Ngân hàng số - xu thế tất yếu trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư

08/11/2018 - 14:18

Ngân hàng số (digital banking) đang được coi là xu thế phát triển của các ngân hàng thương mại hiện nay. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các ngân hàng có nhiều cơ hội tiếp cận và mở rộng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp đến người dân.

Mô hình giao dịch TPBank LiveBank. (Nguồn: TPBank)

Đây cũng là xu hướng của ngành ngân hàng nhằm góp phần đẩy mạnh triển khai định hướng tài chính toàn diện trong Quyết định 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. 

Tuy nhiên, xu hướng mới này đang đặt ra những thách thức cần phải vượt qua cho các nhà quản lý và bản thân mỗi ngân hàng cũng như khả năng cập nhật những công nghệ mới của người sử dụng.

Tối giản hóa quy trình

Ngân hàng số là hình thức thực hiện hầu hết các giao dịch ngân hàng bằng trực tuyến thông qua Internet. Mọi hoạt động của khách hàng đều qua các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay. 

Nói cách khác, mô hình ngân hàng truyền thống phụ thuộc vào mạng lưới chi nhánh sẽ dần được chuyển dịch sang mô hình tích hợp các dịch vụ ngân hàng điện tử.

Thông qua ngân hàng số, các giao dịch như chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, chuyển tiền quốc tế, thanh toán hóa đơn, vay nợ ngân hàng, gửi tiền tiết kiệm, tham gia các sản phẩm tài chính như bảo hiểm, đầu tư, quản lý tài chính cá nhân, doanh nghiệp và các tiện ích khác... đều không cần phải đến chi nhánh ngân hàng, từ đó, giảm thiểu đến mức tối đa những thủ tục giấy tờ liên quan và giao dịch không giấy tờ sẽ là xu thế phát triển mạnh. 

Đồng thời, tính năng của ngân hàng số có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi không phụ thuộc vào thời gian và không gian nên khách hàng hoàn toàn chủ động. 

Theo kết quả của khảo sát “Dịch vụ Ngân hàng, hành vi sử dụng của người dùng và xu hướng tại Việt Nam” của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG Vietnam) năm 2017, các giải pháp về ngân hàng điện tử (e-banking) đang ngày càng được sử dụng phổ biến hơn và được đánh giá cao về tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian, với 81% người dùng sử dụng các giải pháp ngân hàng điện tử so với 21% trong năm 2015. 

Một số ngân hàng Việt Nam đã thử nghiệm các dịch vụ ngân hàng số và chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng hiện đại, số hóa như sử dụng các giải pháp e-banking để cung cấp dịch vụ chuyển tiền qua mạng xã hội (Facebook, Zalo...), rút tiền tại ATM không cần dùng thẻ của Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng Quốc tế (VIB); ứng dụng MyVIB của VIB; ứng dụng ngân hàng điện tử My Ebank của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu của Tập đoàn IBM để đồng bộ hóa dữ liệu khách hàng, hỗ trợ phân tích hành vi khách hàng nhanh chóng của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). 

Thử nghiệm mô hình kinh doanh số như không gian giao dịch công nghệ số Digital Lab của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); dự án ngân hàng số Timo của VPBank; dịch vụ ngân hàng tự động LiveBank của Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), khu trải nghiệm giao dịch ngân hàng điện tử hiện đại E-Zone tại Trụ sở chi nhánh Hà Nội Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); nền tảng hợp kênh (Omni Chanel) của Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB); đẩy mạnh khái niệm “chi nhánh ngân hàng điện tử” và phát triển kênh Live Chat (tư vấn trực tuyến) nhằm hỗ trợ cho khách hàng (như VietinBank, Vietcombank, TPBank, VIB, Sacombank...).

Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, sự ra đời của mô hình ngân hàng số đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi của khách hàng. 

