Nghĩa tình Việt Nam với cách mạng Campuchia

06/01/2019 - 09:24

Cách đây 40 năm, ngày 7-1-1979, Thủ đô Phnôm Pênh được hoàn toàn giải phóng, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia do ông Heng Samrin làm Chủ tịch được thành lập và nước Cộng hoà nhân dân Campuchia ra đời, mở đầu cho sự hồi sinh trên đất nước Chùa Tháp. Đây là sự kiện lịch sử hết sức trọng đại của dân tộc Campuchia; là kết quả đấu tranh kiên cường của lực lượng cách mạng chân chính Campuchia và sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình, vô tư, trong sáng - một nghĩa cử quốc tế vô cùng cao đẹp của Quân tình nguyện Việt Nam.


Cùng với lực lượng cách mạng Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh khỏi chế độ độc tài Pol Pot trưa 7-1-1979 - Ảnh: TLTT

Sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình

Sau chiến thắng của nhân dân Campuchia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (ngày 17-4-1975), chính quyền Khơme Đỏ được thành lập do Pôn Pốt và Iêng Xari đứng đầu. Song từ đây, “Nhà nước Campuchia dân chủ” đã không thiết lập nền hoà bình, phát triển đất nước mà thi hành một đường lối đối nội hết sức phản động. Với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan, Pôn Pốt - Iêng Xari thực thi chính sách thanh trừng nội bộ và diệt chủng đối với dân tộc Campuchia, gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng: đời sống xã hội bị đảo lộn, môi trường sống bị huỷ hoại, các giá trị văn hoá truyền thống bị xoá bỏ, hàng triệu người dân vô tội Campuchia bị giết hại dã man...

Đối với Việt Nam, một nước láng giềng đã từng kề vai, sát cánh giúp đỡ nhân dân Campuchia trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng “Nhà nước Campuchia dân chủ” đã ra sức kích động thù hằn dân tộc chống Việt Nam; coi Việt Nam là kẻ thù truyền kiếp. Pôn Pốt từng nói sẽ đánh Việt Nam lâu dài 10, 15, 20 năm và ngày 1-8-1978, tuyên bố trên đài phát thanh Phnôm Pênh: “Trong đời tôi, tôi hy vọng giải phóng Sài Gòn”. Trắng trợn hơn, tập đoàn Pôn Pốt đã chỉ huy quân đội mở các cuộc hành quân khiêu khích, lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam. Ngày 3-5-1975, chúng đánh chiếm đảo Phú Quốc, ngày 10-5 chiếm đảo Thổ Chu. Tiếp đó, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam dọc biên giới từ Hà Tiên đến Tây Ninh. Đặc biệt, từ tháng 4-1977 đến tháng 12-1978, chúng liên tiếp mở các cuộc hành quân lớn xâm phạm biên giới và biến các xung đột thành cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam của Việt Nam, gây ra nhiều tội ác dã man đối với nhân dân Việt Nam ở vùng biên giới...

Trước âm mưu, hành động ấy, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần chủ động đề nghị phía Campuchia dân chủ đàm phán để giải quyết xung đột bằng con đường hoà bình. Nhưng mọi thiện chí của phía Việt Nam đều bị chính quyền Khơme Đỏ khước từ.

Để giải quyết tình hình, ngày 15-6-1978, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương họp bàn về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam; trong đó, xác định nhiệm vụ, mục tiêu của lực lượng vũ trang lúc này là: “Tiêu diệt và làm tan rã cho được một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đánh gãy xương sống của tập đoàn phản động Campuchia; tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Campuchia chân chính phát triển về mọi mặt, tiến lên đánh đổ tập đoàn phản động cầm quyền, bảo vệ độc lập, chủ quyền và chủ nghĩa xã hội ở Campuchia”(1).

