Nghề làm chậu kiểng

05/12/2018 - 07:24

 - Do nhu cầu của các nhà vườn trồng hoa, cây kiểng tăng cao vào dịp cận Tết nên các cơ sở làm nghề đúc chậu xi-măng phải làm việc hết công suất để đáp ứng đủ nhu cầu, số lượng cho khách hàng.

Nhu cầu tăng cao

Cuối năm, các nhà vườn trồng hoa, cây kiểng luôn tất bật để cho ra những sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường lớn nhất trong năm. Dạo quanh một số vườn ươm cây cảnh mới thấy khung cảnh nhộn nhịp, bận rộn cho việc chăm sóc, uốn, tỉa cành của những chủ vườn. Mỗi người một việc, ai nấy cố gắng làm cho sản phẩm của mình đẹp nhất, nhiều khách hàng tới mua nhất. Ông Hồ Tấn Phong (nông dân trồng cúc pha lê ở phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc) cho biết: “Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, gia đình tôi chuẩn bị 3.000 chậu cúc để bán trong dịp Tết. Ngay từ đầu tháng 7 (âm lịch), tôi đã liên hệ với các cơ sở sản xuất chậu để đặt hàng”.

Nhu cầu sử dụng chậu kiểng trong dịp cuối năm tăng

Nhu cầu sử dụng chậu kiểng của các nhà vườn tăng cao làm cho không khí sản xuất của các cơ sở làm nghề đúc chậu kiểng nhộn nhịp hẳn lên. Những ngày này, gia đình anh Nguyễn Thanh Thới (ngụ xã Tà Đảnh, Tri Tôn) tất bật với công việc. Anh Thới đánh giá, năm nay thị trường làm hoa có vẻ làm nhiều hơn mọi năm, nên cơ sở anh cũng tăng số lượng chậu. Những sản phẩm ở đây làm theo đơn đặt hàng, không sản xuất đại trà. “Chậu ở đây chủ yếu bán cho nhà vườn trồng mai, cây kiểng trong tỉnh. Ngày thường ít ai mua, nhưng những ngày cận Tết đến sau Tết thì sức mua nhiều hơn hẳn. Bình thường 1 ngày, tôi đúc được 20 cái chậu, nhưng phải 2 ngày mới cho ra 1 sản phẩm hoàn chỉnh. Thời điểm gần Tết, số lượng tăng từ 2-3 lần, công việc trở nên vất vả hơn”- anh Thới chia sẻ.

Hối hả vào vụ

Theo nhiều nghệ nhân, nghề làm chậu kiểng hoạt động quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất từ tháng 8 (âm lịch) cho đến đầu năm sau. Đây là thời điểm nhà vườn trồng kiểng cho cây vào chậu, chăm sóc, tạo dáng để tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán.

Nguyên liệu làm ra một chiếc chậu kiểng là sự kết hợp của xi-măng và cát, công thức pha trộn thì mỗi người thợ có cách riêng. Mục đích cuối cùng là đảm bảo tính thẩm mỹ và độ bền chắc. Hầu hết sản phẩm đều làm thủ công, sau khi quay xong theo khuôn được đem phơi nắng và sơn để tăng độ bền. “Chậu bằng xi-măng được nhiều nhà vườn ưa chuộng, vì có giá cả phải chăng, mẫu mã bắt mắt; sản phẩm bền, khó vỡ, sử dụng lâu hơn các sản phẩm bằng chất liệu khác. Hiện nay, chậu kiểng được các cơ sở làm có nhiều kích thước, nhỏ nhất khoảng 3 tấc và lớn nhất trên 1m. Giá mặt hàng này cũng khoảng từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng mỗi cái”- anh Thới cho biết thêm.

Các cơ sở vào vụ

Những năm gần đây, bên cạnh các mặt hàng truyền thống, khách hàng còn đòi hỏi về mẫu mã, kiểu dáng nên các cơ sở không ngừng cải tiến để đáp ứng nhu cầu thị trường. Những năm gần đây, gia đình anh Đinh Văn Thiệt (xã Long Điền B, Chợ Mới) tập trung sản xuất các chậu bonsai cung ứng ra thị trường. Để thỏa mãn yêu cầu của khách hàng, cơ sở luôn tạo ra những chậu kiểng phong phú về kiểu dáng và màu sắc bắt mắt. Bên cạnh sơn màu đỏ truyền thống, cơ sở còn sơn màu giả đá nên được khách hàng ưa chuộng.

Bên cạnh việc sản xuất chậu tròn, các cơ sở còn đẩy mạnh sản xuất các loại chậu mang nhiều hình dáng mới lạ như: chậu vuông, lục giác, chậu kỷ, bầu dục… để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Ngoài ra, chậu còn được in thêm hoa văn, chữ: phúc, lộc, thọ, hỷ… với kích thước theo yêu cầu của khách hàng. Hiện nay, giá nguyên vật liệu có phần nhích lên so với thời điểm trước nên người làm chậu cũng gặp khó khăn hơn do giá mặt hàng này khó tăng cao được.

Đ.Đ