Đồng thời, ngân hàng số còn giúp ngân hàng đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, giấy tờ. Nếu như trước đây dùng quy trình giấy tờ truyền thống, có thể mất vài tuần, nhưng ứng dụng công nghệ số, việc trao đổi thảo luận tức thời tốt hơn, công việc luân chuyển tốt hơn, giảm khâu thủ tục giấy tờ và tính minh bạch cao cũng đem lại hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, sự phát triển của ngân hàng số cũng mở ra cơ hội tiếp cận số lượng lớn khách hàng tại nhiều vùng sâu, vùng xa, góp phần đẩy mạnh triển khai định hướng tài chính toàn diện (Financial Inclusion) trong Quyết định 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. 

Việc áp dụng những giải pháp công nghệ phù hợp giúp Ngân hàng tối giản hóa quy trình, cung cấp dịch vụ cho khách hàng trong thời gian ngắn nhất và không bị hạn chế bởi khoảng cách địa lý, đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và tính bảo mật, an toàn thông tin cho ngân hàng. Sự thiết yếu của các kênh số, mạng xã hội trong cuộc sống hàng ngày cho phép các ngân hàng nhanh chóng tiếp cận hàng chục triệu khách hàng với chi phí tối thiểu.

Trong một nghiên cứu về cách mạng công nghệ 4.0 của ngành ngân hàng, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cùng các đồng nghiệp cho biết, ngoài việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích ngân hàng số cho khách hàng, các ngân hàng cũng đưa ra các ứng dụng công nghệ số để số hoá quy trình, đơn giản hoá và giảm thiểu thủ tục giấy tờ, phòng tránh được các rủi ro vận hành, chống gian lận, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh. 

Cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ, sự xuất hiện của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) đã cung cấp những giải pháp tài chính mới trên nền tảng số và làm thay đổi sâu sắc bộ mặt của ngành công nghiệp tài chính.

Theo thạc sỹ Lê Phương Lan, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng thì sự liên kết chung giữa ngân hàng và các công ty Fintech sẽ ngày càng chặt chẽ để giúp khách hàng chuyển đổi giá trị tức thời từ tài khoản này sang tài khoản kia, thông qua các giao thức liên mạng. Khả năng giao dịch đa tiền tệ cũng sẽ dần trở nên thông dụng. Khách hàng có thể thực hiện các khoản thanh toán kết nối hoặc gửi tiền đến bất kỳ số định danh duy nhất khác (ví dụ địa chỉ email, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng...).

Khoảng trống trong chính sách

Theo các chuyên gia kinh tế, song hành cùng cơ hội là không ít những thách thức mà ngân hàng số đang phải đối mặt. 

Tiến sỹ Nguyễn Viết Lợi cho biết việc triển khai và phát triển các dịch vụ ngân hàng theo hướng số hóa sẽ gặp khó khăn do mức độ đa dạng hóa loại hình dịch vụ trong ngành ngân hàng vốn dĩ đã không cao, chủ yếu tập trung vào cung ứng các dịch vụ ngân hàng truyền thống là huy động vốn, cho vay và thanh toán. 

Các dịch vụ mới với nhiều tiện ích khó triển khai còn do hạn chế về hạ tầng kỹ thuật công nghệ, nhận thức của người dùng, năng lực tài chính của ngân hàng thương mại, nguồn nhân lực chưa đáp ứng. 

Ngoài ra còn từ sự cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng trong cuộc đua về công nghệ và sự xuất hiện của những công ty Fintech. 

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho rằng vị thế chiếm lĩnh thị trường của nhiều "ông lớn" ngân hàng với mạng lưới chi nhánh rộng khắp có thể bị đe dọa bởi những ngân hàng, công ty Fintech trẻ với bộ máy tinh gọn, phát triển nền tảng số hoàn thiện.

