới được cập nhật cuối năm

Cụ thể, các Thông tư mà NHNN ban hành lần này bao gồm:

Thông tư 36 quy định về hoạt động cho vay để đầu tư ra nước ngoài của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành - hiệu lực từ 15-2-2019.

Thông tư số 37 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39 năm 2013 quy định về xác định, trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - hiệu lực từ 15-2-2019.

Thông tư 38 quy định về nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - hiệu lực từ 8-2-2019.

Thông tư 40 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 13 năm 2018 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh NHNN - hiệu lực từ 12-2-2019.

Thông tư 41 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 19 năm 2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng - hiệu lực từ 18-2-2019.

Thông tư 42 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 24 năm 2015 quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú hiệu lực từ 1-1-2019.

Dù được cập nhật ban hành khá muộn màng, nhưng hầu hết các thông tư trên đều đã đưa ra lấy dự thảo khá lâu nền hầu như các tổ chức tín dụng và khách hàng đã nắm bắt được những thay đổi, do đó việc chính thức ban hành thông tư chỉ là nhằm hợp thức hóa những quy định đã thay đổi.

Thông tư 42 chính thức thay đổi

Trong đó, thông tư được nhiều khách hàng quan tâm nhất là thông tư số 42 về hoạt động cho vay ngoại tệ, và sẽ có hiệu lực từ ngày 01-01-2019. Theo đó, như dự thảo đã đưa ra lấy ý kiến, thì NHNN đã chính thức thay đổi đối tượng hạn chế vay ngoại tệ, theo đó thay thế doanh nghiệp xuất khẩu bằng doanh nghiệp nhập khẩu, cũng như dời thời hạn cho vay ngoại tệ sang tháng 3 năm 2019 và tháng 9 năm 2019 tùy theo thời hạn vay.

Tin vui chính thức đến với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu ngày cuối năm khi sẽ tiếp tục tiếp cận được nguồn vốn vay ngoại tệ

Cụ thể, Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn như sau:

a) Cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Quy định này thực hiện đến hết ngày 31 tháng 03 năm 2019;

b) Cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay;

c) Cho vay trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Quy định này thực hiện đến hết ngày 30 tháng 09 năm 2019;

d) Cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hàng năm để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay;

đ) Cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền thanh toán phải bằng ngoại tệ;

e) Cho vay để đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Về quy định chuyển tiếp, đối với các hợp đồng tín dụng áp dụng phương thức cho vay theo hạn mức tín dụng hoặc thỏa thuận cho vay áp dụng phương thức cho vay theo hạn mức được ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà các thỏa thuận cho vay từng lần được ký kết kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng vay thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Ngoài trường hợp được quy định kể trên, các hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận cho vay ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng vay tiếp tục thực hiện theo nội dung đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết. Trường hợp thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận cho vay, nội dung sửa đổi, bổ sung phải phù hợp với quy định tại Thông tư này.

Theo MẪN NHI (Thế giới tiếp thị)

 

Liên kết hữu ích