Nghĩ về nền nông nghiệp "ăn chắc"

09/03/2018 - 09:32

Trong nhóm những loại cây ăn trái được xem mang lại nguồn lợi lớn những năm gần đây như: Sầu riêng, thanh long… thì mít Thái, có nơi còn gọi là mít siêu sớm hay mít cao sản, trở thành một “hiện tượng” lạ. Bởi suy cho cùng không ai nghĩ trái mít có mức giá rất cao như hiện nay, có lúc lên đến hơn 50.000 đồng/kg.

A A

Giờ đây đi đâu, nhất là ở vùng trọng điểm trồng mít như huyện Cai Lậy, Cái Bè, chúng ta cũng nghe bàn tán về giá mít và người người đang đổ xô trồng mít. Chúng tôi gặp cụ ông đã 95 tuổi nhưng còn rất minh mẫn, người xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè. Ông nói vui với chúng tôi rằng, đi gần hết cả một thế kỷ, ông mới thấy mít có giá cao đến mức như thế.

Mít đang có giá rất cao.

Nhu cầu tiêu thụ tăng cao, nhất là thị trường Trung Quốc, đã đẩy giá mít leo thang từng ngày cũng là điều dễ hiểu của kinh tế thị trường và là câu chuyện thường của ngành Nông nghiệp. Chỉ trong thời gian ngắn, từ chỗ ít người biết đến, mít đã ghi tên vào danh sách các loại trái cây xuất khẩu của Việt Nam.

Thống kê về giá trị xuất khẩu rau quả trong năm 2017 cho thấy, mít đã mang về trên 32 triệu USD, tăng gần 190% so với năm 2016 và chiếm 1,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Mít nhanh chóng chiếm giữ vị trí thứ 10 trong nhóm các loại trái cây xuất khẩu chủ lực của cả nước. Tất nhiên, thanh long vẫn chiếm ngôi vị đầu bảng.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang là thị trường “cứu cánh” cho nông sản Việt Nam, nhất là đối với rau quả tươi, trong đó trái cây là chủ lực. Việc mít trở thành hiện tượng cũng nhờ vào sự góp sức đáng kể của thị trường này.

Số liệu về kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2018 của Bộ Công thương cũng cho thấy, dù chưa lọt vào nhóm hàng có giá trị xuất khẩu tỷ USD nhưng rau quả cũng đạt con số tới 604 triệu USD, tăng hơn 43%. Điểm đáng chú ý là Trung Quốc vẫn chiếm xấp xỉ 70% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Góp mặt vào sự tăng trưởng chung của ngành rau quả những tháng đầu năm 2018 vẫn là một số loại chủ lực như: Thanh Long, sầu riêng, nhãn… và tất nhiên là có cả mít. Nhưng Trung Quốc cũng là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hàng nông sản Việt Nam.

Nhìn một cách tổng thể, giá trái cây nói riêng và nông sản nói chung giữ ở mức cao là điều đáng mừng bởi nó sẽ góp phần cho ngành Nông nghiệp phát triển, cải thiện đời sống cho nông dân, nhất là đối với một tỉnh đa phần người dân làm nông nghiệp như Tiền Giang.

Tuy nhiên, với “hiện tượng” giá cao như mít vừa qua cũng để lại nhiều điều đáng phải suy nghĩ. Điều dễ dàng nhận thấy là người dân sẽ đổ xô đi trồng mít. Hệ quả là ngoài việc sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu và nguy cơ đốn bỏ thì mất mùa do sâu bệnh cũng đang hiển hiện trước mắt.

Bởi theo phân tích và dự báo của các nhà chuyên môn, trước đây mít dễ trồng, ít sâu bệnh, còn hiện nay mít Thái rất dễ xuất hiện các loại sâu và nấm bệnh như: Sâu đục thân, sâu đục cành, sâu đục trái và nấm gây thối trái.

Câu chuyện như thế không còn mới đối với ngành Nông nghiệp. Việc đổ xô trồng mít Thái có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu tương tự một số cây trồng khác mà nhiều người đã từng chứng kiến như: Nhãn, khoai lang tím Nhật, hành tím…

Câu chuyện làm theo phong trào dường như chưa dừng lại đối với cây mít mà còn diễn ra đối với thanh long, sầu riêng, bưởi da xanh…Chúng ta đã nhiều lần chứng kiến vòng “luẩn quẩn” trồng - đốn các loại cây ăn trái trong ngành Nông nghiệp. Chính vì thế, một nền nông nghiệp “ăn chắc” chưa thực sự được đảm bảo cho người nông dân và nó đã để lại những hệ lụy rất lớn.

Diện tích trồng bưởi da xanh cũng tăng nhanh.

Trên bình diện tổng thể, thời gian gần đây, cùng với xu hướng chung, các nhà khoa học, nhà chuyên môn trong ngành Nông nghiệp đang bàn đến phương án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và hướng đến một nền nông nghiệp tiệm cận 4.0.

Chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Tiền Giang đã và đang được triển khai và chờ những kết quả bước đầu. Còn nông nghiệp 4.0 được hiểu một cách nôm na là ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào nông nghiệp thông qua các thiết bị chính xác, kết nối vạn vật (IoT), cảm biến, định vị toàn cầu, quản lý dữ liệu lớn (Big data)… tạo điều kiện cho nông dân tăng thêm giá trị dưới dạng đưa ra được những quyết định khai thác, quản lý hiệu quả hơn.

Hay việc áp dụng hệ thống thông tin quản lý, đáp ứng nhu cầu thu thập, xử lý và lưu giữ, cung cấp dữ liệu cần thiết để thực hiện những chức năng của trang trại. Đó là xu hướng chung và rất cần thiết.

Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra, nhiều người nghĩ rằng chỉ cần một nền nông nghiệp “ăn chắc”, tránh được xu hướng “phong trào”, đảm bảo thu nhập một cách bền vững cho nông dân cũng là điều đáng mừng trước khi chú trọng vào nền nông nghiệp tiệm cận 4.0. Nhưng đó lại là câu chuyện dài và khó khăn.

Theo ANH PHƯƠNG (Báo Ấp Bắc)