Người góp phần làm nên 'tiếng thơm' cho hạt gạo Sóc Trăng

27/05/2018 - 15:43

Gần 40 năm cống hiến cho ngành nông nghiệp, sự nghiệp của kỹ sư Hồ Quang Cua (sinh năm 1953) gắn liền với hạt gạo Sóc Trăng.

A A

Dù đã về hưu từ năm 2013, nhưng ông vẫn miệt mài với đồng ruộng và luôn tâm niệm làm thế nào để hạt gạo thơm Sóc Trăng mãi thêm “tiếng thơm”. Kỹ sư Hồ Quang Cua đã được vinh danh là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Tên tuổi ông gắn liền với những giống lúa bắt đầu bằng chữ "ST" nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra thế giới. 

Hàng chục năm nay, trên thị trường lúa gạo xuất khẩu Việt Nam, nhiều người đã biết đến giống lúa cho gạo thơm ngon, chất lượng tốt, đó là các giống lúa ST gắn liền với tên tuổi của kỹ sư Hồ Quang Cua ở Sóc Trăng. Số lượng các giống lúa do ông và các cộng sự lai tạo lên đến hàng chục, như: ST3, ST5, ST10… và đến nay là giống ST20, ST24, ST26. Chữ ST ở đây chính là nơi xuất xứ của giống lúa - tỉnh Sóc Trăng, do ông và các cộng sự đặt tên. Các giống lúa này đều cho hạt gạo thơm, dài, sáng, đẹp; khi nấu ăn, hạt cơm mềm, ngon, dẻo… 

Năm 1979, sau khi tốt nghiệp Khoa Nông nghiệp Đại học Cần Thơ, kỹ sư Hồ Quang Cua trở về với ruộng đồng Sóc Trăng. Từ đó đến nay, dấu chân ông đã in trên rất nhiều cánh đồng. Có đồng nghiệp của ông nói rằng: Nơi đâu có ruộng, có nông dân là có kỹ sư Hồ Quang Cua ở đó. 

Kỹ sư Hồ Quang Cua (bên phải) - người lai tạo ra giống lúa thơm Sóc Trăng, tặng Ngài David Johnston - Toàn quyền Canada thăm tỉnh Sóc Trăng (năm 2011) gạo đặc sản ST20. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Đến khi ông là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Sóc Trăng, nhiều nông dân vẫn chỉ biết ông là ông kỹ sư giỏi, chịu khó, nhiệt tình với bà con mà ít biết ông là người lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh, đã có nhiều đóng góp cho cây lúa ở Sóc Trăng.

Công trình chọn tạo, nhân giống lúa thơm ST được kỹ sư Hồ Quang Cua thưc hiện trong quãng thời gian dài và được bắt đầu bằng sự tình cờ của chuyến thăm đồng vào một buổi sáng năm 1996. Khi ngắm những hạt lúa VĐ20 căng tròn, bằng cặp mắt “nhà nghề”, ông phát hiện có những cây lúa lạ, gốc màu tím, dạng hạt thon dài rất đẹp. Ông đã lội ngay xuống ruộng xem những bông lúa lạ, đôi mắt sáng lên như người tìm được của quý. 

Đó là những cá thể VĐ20 đột biến đầu tiên. Từ đây, một công trình lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST được ra đời. Từ sự phát hiện tình cờ ấy, ông Cua và các đồng nghiệp đã thu thập khoảng 1.050 cá thể đột biến đầu tiên và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm, rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất đưa vào sản xuất.

Công việc lai tạo ban đầu không hề đơn giản vì thiếu nhiều trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ và nhất là tiêu chuẩn về giống lúa thơm của Việt Nam lúc này vẫn chưa có. Sau này, một cộng sự của ông nay là Tiến sĩ Trần Tấn Phương, Giám đốc Trung tâm giống cây trồng Sóc Trăng, đã phát minh ra phương pháp đánh giá mùi thơm rất nhanh chóng và hiệu quả. 

Thông qua tiêu chí thử mùi thơm, các nhà khoa học đã loại được những giống lúa không đạt chuẩn rất nhanh chóng vì chúng có liên quan mật thiết đến hàm lượng Amylose.
Sau hơn 20 năm nghiên cứu lai tạo, đến nay Sóc Trăng đã có được bộ sưu tập giống lúa ST từ ST1 đến ST28 và một số giống ST đỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao. Nhiều giống lúa do ông Cua lai tạo đã được công nhận là giống lúa Quốc gia, giống xác nhận, được nông dân trồng rộng rãi. 

Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, điều khiến ông tâm đắc nhất là đã chọn tạo được giống lúa thơm tại chỗ, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, xây dựng được quy trình canh tác hiệu quả phù hợp với trình độ nông dân. Những giống lúa được chọn tạo đã giúp nông dân Sóc Trăng nói riêng, nông dân đồng bằng sông Cửu Long nói chung có những mùa bội thu, năng suất lúa có thể đạt 5 - 7 tấn/ha, trong khi giá bán lại cao hơn các loại lúa thường từ 10 - 30%. 

Nông dân nhiều địa phương chuyên canh các giống lúa ST3, ST5, ST10,  ST19, ST20, ST24, ST28 do kỹ sư Cua và các đồng nghiệp nghiên cứu, lai tạo và đã thu lợi nhuận từ 25 - 30 triệu đồng/ha mỗi vụ.

Đặc biệt, niềm vui càng được nhân lên với ông và các cộng sự khi đã góp phần làm nên "tiếng thơm" cho hạt gạo Sóc Trăng. Năm 2017, tại Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về mua bán gạo, do tổ chức The Rice Trader (Tổ chức Thương mại gạo) tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc). 

Trước các chuyên gia ẩm thực nổi tiếng của thế giới, gạo đặc sản Sóc Trăng - giống lúa ST24 đã được đánh giá có những phẩm chất vượt trội như: Ngắn ngày, hạt gạo dài, trắng trong, dẻo cơm, thơm thoảng hương lá dứa... Loại gạo này đã được vinh danh là một trong ba loại gạo ngon nhất theo tiêu chuẩn gạo ngon thế giới.
Chưa hết, các giống lúa gần đây như ST19, ST20, ST26, ST28 mang dấu ấn của kỹ sư Hồ Quang Cua trong việc nghiên cứu, lai tạo, cũng luôn đạt được các thứ hạng cao nhất tại các cuộc thi “Gạo ngon” trong tỉnh và khu vực. 

Trước thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nguy cơ hạn, mặn xâm nhập ngày càng sâu vào đồng ruộng, kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các đồng nghiệp lại tiếp tục nghiên cứu tập trung để lai tạo thành công những giống lúa có thể kháng sâu rầy, chịu hạn mặn... 

Với những cống hiến xuất sắc, kỹ sư Hồ Quang Cua đã hai lần được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề cử là đại biểu dự chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2014 và 2017; được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân Chương Lao động Hạng Nhất, Nhì, Ba. Năm 2013, ông vinh dự được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. 

Năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, kỹ sư Hồ Quang Cua là 1 trong 70 điển hình được vinh danh tại lễ tuyên dương sắp diễn ra tại Hà Nội.

Theo TRUNG HIẾU (Báo Tin Tức)