Ngọt lòng dây sương sâm!

25/01/2019 - 07:32

 - Sương sâm - loại cây thuộc họ dây leo có sức sống bền bỉ. Từ lâu, bà con vùng quê Định Mỹ (Thoại Sơn) đã gắn bó với sương sâm như người bạn thân thiết. Bởi, loại cây quê ấy không chỉ góp thêm màu xanh, “tắm mát” lòng người những trưa hè oi ả mà còn tạo nên nguồn thu nhập ổn định cho những người bám trụ lâu năm với nó.

“Nhà tôi nằm nép giữa vườn sương sâm xanh ngắt, những buổi trưa hè nắng gắt, việc yêu thích nhất của tôi là đi giữa 2 hàng dây sâm, nhẹ nhàng hái lá giao cho bạn hàng, cảm giác rất bình yên” - ông Nguyễn Thanh Sơn (sinh năm 1961, ngụ ấp Phú Hữu, xã Định Mỹ, Thoại Sơn) chia sẻ. Cảm giác bình dị ấy chúng tôi cảm nhận rất rõ qua nụ cười hồn hậu của ông Sơn. Dẫu không tỏa hương thơm ngát hay màu sắc sặc sỡ như nhiều loại cây trồng khác nhưng sương sâm mang đến “vị ngọt” rất dân dã mỗi khi thưởng thức. Vị ngọt ấy còn nói lên tình cảm giữa cây và người. Dẫu cây có mộc mạc nhưng lòng người vẫn thủy chung, ngược lại, cây cũng không… phụ lòng người.

Sương sâm gắn bó lâu năm với người dân xã Định Mỹ

“Tôi gắn bó với sương sâm gần 7 năm! Lúc đầu, chỉ trồng theo phong trào vì thấy hàng xóm trồng hiệu quả. Lâu dần, nó trở thành loại cây chủ lực nuôi sống gia đình lúc nào không hay. Tính luôn chi phí mua cây giống và làm giàn vững chắc (cây bạch đằng), tôi tốn khoảng 10 triệu đồng. Từ đó đến nay, chưa phải tốn thêm khoản chi phí nào cho việc trồng sương sâm. Sau 4 tháng, dây sâm đã phát triển xanh tốt, leo giàn xanh mơn mởn. Đó cũng là lúc bắt đầu thu hoạch lá sâm. Hầu như ngày nào tôi cũng có sâm để bán. Trung bình 1 ngày tôi hái được khoảng 20kg lá sâm bán cho bạn hàng với giá 18.000 đồng/kg”- ông Sơn bộc bạch. 

Theo những người trồng sương sâm lâu năm trên vùng đất này, cây sương sâm rất dễ trồng, nhẹ công chăm sóc. Khi cây leo giàn, chỉ cần đảm bảo đủ lượng nước, lá lúc nào cũng xanh tươi. Có điều, loại cây này chủ yếu bị rầy đeo, đỏ lá, chỉ cần thăm vườn, phát hiện kịp thời sẽ ngăn chặn được. Có dịp chạy dọc đoạn đường thuộc ấp Phú Hữu (xã Định Mỹ), người đi đường dễ dàng bắt gặp những rẫy sương sâm bạt ngàn. Ở đây, một số bà con còn hái lá để bày bán trước sân nhà mình, vừa giúp bà con kiếm thêm thu nhập, vừa tạo nên nét đẹp rất riêng cho vùng đất và con người nơi đây. “Mỗi lần đi công tác ngang đây, tôi không cưỡng nổi sự hấp dẫn, vẫy gọi của những lá sâm. Lần nào, tôi cũng mua 1-2kg sâm mang về ăn. Có khi làm quà tặng bà con, bạn bè. Theo tôi, giá bán 30.000 đồng/kg là vừa túi tiền của mọi người. Còn gì bằng những trưa nóng bức, được thưởng thức ly sâm do chính tay mình vò. Muốn ăn ngon hơn thì dùng chung với nước cốt dừa, đập ít nước đá, vài muỗng đường phèn. Ly sâm chỉ cần có thế đã ngon ngất ngây, đọng lại hương vị rất khó quên” - chị Linh Phượng (26 tuổi, ngụ huyện Châu Thành) cảm nhận.

Ở xóm trồng sương sâm này, bà con gắn bó với loại cây họ dây leo này nhiều cũng 6-7 năm, ít thì vài năm. “Tôi bán lá sâm khoảng 7 năm. Ngoài hái lá do mình tự trồng, tôi còn thu mua thêm của hàng xóm. Mỗi ngày, tôi bán khoảng 5kg lá sâm với giá từ 25.000-30.000 đồng/kg. Khách mua không chỉ là người địa phương mà còn có cả khách du lịch, vãng lai. Dù trồng rất ít, khoảng 10 hàng sương sâm nhưng đều đặn mỗi ngày tôi vẫn có đủ lá sâm để bán. Nhờ nghề này, tôi có thêm “đồng ra đồng vô” giúp ổn định cuộc sống. Thấy cây sương sâm quê mình được nhiều người biết và ưa dùng, tôi vui và tự hào lắm”- bà Hà Thị Thum (sinh năm 1960, ngụ ấp Phú Hữu) bộc bạch. Ngoài việc được sử dụng để chế biến một số món ăn thì thân lá và rễ của sương sâm đều có tác dụng như: giảm cân, giải nhiệt, tốt cho phụ nữ mang thai, nhuận tràng, giải độc… lá càng xanh đậm càng tốt, khi vò sẽ cho ra sương sâm ngon hơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Định Mỹ Nguyễn Văn Đựng, diện tích bà con trồng sương sâm hiện khoảng 2,9ha, tập trung ở ấp Phú Hữu và Mỹ Phú, giá bán ổn định từ 25.000-30.000 đồng/kg. Người dân trồng chủ yếu trên đất vườn tạp hoặc tận dụng khoảng trống quanh nhà. Loài cây này mang lại thu nhập khá ổn định cho người trồng.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN