Người dân ở Hậu Giang không chịu di dời khỏi vùng sạt lở

05/01/2018 - 08:43

Mỗi năm tỉnh Hậu Giang xảy ra hàng chục vụ sạt lở bờ sông nhưng nhiều hộ dân ở đây vẫn bám trụ không đi dù chính quyền địa phương nhiều lần vận động.

A A

Những năm gần đây, mỗi năm tỉnh Hậu Giang xảy ra hàng chục vụ sạt lở bờ sông.

Trước thực trạng trên, để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo chính quyền địa phương tiến hành di dời dân ra khỏi những khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Tuy nhiên công tác này thời gian qua vẫn còn lắm nhiêu khê do thiếu kinh phí và điều đáng nói hơn là có nhiều hộ chưa tự giác chấp hành việc di dời.

Người dân ở Hậu Giang không chịu di dời khỏi vùng sạt lở

Sạt lở tại Thị trấn Mái dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang

Cách đây khoảng 20 ngày, tại khu vực ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm xảy ra sạt lở, sụt lún bờ sông Cái Côn.

Tại khu vực sạt lở đất bị nứt, sụt lún, sạt ra ngoài khu vực cọc bao với chiều dài hơn 27m, rộng 10m, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nhà dân nơi đây.

Biết là nguy hiểm khi sống tại khu vực sạt này nhưng nhiều hộ dân nơi đây vẫn bám trụ không đi dù chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động. 

Người dân ở Hậu Giang không chịu di dời khỏi vùng sạt lở

Mặc dù đã kè chắn nhưng sụt lún, sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra

Bà Trịnh Thị Ngọc Bích- một hộ dân sống nơi đây cho biết: “Sợ thì sợ chứ ráng, tại mình sống ở đây lâu rồi, quê của mình mà, ở đây quen rồi”.

Có nhiều lý do mà người dân đưa ra để tránh né việc di dời, trong đó phần lớn đều cho rằng đến nơi ở mới sẽ gặp khó khăn trong việc sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy nhiều hộ kiên quyết không đến nơi an toàn, có hộ trước đây đã nhận đất ở khu dân cư vượt lũ để di dời nhưng sau đó đề nghị trả lại để tiếp tục sinh sống tại nơi sạt lở.  

Người dân ở Hậu Giang không chịu di dời khỏi vùng sạt lở

Sạt lở nguy hiểm nhưng người dân vẫn không di dời

Theo ông Đoàn Văn Son - Chủ trại cưa Sáu Thum ở ấp Phú Thạnh, mặc dù gia đình đã bị ảnh hưởng sạt lở nhiều lần nhưng ông kiên quyết không di dời đến nơi ở mới.

“Ở đây còn bao nhiêu làm bấy nhiêu, hết thì thôi bỏ. Đi đâu nữa bây giờ. Làm ăn chỗ khác thì nó thất thoát nhiều lắm. Tôi quen biết ai đâu mà làm ăn”, ông Son giãy bày.

Theo ông Trần Thanh Phong- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm: Năm nào địa phương cũng xảy ra sạt lở nhất là ở  khu vực ấp Phú Thạnh ven sông Cái Côn do nơi đây bị ảnh hưởng của dòng chảy từ Phụng Hiệp đổ ra và từ sông Hậu đổ vào.

Chỉ tính trong 5 tháng qua, khu vực này đã xảy ra 2 lần sạt lở với tổng chiều dài gần 100 mét, ăn sâu gần 20 mét.

Mặc dù thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã đầu tư kinh phí làm kè tạm nhưng tình hình sạt lở trong thời gian tới chắc chắn sẽ còn tiếp diễn.

Trước thực trạng này, địa phương đang tiếp tục vận động người dân đến nơi ở mới, nếu thời gian tới hộ nào không chấp hành thì sẽ có biện pháp mạnh. 

Người dân ở Hậu Giang không chịu di dời khỏi vùng sạt lở

Hậu Giang hiện có hơn 100 điểm  có nguy cơ sạt lở cao.

"Hướng của địa phương trong thời gian này là quyết tâm khắc phục, quyết tâm vận động người dân di dời khỏi khu sạt lở. Cái này là quyết tâm của địa phương, dùng mọi biện pháp để buộc họ đi ra khỏi vùng sạt lở để đảm bảo tài sản và tính mạng”, ông Phong cho biết.

Theo thống kê, mỗi năm tỉnh Hậu Giang xảy ra hàng chục vụ sạt lở đất bờ sông, những năm gần đây có năm xảy ra hơn 50 vụ sạt lở. Qua kiểm tra, khảo sát hiện toàn tỉnh có hơn 100 điểm có nguy cơ sạt lở, với chiều dài gần 7 km, tập trung nhiều trên các tuyến sông như: Cái Côn, Mái Dầm, Cái Dầu, Ngã Sáu….với hàng ngàn hộ bị ảnh hưởng. 

Ngoài việc tìm nguồn kinh phí để chống sạt lở, các ban ngành hữu quan ở tỉnh Hậu Giang cũng cần tập trung tuyên truyền để người dân ở nơi sạt lở nhận thức rõ sự nguy hiểm khi sạt lở xảy ra, từ đó có ý thức tự giác di dời, nhất là phải có những biện pháp kiên quyết hơn nữa đối với những hộ không chấp hành việc di dời ra khỏi nơi có nguy cơ sạt lở cao.

Theo TẤN PHONG (VOV)