Nghề “ăn theo” Tết vào mùa

21/12/2018 - 07:33

 - Thời điểm này, những ai theo nghề “phục vụ” Tết đã bước vào vụ sản xuất tất bật nhất trong năm. Với họ, đây là mùa làm ăn nên phải cố gắng lao động để tăng thu nhập cho gia đình.

Tất bật làm chậu kiểng

Thời điểm này, những người thợ “xoay” chậu kiểng đã bắt đầu vụ làm ăn chính trong năm. Anh Nguyễn Văn Dương (người làm chậu kiểng tại xã Khánh Hòa, Châu Phú) cho biết: “Mỗi năm, cứ khoảng tháng 9 (âm lịch) là nghề làm chậu kiểng đã vô mùa sản xuất chính trong năm. Nếu có đồng vốn khá, người thợ sẽ làm chậu để sẵn với số lượng nhiều để bán vào thời điểm cận Tết, ngược lại, tôi chỉ nhận làm cho khách hàng khi họ có nhu cầu. Lúc này, khách hàng đặt chậu tăng lên khá nhiều, chúng tôi phải tất bật với công việc suốt cả ngày, có khi mình làm quên cả cơm nước, bởi người mua thúc giục giao chậu để họ bứng mai, bứng kiểng cho kịp ngày chăm sóc”.

Với mức giá khoảng 40.000 - 800.000 đồng/chậu, khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm theo kích cỡ phù hợp với nhu cầu. Ngoài ra, anh Dương còn nhận làm chậu theo yêu cầu của người mua, khi đó chất lượng sản phẩm sẽ tăng theo tỷ lệ thuận với số tiền khách hàng bỏ ra. Theo anh Dương, với những vị khách dễ tính thì họ sẽ mua chậu đã đúc sẵn nhưng cũng có người yêu cầu cao về độ dày, độ lớn hay tính thẩm mỹ của chậu. Bởi, một cây kiểng đẹp mà đặt vào chậu không cân đối, không chất lượng sẽ rất uổng phí. Với những khách hàng dạng này, anh Dương phải thật tỉ mỉ trong từng động tác “xoay” chậu để cho ra sản phẩm ưng ý nhất.

“Thực tế, người làm chậu kiểng như chúng tôi chỉ trông chờ vào vụ sản xuất Tết nên phải chuẩn bị thật sớm. Thông thường, người ta hay đặt chậu sỉ với số lượng nhiều để bán lại kiếm lời. Hiện, tôi đã giao được gần 100 chiếc chậu với đủ kích cỡ cho khách hàng từ hơn tháng nay. Hy vọng, thời gian tới sẽ có nhiều người đến đặt chậu, bởi mình “ăn theo” mùa Tết nên chỉ có nguồn thu khá trong mấy tháng cuối năm” - anh Dương chia sẻ.

Nghề “làm đẹp” cho mai

Hơn 1 tháng nay, những người chăm sóc mai thuê bước vào thời điểm bận rộn nhất trong năm. Được xem là nghệ nhân trẻ trong giới “chơi” mai, ông Nguyễn Văn Tấn (người dân xã Lê Chánh) đang sở hữu khá nhiều gốc mai khá đẹp. Ngoài mê mai kiểng, ông Tấn kiêm luôn cả dịch vụ chăm sóc mai thuê hay đi sửa mai cho người khác. “Người làm được nghề này phải am hiểu cách “chơi” mai thì mới đáp ứng được nhu cầu cho khách hàng. Thông thường, họ chỉ mang về nhà chưng trong mấy ngày Tết, khi mai “xuống” bông thì mang gửi lại để tôi chăm sóc tiếp. Do đó, công việc này kéo dài từ năm này sang năm khác, nhưng vào cuối năm bận rộn hơn vì mình phải canh phân thuốc kết hợp với nhiều thao tác khác cho mai trổ đúng vào dịp Tết. Nếu mai trổ không đạt coi như mình yếu tay nghề, khách hàng sẽ thuê người khác” - ông Tấn chia sẻ.

Cái khó của nghề này là đòi hỏi “chuyên môn” cao vì giá trị mỗi gốc mai đôi khi hàng chục triệu đồng, nếu người chăm sóc không có kinh nghiệm sẽ rất khó. Với tiền công cao nhất là 1 triệu đồng/năm, những người chăm sóc mai thuê phải chăm chút để cây mai phát triển tốt nhất. Qua đó, mang đến niềm vui cho gia chủ khi mai nở vàng rực trong những ngày đầu năm mới. Ngoài ra, việc cắt tỉa, tạo dáng cho mai đòi hỏi tính thẩm mỹ bởi loài cây này là biểu tượng cho cái đẹp, cho mùa xuân.

“Ngoài chăm sóc mai thuê, tôi còn đi sửa mai khi người ta yêu cầu. Tiền công cho mỗi cây mai sửa xong khoảng từ 100.000 - 300.000 đồng tùy theo công sức bỏ ra. Thực tế, để sửa một cây mai đẹp đòi hỏi người thợ phải lành nghề mới có thể “nhìn” ra dáng hình phù hợp, mang tính thẩm mỹ cao. Mỗi cành mai được cắt đi đòi hỏi phải có sự tính toán để nó đâm nhánh theo ý mình. Tôi phải cắt sửa một cây mai vài ba lần mới cho ra dáng dấp như yêu cầu. Bởi vậy, mình chủ yếu sửa cho khách quen vì hiểu rõ mai của họ và còn có sự nhiệt tâm, tin tưởng lẫn nhau” - ông Tấn khẳng định.

Phần thưởng của ông Tấn và những người thợ sửa mai có tâm, có nghề chính là sản phẩm của họ trổ bông đúng dịp Tết, có dáng đẹp, mang đến sự thịnh vượng cho gia chủ chứ không dừng lại ở việc “làm công ăn tiền” đơn thuần. Vụ sửa mai rộ đã kết thúc từ đầu tháng 10 (âm lịch), hiện ông Tấn chỉ lo chăm sóc những cây mai do khách hàng gửi. Ông bật mí rằng, thời điểm này mai đã ươm nụ nên việc can thiệp quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bông khi Tết đến.

Dù được gọi là nghề “ăn theo” Tết nhưng những người như anh Dương, ông Tấn là nhân tố giúp cho mùa xuân đẹp hơn. Họ phục vụ nhu cầu của người khác, cùng hướng đến một cái Tết thắm tươi, để những cây kiểng có dịp vươn mình khoe sắc vào thời điểm đẹp nhất trong năm.

THANH TIẾN

 

Liên kết hữu ích