Ngân hàng phát hành cổ phiếu, gấp rút hoàn thành kế hoạch tăng vốn

19/12/2018 - 08:59

Chỉ ít ngày nữa năm 2018 sẽ kết thúc, nhiều ngân hàng đang chạy đua để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận và kế hoạch tăng vốn đặt ra hồi đầu năm.

Đến thời điểm này, phần lớn các ngân hàng đã hoàn thành, thậm chí vượt kế hoạch lợi nhuận năm. Tuy nhiên, kế hoạch tăng vốn điều lệ và niêm yết trên sàn chứng khoán của nhiều ngân hàng vẫn đang được gấp rút thực hiện, phương thức chủ yếu là trả cổ tức bằng cổ phiếu, chia cổ phiếu thưởng.  

Cụ thể, mới đây, VietinBank tổ chức Đại hội cổ đông bất thường năm 2018, trình cổ đông thông qua việc điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2018. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất được điều chỉnh từ 10.800 tỷ đồng xuống 6.700 tỷ đồng.

LienVietPostBank cũng đang chạy đua để nhanh chóng hoàn thành việc tăng vốn và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn. Ngân hàng này sẽ phát hành 37,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn lên 9.875 tỷ đồng.

TPBank đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tổng tỷ lệ 28%. Sau phát hành, vốn điều lệ ngân hàng dự kiến tăng lên 8.566 tỷ đồng.

Sau khi NHNN chấp thuận, Ngân hàng SeABank cũng vừa công bố việc tăng vốn điều lệ lên 7.688 tỷ đồng thông qua 3 đợt phát hành với hơn 222,2 triệu cổ phiếu, trong đó bao gồm phát hành cho cán bộ nhân viên, phát hành cổ phiếu trả cổ tức và chào bán cho các cổ đông hiện hữu…

Nhiều ngân hàng gấp rút phát hành cổ phiếu để đáp ứng kế hoạch tăng vốn hồi đầu năm. (Ảnh minh họa: KT)

Trước động thái ồ ạt chạy đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng, giới chuyên môn nhận định, việc điều chỉnh kế hoạch và “chạy đua” tăng vốn là điều bình thường trong hoạt động của các ngân hàng, tùy thuộc vào điều kiện kinh doanh trong năm bởi có thể có những tác động do hoàn cảnh khách quan khó đoán định từ đầu năm. 

Ví dụ, về lãi suất, ngay đầu năm, hệ thống ngân hàng kỳ vọng lãi suất có thể giảm theo chủ trương của Chính phủ. Song thực tế, việc giảm lãi suất, đặc biệt giảm lãi suất huy động là rất khó khăn do nhiều yếu tố khách quan. Ngoài ra, diễn biến phức tạp trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng có những tác động nhất định tới nền kinh tế Việt Nam và ảnh hưởng phần nào đến hoạt động của các ngân hàng.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực (ngân hàng BIDV), khi mà năm tài chính 2018 sắp kết thúc, để hoàn thành kế hoạch năm, các ngân hàng phải áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để tăng vốn điều lệ. Đó là kêu gọi tìm kiếm cổ đông chiến lược, nhà đầu tư tài chính nước ngoài; phát hành trái phiếu dài hạn; phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu và cả nhân viên. Tuy vậy, phương án phát hành cổ phiếu cho nhân viên hiện nay chưa được cơ quan quản lý cho phép nhưng họ có thể mua lại, giữ lại lợi nhuận rồi đề nghị phía NHNN cho phép giữ lại phần cổ tức. 

Theo TS. Lực, việc tăng vốn đối với các ngân hàng thương mại không hề dễ dàng trong thời điểm hiện tại khi thị trường chứng khoán vẫn liên tục biến động theo diễn biến của thị trường chứng khoán toàn cầu. Nếu thị trường chứng khoán thuận lợi thì việc phát hành cổ phiếu mới ra thị trường sẽ thuận lợi hơn.

Với những ngân hàng quy mô nhỏ, việc niêm yết trên sàn chứng khoán cũng có nhiều trở ngại. Các ngân hàng luôn mong muốn, trong thời điểm niêm yết, điều kiện tài chính, kết quả kinh doanh của nhà băng phải khả quan để giá trị cổ phiếu hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư. Bởi thế, với các ngân hàng có quy mô nhỏ, tình hình kinh doanh, thanh khoản còn nhiều khó khăn thường e ngại khi lên sàn. Khi lên sàn, giá cổ phiếu sẽ do thị trường ấn định, với những nhà băng có cổ phiếu dưới mệnh giá, có thể thời điểm niêm yết sẽ khả quan, nhưng sau đó, khi thị trường điều chỉnh thì giá trị cổ phiếu bị sụt giảm là rất cao. 

Trước tình hình như vậy, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực khuyến cáo, ngân hàng cần chọn thời điểm phù hợp để phát hành trái phiếu, đồng thời chuẩn bị kỹ phương án, đợi thời điểm thuận lợi thì mới tiến hành phát hành trái phiếu mới. 

 Lộ trình Ngân hàng Nhà nước đề ra là đến năm 2020 hệ thống ngân hàng Việt Nam phải có từ 12-15 ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II. Do đó, yêu cầu đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, nâng cao sức cạnh tranh trong hệ thống đẩy áp lực phải sớm tăng vốn của các ngân hàng ngày càng lớn, đặc biệt ở nhóm ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ từ 3.000-5.000 tỷ đồng. 

“Dự báo đến năm 2020, thị trường chứng khoán tương đối sáng sủa, ổn định hơn và có nhiều tiến triển tích cực bởi hệ thống ngân hàng có nhiều cải thiện về thanh khoản, dịch vụ và nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài”, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định.

Theo CHUNG THỦY (VOV)

 

Liên kết hữu ích