Tiếp đó, ngày 27-7-1978, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ tư khoá IV ra Nghị quyết về vấn đề Việt Nam - Campuchia; trong đó, chỉ rõ nhiệm vụ của lực lượng vũ trang là: “Phải tiếp tục quán triệt và thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng kinh tế, nhiệm vụ hàng đầu là sẵn sàng chiến đấu, trước mắt là phải cùng nhân dân chiến thắng cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam...; phối hợp với lực lượng cách mạng Campuchia xoá bỏ nguồn gốc trực tiếp của chiến tranh, đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, giúp nhân dân Campuchia làm lại cuộc cách mạng”(2).

Để đẩy mạnh giúp đỡ lực lượng cách mạng chân chính Campuchia giải phóng đất nước, ngày 5-12-1978, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương họp, thông qua “Kế hoạch sẵn sàng chiến đấu của Bộ Tổng Tham mưu”; trong đó, xác định rõ yêu cầu: Kiên quyết đánh bại âm mưu xâm lược, chia rẽ, làm suy yếu Việt Nam, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; đánh đổ tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari, thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp Campuchia làm lại cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Hội nghị nhấn mạnh: theo yêu cầu của lực lượng cách mạng Campuchia, Việt Nam sẵn sàng phương án hỗ trợ các lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia nổi dậy đánh đổ tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari, giành chính quyền về tay nhân dân. Ở Campuchia, cuối tháng 11, đầu tháng 12-1978, kết hợp chặt chẽ với đòn tiến công của quân dân Việt Nam trừng trị quân Pôn Pốt xâm lấn biên giới Tây Nam, các lực lượng yêu nước Campuchia đã kịp thời phát động nhân dân đứng lên cứu nước, khắp từ thành thị đến nông thôn và giành nhiều thắng lợi. Đặc biệt, ngày 2-12- 1978, tại Snoul (trong vùng giải phóng Campuchia), Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập. Mặt trận đã hiệu triệu toàn thể nhân dân Campuchia đứng lên đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari, xây dựng lại đất nước; đồng thời, kêu gọi các nước trên thế giới, đặc biệt là khẩn thiết đề nghị Nhà nước và nhân dân Việt Nam giúp đỡ để nhân dân Campuchia sớm thoát khỏi hoạ diệt chủng.

Chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước ta và đáp ứng yêu cầu khẩn thiết của nhân dân và Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, ngày 23-12-1978, các đơn vị chủ lực Việt Nam đã mở cuộc phản công quét sạch lực lượng địch khỏi lãnh thổ Việt Nam, tiêu diệt khối chủ lực tập trung của Khơme Đỏ, hỗ trợ các lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia tiến công giành quyền làm chủ đất nước. Đến ngày 30-12-1978, bộ đội Việt Nam đã đập tan cuộc tiến công của lực lượng Pôn Pốt vào lãnh thổ Việt Nam dọc tuyến biên giới Tây Nam; phá vỡ hoàn toàn tuyến phòng ngự cơ bản của địch, giải phóng một số tỉnh miền Đông của Campuchia, sau đó nhanh chóng chuyển sang tiến công. Phối hợp chặt chẽ với các hoạt động quân sự của quân đội Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia kịp thời phát động toàn dân tận dụng thời cơ và sự giúp đỡ của bộ đội Việt Nam, tập trung lực lượng đứng lên đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giành chính quyền.

Được sự giúp đỡ của lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia, với tốc độ tiến công thần tốc, Quân tình nguyện Việt Nam đã nhanh chóng đánh tan 23 sư đoàn Pôn Pốt, giải phóng tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn trên cả nước Campuchia, cứu nhân dân đất nước Chùa Tháp thoát khỏi thảm họa diệt chủng. 17 giờ, ngày 7-1-1979, Thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng hoàn toàn.

