Ngành nông nghiệp tập trung hoàn thành nhiệm vụ

03/10/2019 - 07:19

Dù năm nay lũ không lớn nhưng lại có những đợt nước lên nhanh khó lường. Cùng với đó là tình hình mưa bão cuối năm, ảnh hưởng đến vụ thu đông 2019. Đối với vụ đông xuân tiếp theo, khô hạn và xâm nhập mặn là 2 nỗi lo thường trực.

Khắc phục khó khăn

Có thể nói, 9 tháng của năm 2019, ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời tiết không thuận lợi, giá lúa, cá đều sụt giảm, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch xảy ra nghiêm trọng… Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, kết quả sản xuất khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) trong 9 tháng tăng 2,11%, thấp hơn 1,39% so với kịch bản tăng trưởng (3,5%). Tuy nhiên, đây là nỗ lực đáng ghi nhận bởi tốc độ tăng trưởng nhỉnh hơn so cùng kỳ (9 tháng của năm 2018 tăng trưởng 2,1%) trong bối cảnh khó khăn, phức tạp hơn.

Về trồng trọt, tính chung năng suất các vụ đông xuân, hè thu, vụ mùa đạt bình quân 6,4 tấn/ha, giảm một ít so cùng kỳ nhưng bù lại, sản lượng cây ăn trái tăng 22.500 tấn, giúp giá trị sản xuất (GO) ngành trồng trọt tăng 551 tỷ đồng (kịch bản 589 tỷ đồng). Trong khi đó, sản lượng cá tra thu hoạch trong 9 tháng đạt 288.000 tấn, tăng 20.000 tấn so cùng kỳ nhưng do giá giảm, GO ngành thủy sản chỉ tăng thêm 230 tỷ đồng (kịch bản 697 tỷ đồng). Về chăn nuôi, do bệnh dịch tả heo xuất hiện nhiều nơi trên địa bàn tỉnh nên hiện đàn heo còn 95.000 con, giảm khoảng 21.000 con so cùng kỳ. Đàn trâu, bò cũng giảm nên tổng sản phẩm thịt heo hơi xuất chuồng giảm 139.000 tấn, bù lại đàn gia cầm tăng 180.000 con. Tính chung trong 9 tháng, GO chăn nuôi giảm 74 tỷ đồng (kịch bản tăng 111 tỷ đồng).

Dù sản xuất gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn chung, vẫn có những kết quả tích cực. Một trong những điểm sáng là đối với liên kết sản xuất “Cánh đồng lớn”, ước thực hiện hợp đồng tiêu thụ năm 2019 đạt 40.244ha, tuy còn khiêm tốn so tổng diện tích xuống giống của tỉnh, nhưng đã góp phần củng cố niềm tin vào hiệu quả của mô hình. Những doanh nghiệp như: Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty Cổ phần Gentraco, Chi nhánh Công ty Cổ phần Lương thực Bình Định tại An Giang… ký hợp đồng tiêu thụ lúa thông qua hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác. Những doanh nghiệp như: Lộc Trời, Angimex… vừa ký với HTX, vừa ký với nông dân. Các giống lúa liên kết chủ yếu là giống chất lượng cao, được mua cao hơn thị trường. Đối với HTX, tổ hợp tác thì được doanh nghiệp hỗ trợ chi phí quản lý từ 10-20 đồng/kg trên tổng sản lượng thu mua.

Bảo vệ sản xuất

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch dứt điểm vụ hè thu 2019 với năng suất, sản lượng tăng so cùng kỳ. Thời điểm đầu vụ, giá lúa tươi bán tại ruộng thấp (từ 3.900-4.100 đồng/kg), nông dân chỉ lời từ 500-1.000 đồng/kg. Sở NN&PTNT đã phối hợp Sở Công thương theo dõi sát tiến độ thu hoạch lúa, cơ cấu giống, tiến độ thu mua. Từ đó, tham mưu UBND tỉnh ứng phó tình hình giá lúa, kiến nghị Trung ương có giải pháp kịp thời để giúp nông dân bán lúa thuận lợi. Nhờ vậy, vào thời điểm thu hoạch rộ và cuối vụ hè thu, giá lúa tăng thêm từ 1.000-1.500 đồng/kg, giúp nông dân yên tâm hơn. “Vừa qua, Sở NN&PTNT tham gia cùng UBND tỉnh làm việc với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để báo cáo tình hình khó khăn trong tiêu thụ lúa, tình hình sạt lở diễn biến phức tạp. Qua đó, kiến nghị Quốc hội, Thủ tướng về vấn đề bổ sung nguồn vốn đầu tư các dự án sạt lở cấp bách, bố trí tái định cư cho các hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở, mở rộng thị trường tiêu thụ lúa, có chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng... Các kiến nghị của tỉnh đều được Thủ tướng ghi nhận, chỉ đạo các bộ, ngành hỗ trợ” - ông Lâm thông tin.

Đối với vụ thu đông 2019, toàn tỉnh đã xuống giống dứt điểm 157.000ha, vượt kế hoạch 5.000ha. Đến nay, đã thu hoạch 9.683ha, chiếm khoảng 6% diện tích. “Dù đã có xuất hiện một số đối tượng như: sâu cuốn lá, đạo ôn, muỗi hành nhưng theo đánh giá của ngành nông nghiệp, chưa có ảnh hưởng đến sản xuất và vẫn trong tầm kiểm soát của bộ phận chuyên môn” - ông Lâm nhấn mạnh.

Với tình hình thuận lợi, năng suất vụ thu đông 2019 ước đạt 5,95 tấn/ha, tăng 0,08 tấn/ha so vụ thu đông 2018. Về cơ cấu giống, chủ yếu là các giống chất lượng cao như: Đài Thơm 8, Jasmine 85, OM4218, OM6976, Japonica, nếp CK92, CK2003 và một số giống lúa của Lộc Trời (OM5451, LT1, LT18, LT604, LT605…) nên kỳ vọng giá lúa sẽ tốt. Đối với vụ đông xuân 2019-2020, diện tích xuống giống khoảng 233.673ha lúa, thời điểm xuống giống từ đầu tháng 11-2019, chia thành các đợt né rầy. Ngành nông nghiệp đang tập trung các giải pháp bảo vệ sản xuất, ứng phó tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng.

Năm 2019, sản lượng trái cây ước tăng 29.000 tấn. Kết quả này cùng sản lượng nuôi thủy sản quý IV tăng 22.000 tấn, cá giống cả năm đạt 2,5 tỷ con, năng suất vụ thu đông tăng... sẽ giúp tăng trưởng nông nghiệp năm 2019 đạt từ 2,6-2,7%.

 

Bài ảnh: NGÔ CHUẨN