Ngày xuân bên ngôi đình

02/02/2019 - 07:00

 - Ngôi đình là hình ảnh không thể thiếu ở mỗi vùng quê. Mỗi dịp Tết đến, ngôi đình càng trở nên nhộn nhịp với nhiều lễ hội truyền thống, cầu mong mưa thuận, gió hòa, công việc được nhiều thuận lợi và cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Cây nêu bên đình

Năm nào cũng vậy, đêm 29 hoặc 30 tháng Chạp là các vị chức sắc trong Ban Tế lễ Đình thần Nhơn Mỹ (Chợ Mới) với trang phục áo dài, khăn đóng truyền thống cùng bà con địa phương tiến hành nghi lễ dựng nêu. Trải qua 137 năm, đình vẫn giữ phong tục dựng nêu trong ngày Tết và trở thành nét văn hóa truyền thống của người dân nơi đây.

Phó ban Thường trực Đình thần Nhơn Mỹ Nguyễn Hoàng Nhơn cho biết, phong tục dựng nêu ngày Tết trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân và được giữ cho đến ngày nay. Chú Nhơn cho biết: “Cây nêu là cây tre, cao từ 5-6m. Thân tre phải được tỉa sạch nhánh và lá, phía ngọn chừa lại phần lá dài khoảng 1m. Trên ngọn tre, người ta thường buộc thêm nhiều thứ như: bùa bát quái, gạo, muối, vàng mã, cành xương rồng, bầu rượu, hình cá chép bằng giấy, cờ vải màu đỏ… Việc dựng cây nêu được coi là biểu tượng thiêng liêng nhằm xua đuổi ma quỷ quấy phá, tránh những điều xui xẻo và mang lại may mắn cho năm mới”.

Lễ dựng nêu ở đình thần Nhơn Mỹ diễn ra vào lúc 19 giờ ngày cuối cùng của tháng Chạp. Cây nêu dựng đến mùng 7 tháng giêng, sau đó sẽ làm lễ hạ nêu để bắt đầu cho một năm mới.

Ngày xuân bên ngôi đình

Đình thần, nơi lưu giữ truyền thống, giá trị văn hóa của dân tộc

Khai sơn “phá thạch”

Sau Tết nguyên đán 7 ngày, ở các cơ quan, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất - kinh doanh đều làm lễ khai sơn. Ở các ngôi đình, dinh, miếu cũng không ngoại lệ, tổ chức lễ cúng khai sơn “Tế trời - đất và các vị thần linh”, “Thần hoàng bổn cảnh” với bầu không khí thiêng liêng, trang trọng.

Theo Trưởng ban Tế tự Đình thần Tấn Mỹ (Chợ Mới) Trần Trọng Khiêm, “Khai sơn” có nghĩa khai mở đất đai, noi theo tục xưa cũ “khai sơn phá thạch” cho người dân bắt đầu ra làm việc. Theo tập quán, ngày 29 hoặc 30 tháng Chạp, mọi nhà “rước ông bà” ăn Tết, 12 giờ đón giao thừa qua năm mới. Trong khoảng thời gian từ mùng 1 đến mùng 6, mọi người tạm gác lại công việc đồng áng đến mùng 7. Sau lễ “Khai sơn”, nông dân mới được ra đồng làm việc. Ngày nay, nông dân không còn “kiêng ra đồng” trong những ngày đầu năm. Tuy nhiên, lễ “Khai sơn” không vì vậy mà mất đi ý nghĩa. “Lễ “Khai sơn” tổ chức lúc 2 giờ sáng mùng 7 tháng giêng. Đình Tấn Mỹ giữ tục lệ cúng “Khai sơn” và được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm duy trì và phát triển” - ông Khiêm cho biết.

Sau lễ chánh tế là nghi thức “trảm thảo”, tức chặt cỏ lấy lệ “khai việc đầu năm” với bánh trái, nhang, đèn. Một hành động tượng trưng nhưng biểu lộ ước mong sức mạnh con người sẽ vượt lên trước thiên nhiên. Sau khi tất cả các nghi thức cúng đã xong, lễ vật được bày biện tại chỗ, mọi người quây quần ăn uống, vui vẻ cùng chúc nhau sức khỏe, công việc làm ăn thuận lợi.

Vào những ngày cuối của tháng chạp, nhiều đình thần còn tổ chức lễ tất niên để kết thúc năm cũ và chuẩn bị năm mới. Đây là phong tục tập quán lâu đời và mang nét đẹp văn hóa của người xưa vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay, với mong muốn xua đuổi những điều không may trong năm cũ, đón những điều tốt lành, hạnh phúc trong năm mới. Vào dịp Tết, đình làng còn là nơi diễn ra các hoạt động mua, bán hàng hóa trong những ngày xuân. Tại một số địa phương, các phiên chợ diễn ra trước sân đình Tết kéo dài từ 23-30 Tết, tùy theo từng nơi. 

ĐỨC TOÀN