Sau thắng lợi quan trọng này, ngày 8-1-1979, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập. Ngày 10-1-1979, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia tuyên bố xoá bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari, thành lập nước Cộng hoà nhân dân Campuchia. Tuy nhiên, trước sức tiến công của Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng cách mạng Campuchia, tàn quân Pôn Pốt tan vỡ chạy về biên giới phía Tây và một số vùng rừng núi, dựa vào sự giúp đỡ bên ngoài, đã dần tập hợp lại lực lượng, tổ chức phản kích, khủng bố nhân dân rất tàn bạo, đe doạ nền hoà bình của đất nước. Trước tình hình đó, Nhà nước Cộng hòa nhân dân Campuchia thể theo nguyện vọng nhân dân, chính thức đề nghị Chính phủ Việt Nam để Quân tình nguyện ở lại giúp Bạn một thời gian. Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã nghiêm túc chấp hành quyết định của Đảng và Nhà nước ta ở lại, tích cực giúp nhân dân Campuchia xây dựng lại cuộc sống, xây dựng lực lượng tự bảo vệ thành quả cách mạng.

Trên mọi miền đất nước Campuchia, Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã hòa mình, gắn bó giúp nhân dân Campuchia anh em thực hiện một cuộc hồi sinh dân tộc vĩ đại, từng bước khắc phục những hậu quả khủng khiếp, sự tàn phá đảo lộn mà chế độ Pôn Pốt đã gây ra. Đồng thời, tích cực giúp đỡ Bạn xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng. Từ 21 tiểu đoàn được xây dựng ban đầu, với sự giúp đỡ của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam, trên cơ sở phong trào quần chúng mạnh mẽ, Bạn đã nhanh chóng xây dựng được lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân, hệ thống cơ quan chỉ huy lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở. Lực lượng Bạn từng bước trưởng thành, dần dần tự đảm đương nhiệm vụ, là điều kiện cơ bản để Quân tình nguyện Việt Nam hằng năm rút một bộ phận về nước. Năm 1989, lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia đã tự đảm đương toàn bộ nhiệm vụ bảo vệ đất nước, Quân tình nguyện cùng chuyên gia Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ và ngày 29-6-1989, những đơn vị cuối cùng đã rút về nước. Ở Thủ đô Phnôm Pênh và nhiều nơi khác, Nhà nước và nhân dân Campuchia đã tổ chức những lễ tiễn Quân tình nguyện Việt Nam hết sức trọng thể và thắm tình đoàn kết Việt Nam - Campuchia. Ngày Quân tình nguyện Việt Nam về nước, báo Prochiachuôn (Nhân dân) của Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia ra xã luận viết: “Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pôn Pốt, trên thế giới này không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu, nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi”.

Hơn mười năm ở lại giúp Bạn, Quân tình nguyện Việt Nam đã vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và chuyên gia đã hy sinh xương máu cho sự hồi sinh của đất nước Chùa Tháp; thể hiện phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trên đất Bạn; hoàn thành nghĩa vụ vẻ vang, giúp đỡ Bạn chí nghĩa, chí tình, vô tư với một nghĩa cử quốc tế vô cùng trong sáng, đã góp phần bồi đắp thêm tình đoàn kết hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.

Sáng 2-5-1983, người dân thủ đô Phnom Penh lưu luyến tiễn đưa cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4-Binh đoàn Cửu Long quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường về nước. (Nguồn: TTXVN)

Sự thật vẫn là sự thật!

Trái với sự thật lịch sử, ngay từ khi Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giúp cách mạng Campuchia, các thế lực thù địch đã trắng trợn phủ nhận nghĩa cử quốc tế trong sáng, cao đẹp, sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình và lớn tiếng vu cáo Việt Nam xâm lược Campuchia; đồng thời, thực hiện xiết chặt bao vây cấm vận toàn diện, gây ra nhiều khó khăn cho cách mạng Việt Nam; ra điều kiện Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia mới xem xét việc dỡ bỏ bao vây cấm vận. Cũng từ đó đến nay, các thế lực đối lập ở Campuchia vẫn tiếp tục tung ra những luận điệu hết sức phản động nguy hiểm rằng Việt Nam xâm lược và chiếm đất của Campuchia. Mục đích của chúng vẫn là nhằm phá hoại tình đoàn kết hữu nghị, truyền thống tốt đẹp, kích động gây hằn thù giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia. Đặc biệt, ngày 16-11-2018 vừa qua, trước Toà án quốc tế do Liên hợp quốc hậu thuẫn xét xử tội ác diệt chủng của các cựu thủ lĩnh Khơme Đỏ, Khiêu Samphon (một trong những cựu thủ lĩnh của Khơme Đỏ) tiếp tục chối tội, đổi trắng thay đen, vu cáo Việt Nam xâm lược và giết hại nhân dân Campuchia.

