Người dân Lào tưng bừng vui đón Tết cổ truyền dân tộc

14/04/2018 - 19:44

Theo phóng viên tại Viêng Chăn, sáng 14-4, người dân trên khắp đất nước Triệu Voi đã bắt đầu các hoạt động vui đón tết cổ truyền dân tộc, còn gọi là Bun Hốt Nặm (Hội Té nước) hay Bun Pi May (Hội Năm mới), với nhiều hoạt động mang đặc trưng của Tết Lào như tắm tượng, đi chùa cầu may, rước Nang Sangkhane (Nàng Chúa Xuân) và té nước, một hoạt động không thể thiếu trong Tết cổ truyền của Lào với ước mong nước về cho cuộc sống sinh sôi, đâm chồi nảy lộc, hạnh phúc, ấm no.

Người dân thực hiện nghi thức tắm Phật, một trong những hoạt động tôn giáo không thể thiếu trong Bun Pi May. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Theo truyền thống, Tết Lào diễn ra trong suốt tháng thứ năm Phật lịch, bắt đầu từ ngày thứ sáu của tháng thứ năm và kết thúc vào ngày thứ năm của tháng thứ sáu. Năm nay nếu tính theo Dương lịch, Tết Lào rơi vào ngày 14-15 đến 16-4. 

Vào ngày đầu tiên của Tết Lào, cũng là ngày cuối cùng của năm cũ, buổi sáng người dân quét dọn, lau chùi nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị nước thơm và hoa. Nước thơm được làm từ một hỗn hợp gồm nước, nghệ, bồ kết nướng, hoa Khun (Muồng Hoàng Yến), hoa Champa (hoa Đại) và dầu thơm… 

Vào buổi trưa, người dân bắt đầu đi chùa để thực hiện nghi thức tắm Phật, buộc chỉ cổ tay cầu phúc. Theo quan niệm của người Lào, Tết đến nên đi càng nhiều chùa càng tốt, ít nhất cũng phải đi được 9 chùa. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại đem về nhà để sức vào người làm phước. Người dân còn té nước vào các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa. Để tỏ lòng tôn kính, người trẻ tuổi té nước những người lớn tuổi cầu chúc sống lâu và thịnh vượng. 

Du khách nước ngoài tận hưởng không khí tết cổ truyền Lào tại Viêng Chăn. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tục té nước ngày Tết cổ truyền Bun Pi May của Lào còn có nét đặc trưng là trong những ngày này không kể dù lạ hay quen, dù có hay không có địa vị trong xã hội, mọi vị khách đều được gia chủ tiếp đón ân cần như nhau và được thể hiện sự quý trọng bằng những gầu nước dội lên khắp người khi đến thăm. Mọi người không chỉ té nước vào nhau mà còn té vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất để gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, mạnh khỏe. 

Tại thủ đô Viêng Chăn, sau 2h chiều là bắt đầu nghi thức rước Nang Sangkhane (Nàng Chúa Xuân), một trong những sự kiện tâm linh được tổ chức rất đậm nét văn hóa nhưng cũng hết sức vui nhộn, thu hút được rất đông du khách cả trong và ngoài nước. 

Năm nay, khi lễ rước Nang Sangkhane còn chưa kết thúc thì Hội té nước, hoạt động vui nhất trong Bun Pi May của Lào đã bắt đầu. Trên các tuyến phố, từng đoàn xe bán tải chở đầy người mặc những bộ quần áo lanh sặc sỡ với những thùng nước to đi hắt vào bất cứ vật nào trên đường. 

Trong khi đó, ở ven đường, từng đám đông cả du khách và người địa phương reo hò, nhảy múa trong tiếng nhạc chát chúa và sử dụng mọi thứ có thể chứa được nước để ném, hắt, phun nước vào nhau và vào bất cứ ai đi qua trước mặt một cách hết sức vui vẻ và thoải mái. Mặc dù bị ướt sũng nhưng ai cũng cảm thấy hạnh phúc vì tin rằng càng được hắt nhiều nước, họ càng gặp nhiều niềm vui và may mắn. 

Hội Bun Pi May năm nay diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Lào lấy năm 2018 làm Năm Du lịch Lào, với nhiều hoạt động sôi nổi, đậm đà bản sắc dân tộc được tổ chức trên khắp cả nước nhằm thu hút du khách. 

Năm 2018, Lào đặt mục tiêu sẽ thu hút 5 triệu lượt khách quốc tế, một con số rất lớn nếu biết rằng dân số Lào chỉ chưa tới 6,5 triệu người.

Theo TTXVN