Ngày Tết người tiểu đường ăn như thế nào?

19/02/2018 - 08:42

Những ngày Tết đối với người tiểu đường trở thành gánh nặng và không ít người đã bị tăng đường huyết hay hạ đường huyết do đường máu tăng, hạ bất thường.

Dù là ngày Tết những bệnh nhân tiểu đường cũng nên tự kiểm tra đường máu

Tết khổ của người tiểu đường

Anh Nguyễn Văn Tuấn, Đống Đa, Hà Nội bị tiểu đường 6 năm và cứ đến dịp Tết là anh lại lo lắng. Năm ngoái, anh cố gắng trụ được đến mùng 3 Tết là thấy người mệt mỏi, kiểm tra đường huyết lúc đói lên 10 mol/ml. Anh Tuấn cho biết dù cố kiêng khem nhưng với những người bệnh bệnh rối loạn chuyển hóa như anh thì ngày Tết đúng là cực hình.

Không riêng anh Tuấn, các bệnh nhân bị tiểu đường đều lo lắng trong những ngày Tết làm thế nào để giữ được lượng đường huyết ổn định. Trong khi đó, đầu năm đi lại, ăn uống nhiều. Tâm lý của mọi người sợ “giông” cả năm nên mọi người đều khó từ chối ăn uống.

Bác sĩ Nguyễn Huy Cường – Phòng khám nội tiết Thái Hà cho biết ngày tết bao giờ cũng có nhiều biến động lớn, các bữa ăn có quá nhiều thịt, nhiều chất béo. Lưu ý: bánh chưng và xôi thuộc về đồ nếp khi tiêu hóa xong làm tăng đường máu khá nhiều. Giờ giấc ăn uống cũng cần lưu ý, nhiều khi làm cơm cúng gia tiên nên để muộn ăn dẫn đến hạ đường huyết (phòng tránh bằng cách ăn tạm lót dạ). Ngày Tết cần cảnh giác những thứ ăn vui miệng như hạt hướng dương, hạt bí đỏ rang nếu ăn nhiều làm tăng tổng số calo hấp thụ khá nhiều (1 lạng hạt trên cung cấp tới 1/4 nhu cầu năng lượng cho cơ thể).

Bác sĩ Cường chia sẻ nếu đi ăn cỗ nên báo trước với người cùng ăn là mình bị tiểu đường sẽ tránh bị ép ăn uống quá độ. Trường hợp đã lỡ ăn nhiều có thể tiêm thêm insulin nhanh 2-6 đơn vị loại insulin nhanh; nếu không dùng thuốc tiêm thì nên vận động nhiều hơn để tiêu thụ số calo thừa đưa vào, không tự ý tăng liều thuốc uống nếu không có ý kiến của bác sỹ vì các loại thuốc uống hạ đường huyết khó lường trước khả năng làm giảm đường máu trong khoảng thời gian ngắn.

Dùng rượu, bia với số lượng ít có thể được chấp nhận: ví dụ 1/2 lít bia, 1-2 ly rượu vang, rượu mạnh chỉ nên uống ít <50 ml/một bữa ăn. Chỉ nên uống sau khi đã ăn được 1 lúc. Nếu uống rượu say có nguy cơ bị hạ đường huyết.

- Đồ uống như trà và cà phê dùng nhiều lần trong ngày, nên pha loãng thêm bằng nước lọc.

Nên tự kiểm tra đường máu

Bác sĩ Cường nhấn mạnh ngày tết kiểm tra đường máu rất quan trọng. Với người có phương tiện tự kiểm tra đường máu, huyết áp nên đo thường xuyên hơn (3-6 lần, nếu có thể), nhất là khi có biểu hiện bất thường. Ngày Tết có nhiều sinh hoạt bất thường vậy xét nghiệm máu vào các thời điểm bất thường là hợp lý. Để dễ nhớ, đường máu đo được khi đói là 5mmol/l; sau ăn 2 giờ 10mmol/l thì có thể yên tâm ăn Tết.

Trong những ngày Tết cần gạt bỏ tâm lý “kiêng chữa bệnh”, kiêng các thao tác liên quan đến chữa bệnh, không tạm ngừng thuốc, không vì vui mà quên uống thuốc, tiêm thuốc. Đường trong cơ thể vẫn luôn được tiêu hóa, hấp thụ và tạo ra từ gan, thậm chí những ngày Tết còn gia tăng nhiều hơn vì ăn uống nhiều, vì stress...Không bỏ tiêm dù chỉ một liều thuốc.

Nếu lỡ hết thuốc mà không thể có được, nên ăn ít hơn mọi ngày một chút và chia ra nhiều bữa hơn. Biện pháp này có thể giúp cho đường máu không tăng quá cao trong vòng vài ngày. Cố gắng lập lại số thuốc sớm nhất khi có thể.

Ngày Tết thường hay bị lãng quên vận động, mặt khác có người lại vận động nhiều hơn thường ngày (như đi lễ hội chùa Hương chẳng hạn). Cả hai thái cực này đều gây biến động đường máu.

Để tránh thái cực thứ nhất (ít vận động do không thể đi thể dục như mọi ngày): nên duy trì những hoạt động thường quy tối đa như lên thang gác, lau dọn nhà cửa, tưới cây, đi bộ khi đi thăm họ hàng ở những khoảng cách gần, tập với máy tập trong nhà....

Để hạn chế nguy cơ hạ đường huyết do vận động nhiều bất thường: ăn 15-30gr chất bột đường sau mỗi 30 phút leo núi (ví dụ 1-2 quả quýt, uống một cốc nước ngọt..). Với người đang tiêm insulin: giảm 1/2 liều thường quy, thử máu sau mỗi 60 phút leo núi để biết nên ăn thêm hay không?

Nếu đi chơi xa luôn nhớ mang theo thuốc dùng hàng ngày, mang nhiều hơn số lượng dự kiến vì có thể kéo dài ngày lưu trú bên ngoài hơn dự định vì họ hàng nứu kéo, vì nhỡ tàu xe...Đem theo đơn thuốc của bác sỹ trong ví, đề phòng trường hợp khẩn cấp bị hôn mê hoặc hết thuốc chữa trị.

Bệnh viện vẫn luôn luôn có người trực trong dịp Tết, đừng ngần ngại gọi điện xin tư vấn hoặc đến khám nếu cảm thấy sức khỏe không ổn.

Theo KHÁNH NGỌC (Infonet)