Nghĩ gì về nghĩa cử… cho đi !

15/04/2019 - 08:06

 - “Cuộc sống hàng ngày vốn còn nhiều khó khăn, nếu giúp được gì trong khả năng, tôi đều sẵn sàng. Tôi không nghĩ việc hiến máu trên 30 lần là điều gì quá lớn lao, hễ việc gì đúng và có ích cho nhiều người thì nên làm. Tôi tâm nguyện, còn sức khỏe thì sẽ tiếp tục hiến máu để cứu người khi hữu sự”- cô Phan Thị Mỹ Vân (58 tuổi, ngụ thị trấn Phú Hòa, Thoại Sơn) chia sẻ.

Có mặt tại điểm hiến máu tình nguyện trên địa bàn huyện Thoại Sơn, sức nóng của những người “chung một tấm lòng” nơi đây làm người ta dễ choáng ngợp. Hơn 900 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của huyện Thoại Sơn đang chung lòng vì “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Có những người mang tâm trạng lần đầu hiến máu, vẻ lo lắng bộc lộ qua gương mặt. Có nhiều nụ cười rạng rỡ của những người không nhớ rõ số lần đã hiến máu. Tất cả như làm không khí thêm nóng dần, tiếng hỏi thăm, nói cười rộn cả không gian như muốn nói đây chính là “ngày hội hiến máu”. Riêng chúng tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi tháng 4 được “khởi động” bằng 1 ngày ý nghĩa như vậy!

Hiến máu là nghĩa cử cao đẹp

Trao đổi với cô Mỹ Vân (người phụ nữ được tôn vinh nhiều lần vì nghĩa cử cao đẹp - hiến máu tình nguyện trên 30 lần), niềm vui của cô như lan tỏa cho người đối diện. Cô Mỹ Vân trải lòng: “Cuộc sống tôi không khá giả, lao động vất vả lắm mới có cái ăn hàng ngày. Nhưng hễ nghe có đợt hiến máu, tôi sẵn sàng đăng ký. Nhớ lúc xưa, khi nuôi người thân trong bệnh viện, tôi chứng kiến cảnh người bị bệnh “thập tử nhất sinh”, rất cần máu để giữ lấy mạng sống. Tự dưng lòng tôi nghĩ đến việc hiến máu cứu người. Vậy là từ đó, tôi bắt đầu hiến máu mỗi khi có đợt phát động của địa phương. Đặc biệt, khi biết mình nhóm máu O, tôi càng tích cực hiến máu. Lần đầu, tôi run và sợ lắm nhưng lâu dần thành quen, không đi hiến máu là trong người rất khó chịu”.

Cùng suy nghĩ ấy, cô Hồ Thị Thủy (ngụ thị trấn Phú Hòa) đã tham gia hiến máu tình nguyện hơn 30 lần. Đồng thời, giữ vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ thị trấn Phú Hòa, cô Thủy đứng ra vận động hội viên, bạn bè thành lập “ngân hàng máu sống” được 10 thành viên. Mọi người đều rất tích cực mỗi khi có đợt hiến máu tình nguyện. “Ngày đầu khi vận động, nhiều người chưa hiểu hết ý nghĩa cao đẹp của việc hiến máu cứu người nên không chịu tham gia. Thiết nghĩ bản thân nên nêu gương, tôi càng tích cực hiến máu. Thấy vậy, các thành viên của “ngân hàng máu sống” tự nguyện gia nhập. Tôn chỉ của chúng tôi là sẵn sàng có mặt để hiến máu cứu người bất kể lúc nào trong ngày” - cô Thủy bộc bạch.

Trong ngày hội toàn dân hiến máu, Ban Chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện huyện Thoại Sơn đã biểu dương nhiều cá nhân hiến máu nhiều lần. Đây là việc làm nhằm động viên, khích lệ và cổ vũ phong trào hiến máu ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Dễ thấy rằng, mỗi người mang một tâm trạng khác nhau nhưng tất cả đều hy vọng góp thêm những giọt máu hồng để chia sẻ với những bệnh nhân đang cần máu. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Thoại Sơn Vũ Văn Toán cho biết: “Năm 2018, huyện Thoại Sơn đã vận động nhân dân hiến máu tình nguyện được 1.610 đơn vị máu, đạt 85% kế hoạch năm. Với chỉ tiêu 1.900 đơn vị máu, năm 2019, chúng tôi sẽ cố gắng đạt và vượt con số ấy. Thời gian qua, Thoại Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nâng cao nhận thức người dân về nghĩa cử hiến máu tình nguyện. Không chỉ phát tờ bướm tuyên truyền, chúng tôi còn xuống tận cơ sở, giải thích ý nghĩa khi hiến máu và nhấn mạnh rằng, hiến máu hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến sức khỏe hay ảnh hưởng các hoạt động thường ngày của cơ thể. Qua đó, huyện đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu hiến máu từ 10 lần, 15 lần, thậm chí 30 lần”.  

Hiến máu cứu người giờ đây không còn là hành động xa lạ với mỗi người. Vì nhiều chiến dịch hiến máu tình nguyện được tổ chức rộng khắp nhằm kêu gọi người dân tham gia hiến máu. Bởi, ngoài việc cứu sống tính mạng người lúc nguy cấp, hiến máu còn mang lại sức khỏe trực tiếp cho người hiến. Đặc biệt, người tham gia hiến máu được khám và tư vấn sức khỏe nhằm đảm bảo đủ cân nặng, huyết áp bình thường, không bị mắc các bệnh về tim mạch… Ngoài việc được chăm sóc tận tình, người hiến máu còn được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện của Ban Chỉ đạo hiến máu nhân đạo. Không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh, giấy chứng nhận hiến máu còn có giá trị bồi hoàn máu, số lượng máu được bồi hoàn lại tối đa bằng lượng máu đã hiến và có giá trị suốt đời với người hiến máu.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN