Người giữ dáng hình Tổ quốc qua những con tem

08/03/2019 - 10:02

 - Với lão nông Trần Hữu Huệ (TT. Núi Sập, Thoại Sơn), sưu tập tem không chỉ là thú vui tao nhã, mà nó còn giúp ông truyền dạy cho con cháu quê mình những giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước. “Qua từng con tem, tôi thấy ở đó dáng hình của Tổ quốc, những câu chuyện hào hùng của dân tộc, về chủ quyền lãnh thổ...”, ông Huệ nói.

Đến thị trấn Núi Sập, hỏi thăm nhà ông Trần Hữu Huệ  ai cũng  biết, bởi từ lâu giới chơi tem, cũng như người dân  xứ ông Thoại  đã phong cho lão nông miền Tây danh hiệu “vua tem”, do sở hữu nhiều bộ tem quý hiếm.

Ông Huệ đến với thú chơi tem từ năm học “đệ thất” (lớp 6) và đến nay, qua hơn 50 năm gắn bó với “nghiệp tem”, ông vẫn mang trong mình tình yêu tem một cách lạ kỳ.

“Lúc nhỏ, mỗi khi đi học, tôi hay đi sớm, để ghé qua UBND xã, rồi lân la đến văn phòng trường học, bưu điện xã… lục thùng rác tìm bì thư có dán tem hoặc đợi mỗi khi thấy có người đến lấy thư, xé xem nội dung, thì tiếp cận, xin bì thư dán những con tem "chết", để đưa vào bộ sưu tập, “vua tem” kể.

Đến khi đi bộ đội, ông Huệ thường viết thư cho bạn bè, gia đình. Mỗi lần nhận thư hồi âm, ông đều cất giữ các phong tem cẩn thận. Để bổ sung cho “kho” tem, ông còn tranh thủ xin tem thư của đồng đội chung tiểu đội…

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, xuất ngũ về quê, rồi lập gia đình, sinh sống bằng nghề nông, ông Huệ vẫn "tay cày, tay tem". Sau mỗi mùa thu hoạch lúa, ông đều “xin” vợ cho lúa, bán lấy tiền đi xe đò lên Sài Gòn mua tem mới.

Đến thời điểm hiện tại, lão nông 68 tuổi đã sưu tầm trên 200.000 con tem, được sắp xếp cẩn thận thành 60 bộ sưu tập theo quốc gia hoặc theo chủ đề, như: thuyền, hoa, bướm, thú rừng, tàu thủy, máy bay, phụ nữ Việt Nam, Việt Nam đất nước Anh hùng...

Trong đó, bộ sưu tập “Thế giới công nhận Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam” được ông Huệ trân quí nhất. Đối với “vua tem”, đây là bộ tem mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, bởi nó đã được Liên minh Bưu chính thế giới công nhận.

Tem Hoàng Sa và Trường Sa trong các bản đồ cổ

Trang trọng mở từng trang tem về biển đảo quê hương, ông Huệ cho biết: “bộ tem thể hiện một cách đầy đủ về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, trong đó con tem “Đội Hoàng Sa thế kỷ 17, 18” in hình chiếc thuyền buồm căng gió biển và người lính Đội Hoàng Sa lực lưỡng, tay cầm chèo, đánh bắt thủy hải sản, tay cầm tù và liên lạc với nhau trên các đảo.

Còn con tem “Hoàng Sa, Trường Sa trong các bản đồ cổ” thể hiện hình bản đồ đất nước Việt Nam, cùng vùng biển đảo và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Bên góc phải thân tem in cận cảnh 2 quần đảo và dòng chữ “Đại Nam nhất thống toàn đồ”, do Phan Huy Chú vẽ, chú thích vào năm Minh Mạng 1838…”.

“Với bộ sưu tập tem về Hoàng Sa và Trường Sa, tôi muốn góp phần cùng mọi người dân Việt Nam công bố với thế giới rằng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc...”, ông Huệ nói.

Để có được bộ sưu tập tem chủ đề “Thế giới công nhận Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam” qua con tem bưu chính, ông Huệ đã gửi hàng trăm bì thư có dán tem Hoàng Sa, Trường Sa đến hàng trăm nước trên thế giới, với mục đích lấy dấu nhật ấn của các nước.

Sự kiên trì của lão nông miền Tây đã được đền đáp, khi có 76 bì thư dán tem Hoàng Sa - Trường Sa, được chứng thực và dấu nhật ấn của 60 nước trên thế giới gửi về Thoại Sơn.

Ông Huệ tham gia Câu lạc bộ sưu tập tem cùng các em học sinh Trường THCS Núi Sập

Say mê con tem, ông Huệ đã đạt nhiều giải thưởng cao quý, như: huy chương Bạc triển lãm tem Châu Á, 1 huy chương bạc và 4 huy chương đồng triển lãm tem quốc gia, 1 huy chương vàng và hơn 40 huy chương bạc triển lãm tem ĐBSCL...

Tuy nhiên, điều ông tâm đắc nhất là việc “truyền lửa” được thú chơi tem cho những người trẻ ở quê mình, khi có nhiều thanh, thiếu niên cùng ông tham gia Chi hội tem huyện Thoại Sơn và Hội chơi tem Trường THCS Núi Sập.

Theo ông Huệ, mỗi lần sinh hoạt hội là dịp để ông giảng dạy cho con cháu những bài học làm người, đạo đức, lịch sử quê hương đất nước, những tấm gương anh hùng của tiền nhân…, được in ấn trên mặt tem, để nâng cao nhận thức và gợi mở tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc...

Ông Trần Hữu Huệ là người Việt Nam duy nhất còn lưu giữ con tem được xem là đắt giá nhất Việt Nam, với nội dung Bác Hồ ở Liên khu 5 (ấn hành năm 1954). Bộ tem này phát hành khoảng 1.000 con, chủ yếu lưu hành ở Huế và các tỉnh ven Trung bộ.

Năm 1959, chính quyền Ngô Đình Diệm thông báo: “ai lưu giữ con tem có ảnh Bác Hồ, thì phải giao nộp”, nên nhiều người dân tự hủy loại tem này, chỉ còn lại khoảng 30 con đang lưu hành ở miền Bắc, nhưng sau đó thất lạc ra nước ngoài…

 

KHÁNH KHANG