Theo ông Nguyễn Hưng những kênh tiếp cận trên nền tảng số tạo điều kiện cho ngân hàng gia tăng thị phần một cách thần tốc, vượt xa khả năng của những chi nhánh truyền thống. Ưu thế trong kỷ nguyên số sẽ thuộc về những ngân hàng có thể thích ứng linh hoạt với nhu cầu của khách hàng và nắm bắt những cơ hội đến từ công nghệ mới.

Bên cạnh đó là thách thức từ khoảng trống chính sách, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trong việc xây dựng các khuôn khổ chính sách mới để quản lý, giám sát những yếu tố mới của ngành ngân hàng, như tiền điện tử (E-money), tài chính công nghệ. Việc gia tăng sử dụng công nghệ trong cung cấp dịch vụ tài chính đòi hỏi cần phải tăng cường theo dõi, giám sát và thực thi các quy định tài chính nhằm đảm bảo an toàn hệ thống, bảo vệ nhà đầu tư, đảm bảo công bằng trên thị trường và duy trì ổn định tài chính. 

Đặc biệt việc điều hành chính sách tiền tệ và kiểm soát dòng tiền gặp khó khăn trong bối cảnh tiền điện tử ngày càng được sử dụng và chấp nhận rộng rãi. Sự phát triển của công nghệ thông tin có thể dẫn tới một hệ thống tiền tệ toàn cầu với những giao dịch điện tử diễn ra theo thời gian thực và do đó, khả năng các ngân hàng Trung ương gặp khó khăn trong việc kiểm soát hệ thống tiền tệ quốc gia. 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Bên cạnh đó, ngân hàng Trung ương cũng gặp khó khăn để kiểm soát lượng cung tiền của nền kinh tế trong trường hợp tổ chức phát hành tiền điện tử là các định chế tài chính phi ngân hàng tại nước ngoài. 

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay xu hướng thâm nhập giữa các công ty Fintech vào lĩnh vực ngân hàng kéo theo sự phát triển và khả năng xâm chiếm của hoạt động ngân hàng ngầm, đặc biệt đối với các hoạt động thanh toán phi truyền thống (cổng thanh toán điện tử, ví điện tử, thanh toán do công ty viễn thông cung cấp…). Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý cấp phép, giám sát hoạt động cũng như kiểm soát dòng tiền thanh toán từ các tổ chức này.

Ngoài ra, mô hình kinh doanh và nguồn lực tài chính trong đầu tư xây dựng cơ bản của các ngân hàng cần được khắc phục để thích ứng với xu hướng ứng dụng công nghệ cao.

Để có thể phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả và phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ trong bối cảnh của thế giới, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết định hướng của ngành ngân hàng trong thời gian tới là phải xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như xây dựng cơ sở pháp lý cho ngân hàng đại lý và nhiều hoạt động khác. 

Để làm được việc này, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất trình Chính phủ ban hành khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho phép sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ mới đối với doanh nghiệp Fintech trong lĩnh vực ngân hàng

Bên cạnh đó, để sẵn sàng cung cấp dịch vụ xây dựng hạ tầng làm nền tảng cho việc cung cấp những dịch vụ số, đảm bảo an ninh được an toàn, thì phải tính đến cung cấp dịch vụ không chỉ phục vụ cho ngành ngân hàng mà phải tích hợp với các ngành khác như giao thông, dịch vụ công... đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu công việc trong bối cảnh mới; trong đó chú trọng quản lý an ninh mạng. 

Tiến sỹ Nguyễn Viết Lợi cho rằng các ngân hàng và các định chế tài chính cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trung tâm Dự phòng dữ liệu. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy cơ quan điều phối an ninh mạng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các cảnh báo cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình xử lý lỗ hổng bảo mật. 

Bên cạnh đó, tự bản thân các ngân hàng phải cập nhật các tiêu chuẩn an toàn thông tin để tiệm cận dần với các chuẩn mực an toàn thông tin của thế giới.

Theo THÙY DƯƠNG (TTXVN/VIETNAM+) 

 

Liên kết hữu ích