Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang: 30 năm - một chặng đường phát triển

24/08/2018 - 06:49

 - Cách đây 30 năm, ngày 15-8-1988, Ngân hàng (NH) Phát triển Nông nghiệp (NN) tỉnh An Giang nay là NHNN và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh An Giang (Agribank chi nhánh An Giang) được thành lập. 30 năm hình thành và phát triển, Agribank chi nhánh An Giang đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, trở thành một NH tập trung cho việc phát triển NN, nông dân và nông thôn (ND,NT). Nhiều sáng kiến của Agribank chi nhánh An Giang trong giai đoạn này đã trở thành chủ trương lớn của đất nước về việc thực hiện các chương trình: cho vay phục vụ phát triển “Tam nông”, cho vay tôn nền và làm sàn nhà trên cọc, cho vay phục vụ xuất khẩu nông sản…

Đột phá

Bộ máy hoạt động ban đầu gồm: 1 hội sở và 8 chi nhánh tại các địa phương trong tỉnh, số cán bộ, viên chức lúc đó là 463 người. “Sứ mệnh của Agribank chi nhánh An Giang lúc bấy giờ là kinh doanh tiền tệ, tín dụng và các dịch vụ NH nhằm phát triển kinh tế địa phương, đồng thời thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy là phát triển “Tam nông” gồm: NN,ND,NT. Vừa giải ngân cho ND vay vốn, vừa tổ chức huy động đồng vốn nhàn rỗi trong dân để có tiền điều tiết hoạt động của NH…”- Giám đốc Agribank chi nhánh An Giang Bùi Thanh Quang cho biết.

Giám đốc Agribank chi nhánh An Giang Bùi Thanh Quang phát biểu nhân sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập

“Cái khó nhất trong thời điểm này là môi trường pháp lý chưa hoàn thiện. Chúng ta cho vay như thế nào để thu hồi được vốn. Môi trường hoạt động gặp không ít khó khăn như: cơ sở vật chất nghèo nàn, kinh nghiệm kinh doanh sơ khai; nguồn nhân lực vừa yếu, vừa thiếu, chưa có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh tiền tệ và các dịch vụ NH, bởi thời điểm đó chúng ta đang chuyển đổi từ cơ chế quan liêu, bao cấp sang hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tự làm, tự chịu trách nhiệm, vì vậy khó khăn khôn lường….”- ông Nguyễn Văn Giàu, nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh An Giang nhớ lại.

Khó khăn là vậy, nhưng với sự nỗ lực của tập thể NH, sự định hướng, ủng hộ của Tỉnh ủy, ngân hàng Trung ương, Agribank chi nhánh An Giang đã đưa ra nhiều đột phá mang tính “bước ngoặc” như trực tiếp cho ND vay tiền để phát triển sản xuất (SX) bằng hình thức cho vay theo tổ liên doanh, liên kết, cho vay tay 3.

Thời điểm đó, vốn luôn là gánh nặng của người ND. Mỗi vụ SX chỉ có 3 tháng, thời gian trôi rất nhanh, vì vậy để giảm bớt thủ tục hành chính, giảm bớt gánh nặng, tạo điều kiện “hết mức” cho ND an tâm SX, Agribank chi nhánh An Giang đã đưa ra sáng kiến cho vay lưu vụ, việc này đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Kết quả

“ND vùng Tứ giác Long Xuyên biết ơn Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy An Giang và các thế hệ lãnh đạo của tỉnh đã có những tư duy, suy nghĩ táo bạo (mang tính đột phá), vì dân, vì nước, làm vực dậy một vùng đất mà trước đây được mệnh danh là “Cánh đồng chết”.

Từ một vùng đất hoang sơ nay đã trở thành cánh đồng trù phú, nuôi sống được người ND. Trong quá trình thực hiện chủ trương đó, ND chúng tôi đánh giá rất cao những sáng kiến của Agribank chi nhánh An Giang trong việc đồng hành cùng ND, tháo gỡ khó khăn về vốn, thực hiện cho vay lưu vụ… Những việc làm này thật có ý nghĩa” - ông Trần Văn Thời (lão nông tri điền xã Tây Phú, Thoại Sơn) khẳng định.

Văn nghệ chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Agribank chi nhánh An Giang

Ngoài cho vay đến hộ SX, Agribank chi nhánh An Giang còn cho vay để làm thủy lợi (dẫn thủy nhập điền, tháo chua, rửa phèn) để đồng ruộng được trù phú như hôm nay. NH đã mở rộng mạng lưới đến các khu vực liên xã, liên huyện để thực hiện các dịch vụ NH nhằm thu hút vốn nhàn rỗi trong dân.

“Những năm 1995, 1996, ĐBSCL có lũ lớn. Lũ đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân trong vùng, tổn thất về hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất là rất lớn, đặc biệt là tính mạng con người. Thời điểm này, Chính phủ có Quyết định số 256/QĐ-CP về việc cho vay tôn nền và làm sàn nhà trên cọc. Thời điểm đó, gia đình tôi cũng được vay vốn từ Agribank chi nhánh An Giang để làm nhà vượt lũ. Nhờ đó, gia đình tôi có nơi che mưa, che nắng, chung sống và làm giàu trong lũ. Tôi vô cùng cám ơn Agribank chi nhánh An Giang”- bà Trần Thị Lệ Thu (xã Phú Lộc, TX. Tân Châu) chia sẻ.

“Thời điểm đó, cùng với việc hỗ trợ vốn cho ND để phát triển SX, mở rộng chăn nuôi, Tỉnh ủy An Giang đã có những quyết sách mang tính táo bạo như: xóa bỏ chủ trương xâm canh, tiến hành củng cố tập đoàn máy (điều này đồng nghĩa với việc trả tư liệu sản xuất lại cho họ). Quyết định số 303/QĐ-TU của Tỉnh ủy An Giang đã thực sự “cởi trói” cho người ND, tạo điều kiện để bà con phát triển, “tự suy nghĩ trên luống cày của mình”. Từ đó, sản lượng lương thực, thực phẩm tăng lên nhanh chóng, tình trạng đói, nghèo giảm đáng kể. ND rất phấn khởi, hăng say lao động SX, cùng Nhà nước làm giàu chính đáng”- ông Nguyễn Hữu Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang nhớ lại.


Bài, ảnh: MINH HIỂN

 

Liên kết hữu ích