Sự thật vẫn là sự thật, sự thật lịch sử đã bác bỏ mọi điều bịa đặt, vu cáo! Sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình, vô tư, trong sáng, toàn tâm, toàn ý của Quân tình nguyện Việt Nam đã được chính nhân dân Campuchia khẳng định: sự có mặt của Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia là niềm hy vọng duy nhất của người dân Campuchia. Quốc vương Xihanúc đã từng nói: “Nếu họ (Việt Nam) không đánh đuổi bọn Pôn Pốt thì tất cả mọi người (Campuchia) có thể đã bị chết. Chúng (Khơme Đỏ) đã có thể giết chết tất cả chúng ta... chúng ta có thể nói rằng Đảng Nhân dân Campuchia đã không mắc sai lầm (khi đề nghị Việt Nam giúp đỡ chống Khơme Đỏ), bởi vì nếu chúng ta không được giải phóng khỏi bọn Pôn Pốt thì toàn dân tộc có thể đã bị tiêu diệt”(4).

Nghiên cứu, trao đổi về Việt Nam, tại Hội thảo quốc tế “Việt Nam trong thế kỷ XX” ở Hà Nội, ngày 20-9-2000, tiến sĩ Chay y Hiêng - Cố vấn Chính phủ Hoàng gia Campuchia, đã khẳng định: “Điều gì còn đọng lại trong trái tim người dân Campuchia về Việt Nam trong thế kỷ XX? Đó là lòng biết ơn, đó là tình hữu nghị, là hình ảnh về một đội quân nhà Phật từ cõi thiện xa xôi đến cứu giúp nhân dân Campuchia”.

Nêu cao truyền thống, đạo lý của dân tộc Việt Nam trước sự sống còn của dân tộc Campuchia anh em, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, theo đề nghị của Bạn, Việt Nam đã cử bộ đội tình nguyện hai lần sang làm nhiệm vụ quốc tế, sát cánh cùng nhân dân và quân đội Campuchia chiến đấu chống kẻ thù chung, giành độc lập dân tộc. Lần thứ ba, Quân tình nguyện Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia trong bối cảnh hoàn toàn khác, đó là “không phải chiến đấu chống quân xâm lược mà giúp nhân dân nước Bạn thoát khỏi họa diệt chủng”. Đây cũng là những hành động thể hiện sự quán triệt sâu sắc chủ trương đoàn kết quốc tế của Đảng và tư tưởng “giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình”(6) của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen cắt băng khánh thành cầu Long Bình - Chrey Thom. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

40 năm - sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình, vô tư - nghĩa cử quốc tế vô cùng cao đẹp của Quân tình nguyện Việt Nam đối với đất nước Chùa Tháp vẫn tồn tại với thời gian; và chính thời gian đã làm cho nghĩa cử quốc tế ấy ngày càng thêm trong sáng, sâu sắc và bền vững; tiếp tục định hướng cho quá trình xây dựng, củng cố ngày càng thêm bền chặt quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia trên con đường phát triển vì sự phồn vinh của cả hai dân tộc.

Theo PGS.TS. NGUYỄN XUÂN TÚ (Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 1-2019)

______________________________________

(1) Báo cáo chuyên đề về chiến tranh biên giới Tây Nam, Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng. (2) Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư về tình hình nhiệm vụ mới, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

(3) Tuyên bố của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

(4) Báo Campuchia, ngày 8-9- 1995.

(5) Đỗ Văn Ngoan: Không thể phủ nhận nghĩa vụ quốc tế của Quân đội nhân dân Việt Nam, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 4 - 2013.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, xuất bản lần thứ 3, H, 2011, t.8, tr.105.