Người đứng đầu Chính phủ có trách nhiệm trước Dân, trước Đảng

20/03/2018 - 08:35

Giữa năm 1997, trước khi ông Phan Văn Khải được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ, tôi có dịp tháp tùng Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười dẫn đầu thăm hai nước New Zealand và Australia. Lúc ấy ông Phan Văn Khải là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tại buổi họp mặt truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Lịch hoạt động của đoàn dày đặc. Là nhà báo theo đoàn, dường như chúng tôi không có thời gian để “thở”. Nhiều ngày dù có mặt trong các hoạt động đối ngoại gắn với các cuộc chiêu đãi, tiệc tùng sang trọng, nhưng chúng tôi phải nhịn đói, tác nghiệp xong thì “xơi” mì gói mang theo. Buổi chiều nọ, tại một khu du lịch thơ mộng bên bờ biển Australia, chúng tôi có cuộc thả bộ thư giãn. Vốn đã từng có mặt tại miền Bắc từ sau Hiệp định Genève về Đông Dương (1954) và từ năm 1989 ra Hà Nội đảm đương các trọng trách khác nhau của Chính phủ, ông Phan Văn Khải (tên thường gọi là ông Sáu) vẫn đậm đặc phong cách Nam bộ, đặc biệt cốt cách của người gốc Củ Chi - chân chất, thẳng thắn và có đôi chút hài hước: “Chúng tớ đã mệt, xem chừng mấy ông nhà báo còn mệt hơn, làm việc thâu đêm...”. 

Gần ông Sáu từ dịp ông còn làm lãnh đạo TPHCM, tôi hiểu được sự chia sẻ của ông. Trước chuyến đi này, ông Sáu là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; được Tổng Bí thư Đỗ Mười giao nhiệm vụ đứng đầu nhóm soạn thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2000 trình Đại hội Đảng toàn quốc. Vì thế việc tháp tùng Tổng Bí thư trong chuyến công du các nước phát triển lần này đối với ông Sáu là sự trải nghiệm đầy ý nghĩa. Khi dạo chơi bên bờ biển, ông Sáu chia sẻ với các nhà báo những dự án và khát vọng để đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước, theo hướng hội nhập và phát triển. “Học bạn bè là việc không thể đừng lúc này. Học cái tinh hoa, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của đất nước ta. Còn phải giữ cho được bản sắc, nhất là bản sắc văn hóa của dân tộc” - ông Sáu Khải nói. 

Sau này, thời gian mới cho tôi ngộ ra. Rõ ràng những tư tưởng, quan điểm cơ bản trong dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời ấy là cơ sở để Đảng ta định ra đường lối kinh tế - nền kinh tế  thị trường, định hướng XHCN và đường lối đối ngoại “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, vì mục tiêu hòa bình, độc lập và phát triển”...

Khi ông Sáu đảm nhiệm trọng trách Thủ tướng Chính phủ cũng là lúc Việt Nam hội nhập sâu vào thế giới. Ông Sáu là Thủ tướng đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất được cử sang thăm Hoa Kỳ. Có thể có những ý kiến đánh giá khác nhau về chuyến đi ấy của ông, nhưng đại đa số đều thống nhất, ông đã làm tròn sứ mệnh; mở ra trang mới trong lịch sử quan hệ giữa hai nước vốn là đối tượng tác chiến một thời. Ông nắm chắc phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì cấp chiến lược. 

Ông Sáu đảm nhiệm trọng trách Thủ tướng Chính phủ gần 2 nhiệm kỳ. Chắc chắn phải có thêm thời gian nữa để đánh giá một cách toàn diện vai trò và sự đóng góp đối với  đất nước của ông. Nhưng ai cũng nhận ra, đó là một người đứng đầu Chính phủ có trách nhiệm trước Dân, trước Đảng. Người ta chưa quên câu nói cửa miệng của ông Sáu: “Nuôi con gì, trồng cây gì để người dân thoát nghèo?”. Và đặc biệt, khi từ nhiệm chức danh Thủ tướng trước thời hạn quy định của pháp luật, ông Sáu đã không ngần ngại nhận khuyết điểm trước Đảng, trước dân. Ông nói: “Để tham nhũng nghiêm trọng, tôi xin nhận lỗi trước nhân dân”. Và ông không né tránh, thẳng thắn nhìn nhận: “ Điều tôi trăn trở là một số mặt yếu kém về kinh tế - xã hội, về bộ máy công quyền, đã được nhận thức từ lâu, đã có nhiều chủ trương, biện pháp khắc phục nhưng sự chuyển biến rất chậm, thậm chí có mặt còn diễn biến xấu hơn...”. 

Thời gian là thước đo mọi giá trị.  Đến nay khi Đảng ta tiến hành mạnh mẽ cuộc đấu tranh chống tham nhũng; chống tự diễn biến, tự chuyển hóa, sự chân thành kiểm điểm của người đứng đầu Chính phủ Phan Văn Khải thời ấy vẫn còn nguyên giá trị, như lời cảnh báo với những ai đang được Đảng và nhân dân giao trọng trách. 

Trong công việc thì quyết liệt, mạnh mẽ, nhưng trong đời thường ông Sáu sống hết sức bình dị, gần gũi  mọi người. Tôi nhớ cách đây ít lâu khi ông vừa rời ghế Thủ tướng Chính phủ, có lần tôi gặp ông bên hành lang của một nhà hàng. Thấy ông ngồi một mình, tôi đến hỏi thăm thì ông bảo đi dự đám cưới cháu một người bạn học cũ và đang chờ các bạn đến để cùng vào. 

Gần đây, khi sức khỏe còn có thể, tôi gặp ông dự đám giỗ ở nhà Đại tá Trần Công Lập (Ba Lương) - Anh hùng LLVTND, nguyên Trưởng phòng Quân lực Quân khu 7. Anh em ông Ba Lương là bạn học với ông Sáu từ thiếu thời. Hôm nay giỗ cha bạn, dù tuổi cao, sức yếu, ông Sáu vẫn đến thắp hương, chia sẻ với bạn bè. Vẫn giọng ấm áp, chân thành, pha chút hài hước, ông kể lại những kỷ niệm xưa như một ông già Nam bộ thực thụ...

Nay, theo quy luật của muôn đời, ông Sáu về với tổ tiên, gặp lại đồng đội một thời máu lửa. Dù biết chuyện ấy sẽ đến, nhưng những người thân yêu và những người từng được sống và làm việc bên ông không khỏi bàng hoàng, thương tiếc.
Bài viết này như nén tâm nhang tưởng nhớ một người con ưu tú của đất nước, của Củ Chi đất thép, của miền Nam thành đồng Tổ quốc! Kính cẩn vĩnh biệt Ông! 

Theo TRẦN THẾ TUYỂN (Sài Gòn Giải Phóng)