Nghề nuôi cá bè cù lao Ông Hổ

20/08/2018 - 04:27

 - Ngư dân ở xứ cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) phát triển mạnh mẽ nghề nuôi cá bè, mang lại thu nhập ổn định.

Phá thế “độc canh” cá tra

Tháng 8, con nước sông Hậu ngầu đục, những chiếc bè cá của ngư dân đang oằn mình chống chịu với dòng lũ chảy xiết. Chúng tôi gặp chú Nguyễn Văn Long (49 tuổi) khi ông đang loay hoay chằng chống 2 cái bè để tránh mưa to, gió lớn trong mùa lũ. Chú Long là một trong những người tiên phong nuôi cá bè lâu năm nhất, nhì ở cù lao Ông Hổ, với trên 20 năm. Hồi trước, cha chú Long bắt chước những ngư dân “cự phách” ở đầu nguồn An Phú, Châu Đốc thả nuôi cá hú, cá ba sa. Con giống chủ yếu khai thác bằng nghề đóng hàng đáy trên sông theo mùa lũ. Năm nào lũ lớn thì nguồn cá giống nhiều vô kể.

“Mỗi lần ra đổ đáy, thu hoạch rất nhiều cá giống. Hồi đó, chưa nắm bắt được kỹ thuật, thuốc men hạn chế nên nguồn cá hao hụt nhiều, hiệu quả không cao, nhưng lại kiếm ăn được. Bởi lẽ, có rất ít người nuôi cá nên cá bán được giá. Về sau, thấy con cá hú, cá ba sa nuôi được, nhiều người chạy theo cưa cây đóng bè nuôi cá. Có năm giá cá xuống thấp, khiến hàng loạt hộ phải treo bè”- chú Long nhớ lại.

Làng bè cù lao Ông Hổ

Hiện tại, bà con ở đây không thả nuôi độc nhất con cá tra, mà đa dạng con giống. Họ chọn những con cá dễ nuôi và có đầu ra, như: cá he, cá mè hôi, cá éc... Từ đó, nghề nuôi cá bè mới trụ được trên thị trường. Nghề nuôi cá he cũng phát triển vì loài cá này rất dễ nuôi, tiêu thụ được trong và ngoài tỉnh. Thậm chí, cá he còn xuất khẩu sang Campuchia qua đường tiểu ngạch.

“Ngày trước, cá he xuất hiện nhiều vào mùa lũ do thiên nhiên ban tặng. Thế nhưng giờ đây, loài cá này ngày càng giảm dần trong tự nhiên nên việc đầu tư nuôi sẽ đạt lợi nhuận kinh tế khá cao”- chú Long khoe.

Cung cấp lượng lớn cá thương phẩm

2 chiếc bè cá của chú Long neo đậu sát đuôi cù lao Ông Hổ, mỗi bè diện tích trên 70m2, có sức chứa hơn 100.000 con cá he giống. Mỗi năm thu hoạch, đạt sản lượng trung bình từ 25-26 tấn cá thương phẩm. Như vậy, với 2 bè cá, mỗi năm chú Long xuất bán trên 50 tấn cá thương phẩm, giá bán từ 40.000-53.000 đồng/kg (tùy theo thời điểm).

Nhờ nuôi cá bè mà gia đình chú Long khấm khá hơn, con cái ăn học tử tế. Mặc dù, quanh năm lấy bè làm nhà, nhưng cuộc sống gia đình vẫn đầm ấm. Dưới bè có máy phát điện, tivi, có ghe làm phương tiện giao thông thủy, trên bờ có xe gắn máy đi lại…

Ngư dân đóng bè nuôi cá

Cạnh đó là 6 bè cá của ông Nguyễn Văn Thuận (50 tuổi) cũng đang thả nuôi cá he, cá hú, cá ba sa các loại. Ghé hỏi thăm, mới biết ông Thuận đang “chỉ huy” đội thợ cưa để đóng thêm 1 chiếc bè mới.

Ông Thuận cũng là người có "tiếng tăm" trong nghề nuôi cá bè ở cù lao Ông Hổ. Nhờ bám trụ cái nghề hạ bạc này mà gia đình ông Thuận trở nên giàu có tại đây. Với 6 cái bè (mỗi cái diện tích từ 70-80m2), mỗi năm ông Thuận cung ứng ra thị trường gần 100 tấn cá các loại.

Ông Thuận cho biết, tránh trường hợp nuôi đồng loạt cá dễ bị dội chợ, ế hàng, ông thả nuôi mỗi bè cách nhau từ 1-2 tháng. Với cách nuôi xoay vòng như vậy, năm nào bè cá của ông Thuận xuất bán cũng đạt được giá cao, lợi nhuận nhỉnh hơn các hộ nuôi lân cận. 

Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang nói rằng, phong trào nuôi cá bè ở xứ cù lao Ông Hổ đã hình thành và phát triển trên 20 năm. Ngày nay, nó không chỉ dừng lại ở vài bè mà đã tăng lên hàng trăm bè. Nguồn cá của ngư dân được tiêu thụ mạnh tại chợ Long Xuyên và các tỉnh thành ĐBSCL, các chợ đầu mối TP. Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: Thành Chinh

 

Liên kết hữu ích