Nghị lực người phụ nữ khuyết tật vượt lên số phận

26/09/2019 - 07:30

 - Đối với những người bình thường, vươn lên từ 2 bàn tay trắng là điều không dễ, nhưng đối với một người khuyết tật là phụ nữ thật sự là một thử thách rất lớn. Dù khiếm khuyết một phần cơ thể, 2 chân bị bại liệt, phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng chị Nguyễn Thị Phương Thanh (sinh năm 1978, ngụ ấp Sơn Hòa, xã Vọng Đông, Thoại Sơn) kiên cường vượt qua khó khăn, trở thành người có ích cho xã hội.

Nghị lực người phụ nữ khuyết tật vượt lên số phận

Chị Thanh hướng dẫn các chị em trong xóm may gia công, tăng thu nhập cho gia đình

Bản thân chị Thanh bị khuyết tật từ nhỏ, đôi chân đi lại khó khăn, nhưng không vì vậy mà chị buông xuôi, phó mặc cho số phận. Chị nghĩ còn đôi tay lành lặn là còn khả năng lao động, chị quyết tâm tìm cho mình một cái nghề để tự nuôi sống bản thân. Biến mặc cảm thành nghị lực, ý chí vươn lên trong cuộc sống, làm giàu bằng chính những suy nghĩ  lạc quan của mình, chị chọn cho mình nghề may quần áo.

Chị Thanh chia sẻ: “Tôi bị khuyết tật, do bị sốt bại liệt từ nhỏ. Vì mặc cảm nên học đến hết lớp 9, tôi đã nghỉ học. Tôi chọn học nghề may, vì nghĩ nghề may dễ kiếm sống ở vùng nông thôn, hay ít ra học nghề may có thể tự may quần áo cho mình và người thân. Với đôi chân bị tật, làm quen với máy may là việc không dễ dàng, phải mất mấy tháng trời tôi mới điều khiển được chiếc kim may theo ý mình. Sau này nhờ vào máy may công nghiệp, chạy bằng điện, tôi thấy dễ dàng hơn”.

Sau thời gian học nghề may, năm 2004, chị Thanh lên TP. Hồ Chí Minh để phụ giúp người em bà con may gia công các mặt hàng bóp, ví cầm tay, túi xách... Sau một thời gian sống cùng người em, khi đã  thành thạo với nghề, chị nhận thấy nơi vùng quê của mình có rất nhiều phụ nữ không có việc làm, cần có thêm thu nhập ngoài giờ chăm sóc chồng con. Nghĩ rằng công việc như vậy vẫn làm được ở quê nhà nên chị trở về nhà và xin đem hàng về quê tiếp tục may gia công cho cơ sở của người em.

Đơn hàng đầu tiên với số lượng nhỏ, giải quyết việc làm cho 4-5 chị em phụ nữ. Một tuần, chị xuất 1 đơn hàng khoảng 2.000 sản phẩm bóp viết, ví cầm tay... các loại. Số lượng hàng ngày càng nhiều, chị rủ nhiều người trong xóm làm, hướng dẫn cho các chị may gia công. Nhiều chị em phụ nữ thấy vậy đến học nghề và được chị nhận vào may gia công. Chị em nào muốn mua máy may để nhận hàng về nhà may chị Thanh sẵn sàng giúp đỡ.

Chị Thanh cho biết: “Hội Liên hiệp Phụ nữ đã giới thiệu cho tôi vay Ngân hàng Chính sách Xã hội số tiền 40 triệu đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số tiền 100 triệu đồng... Nhờ nguồn vốn này tôi có thêm kinh phí nhập thêm nguyên liệu, mua thêm máy móc phục vụ cho việc mở rộng cơ sở của mình”. Dù khuyết tật nhưng chị tự mua nguyên liệu về cắt may, in theo đơn đặt hàng, giảm bớt được phần chuyên chở nguyên liệu, tăng thêm lợi nhuận. Công việc thuận lợi, đầu ra ổn định, trung bình 1 tuần cơ sở của chị xuất được 2 đơn hàng, số lượng từ 3.0000-4.000 sản phẩm.

Gần 15 năm hoạt động, cơ sở may gia công của chị đã có gần 30 lao động, đỉnh điểm có đến 40 lao động, trong đó có khoảng 20-25 lao động may thường xuyên, còn lại may gia công theo thời vụ, thu nhập ổn định từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Mặt hàng ngày càng phong phú và đa dạng: bóp viết, bóp da các loại, ví cầm tay, móc khóa, túi xách... với nhiều mẫu mã và màu sắc. .

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vọng Đông Trần Trịnh Thanh Thảo cho biết: “Hoàn cảnh chị Thanh rất đặc biệt, nhưng nhờ nghị lực và ý chí vươn lên, chị vượt qua mặc cảm tự tìm cho mình một nghề may và giới thiệu được nhiều việc làm cho chị em phụ nữ địa phương cùng tham gia. Chị Thanh là tấm gương tiêu biểu về tính tự lực tự cường, hăng hái tham gia lao động sản xuất và là một phụ nữ tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp ở địa phương”.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU