Ngáy khi ngủ

06/04/2018 - 06:49

 - Hỏi: Tôi 50 tuổi, nặng 94kg, cao 1,71m. Tôi đang điều trị tăng huyết áp vô căn. Mọi người trong nhà thường phàn nàn tật ngáy khi ngủ (NKN) của tôi. Đó là tật hay bệnh? Làm gì để phòng, tránh? Chế độ ăn uống hay sinh hoạt hàng ngày có ảnh hưởng gì không?

Thanh Trường (TP. Long Xuyên)

BS Điêu Thanh Hùng, Khoa Tim mạch- Lão học (Bệnh viện Tim mạch An Giang):

NKN có thể là biểu hiện bệnh lý của hội chứng ngừng thở - thở chậm do tắc nghẽn khi ngủ, hoặc hội chứng giảm thông khí ở người béo phì. NKN có thể gặp ở 4% nam giới và 2% nữ giới. Các biểu hiện khác thường đi kèm với NKN, bao gồm: thức giấc ban đêm và ngủ gián đoạn, không có cảm giác sảng khoái khi thức dậy, buồn ngủ hay ngủ gật quá mức vào ban ngày, đau đầu vào buổi sáng, giảm tập trung, tăng huyết áp… NKN có thể dẫn đến buồn ngủ hay ngủ gật gây tai nạn giao thông; tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…

Một số yếu tố có thể dẫn đến các hội chứng bệnh lý trên như: béo phì, bất thường giải phẫu đường hô hấp trên, nhược giáp, nghiện rượu, dùng thuốc an thần… Dựa trên cân nặng của bạn là 94kg và chiều cao 1,71m, tính được chỉ số khối cơ thể của bạn là 32,5kg/m2. Như vậy, bạn được xếp vào nhóm béo phì (chỉ số khối cơ thể bình thường của người Việt Nam là 18-23kg/m2). Béo phì là một trong những yếu tố dẫn đến các hội chứng rối loạn nhịp thở liên quan với giấc ngủ.

Để phòng, tránh NKN và các tác hại có thể có của nó, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau:

- Khám bệnh tại các phòng khám chuyên khoa tai - mũi - họng, hô hấp và tim mạch để phát hiện nguyên nhân của NKN và các biến chứng đi kèm, để có biện pháp điều trị kịp thời.

- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Không hút thuốc lá, giảm sử dụng chất kích thích, rượu, bia. Hạn chế dùng thuốc ngủ, thuốc gây nghiện.

- Có chế độ ăn phù hợp để giữ sức khỏe, tránh bị béo phì.

- Điều trị các bệnh đi kèm nếu có, như: trào ngược thực quản, viêm mũi dị ứng…

Đỗ Minh Thọ, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe An Giang:

Nếu tình trạng NKN nghiêm trọng đến mức cần phải điều trị bằng thuốc, bạn nên tham vấn bác sĩ. Bạn có thể áp dụng một số giải pháp tự nhiên hoặc thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày để khắc phục chứng ngủ ngáy.

Thay đổi tư thế ngủ

Các tư thế nằm ngửa có thể khiến cho lưỡi và vòm miệng có xu hướng đổ xuống họng, va chạm với thành họng gây ra âm thanh, tức tiếng ngáy trong khi ngủ. Chuyển qua tư thế nằm nghiêng sẽ giúp hạn chế tình trạng này. Nên dùng một chiếc gối ôm, giúp bạn duy trì tư thế nằm nghiêng và tạo nên hiệu quả khác biệt. Tuy vậy, bạn cần lưu ý chọn loại gối với kích cỡ phù hợp và thoải mái nhất với mình, bởi gối cao quá có thể gây mỏi cổ.

Giảm cân

Đây là một trong những biện pháp khắc phục tình trạng NKN đã được chứng thực. Tuy vậy, nó không hiệu quả với tất cả mọi người. Nhưng nếu bạn nhận thấy bản thân mình bắt đầu có tình trạng NKN kể từ khi lên cân, việc giảm trọng lượng cơ thể chính là giải pháp của bạn.

Nói không với bia, rượu

Các loại đồ uống có cồn, thuốc giảm đau và an thần đều có tác dụng làm giãn cơ bắp bao gồm cơ họng, khiến tình trạng NKN dễ xảy ra.

Rèn luyện thói quen ngủ nghỉ điều độ

Nếu làm việc liên tục nhiều giờ không ngủ, bạn có thể rơi vào tình trạng mệt mỏi quá độ, thậm chí kiệt sức. Khi đó, bạn sẽ ngủ sâu hơn bình thường, khiến cho các cơ trong mũi, miệng và cổ họng trở nên mềm nhũn và linh hoạt hơn, dễ va chạm nhau và phát ra tiếng ngáy.

Khai thông đường thở

Nếu bạn ngáy do nghẹt hoặc tắc nghẽn đường thở, các biện pháp thông mũi sẽ giúp giải quyết vấn đề.

Thường xuyên thay tấm trải giường, bao gối và giữ vệ sinh phòng ngủ

Bụi trong không khí, các tác nhân gây dị ứng trong phòng ngủ hoặc trên giường có thể khiến bạn NKN. Những ai có thói quen cho vật nuôi ngủ trên giường cũng có nguy cơ dị ứng với lông thú hoặc nhiều tác nhân khác do con vật mang lại, gây ra tình trạng dị ứng và NKN.

Uống nhiều nước

Các chất dịch được tiết ra trong mũi và vòm họng khiến cho các bộ phận này càng trở nên kết dính và dễ phát ra âm thanh hơn nếu cơ thể không được cung cấp đủ nước. Do đó, việc uống nhiều nước mỗi ngày không chỉ giúp bạn có cơ thể khỏe mạnh, mà còn là biện pháp hạn chế tình trạng NKN hiệu quả.

GIA KHÁNH (Tổng hợp)