Người Hoa ở An Giang

23/05/2019 - 07:55

 - Khái niệm tên gọi “người Hoa” trong Chỉ thị số 62-CT/TW ngày 8-11-1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng: “Người Hoa bao gồm những người có gốc Hán và những người thuộc dân tộc ít người ở Trung Quốc đã Hán hóa di cư sang Việt Nam và con cháu của họ sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, đã nhập quốc tịch Việt Nam, nhưng vẫn còn giữ những đặc trưng văn hóa, chủ yếu là ngôn ngữ, phong tục tập quán của người dân tộc Hán và tự nhận mình là người Hoa”. Người Hoa ở An Giang có các nhóm phân loại theo phương ngữ: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Hẹ và Thượng Hải, góp phần đa dạng vào nền văn hóa của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.

“Theo số liệu thống kê của UBMTTQVN vào năm 1999, dân số người Hoa trong tỉnh trên dưới 21.000 người. Tuy nhiên, số liệu này có phần tương đối, do yếu tố tâm lý khách quan hoặc không chú tâm cập nhật mục dân tộc trên hồ sơ cá nhân. Họ làm nhiều nghề khác nhau, như: buôn bán, kinh doanh dịch vụ ăn uống, tiểu thủ công nghiệp, ruộng rẫy… Tuy nhiên, nghề đặc thù của người Hoa là buôn bán, nên phần đông họ tập trung sinh sống ở thành thị nhiều hơn nông thôn, nhất là TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc. Bởi, 2 nơi này có đầu mối giao thương lớn nhất tỉnh. Các chỉ dấu có thể giúp đoán nguồn gốc người Hoa, gồm: quán ăn điểm tâm, hủ tiếu mì, “Dim Sum” (Điểm sấm), bán chạp phô, các xưởng tiện, khách sạn, thường là của người Quảng Đông; người Phúc Kiến thường mở cà phê rang, người Hẹ hành nghề thuốc Bắc, người Triều Châu làm gạch, đá, chạm khắc; trồng răng là của người Thượng Hải...” - ThS Lâm Nguyên Tài, Phó Chủ tịch Hội Tương tế người Hoa TP. Long Xuyên chia sẻ.

Nghề nghiệp phổ biến nhất của người Hoa là kinh doanh tạp hóa, ẩm thực. Đặc sắc ở chỗ, mỗi gia đình, dù qua nhiều thế hệ, qua nhiều thời kỳ, họ vẫn giữ lại tên tiệm, tên quán. Dù buôn bán mặt hàng nào, bằng hình thức gì, họ luôn xem trọng chữ “tín” . Tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng của người Hoa rất cao, nên luôn giúp đỡ nhau trong đời sống, để tình nghĩa thêm thắt chặt. Cách giáo dục con cháu cũng là một trong những điều khiến người Hoa rất tự hào. Hầu hết các thế hệ người Hoa ngày nay lớn lên, đi khắp nơi làm việc đều chịu khó và thành công, cuộc sống ổn định. Có gia đình dù khá giả, vẫn dạy con chịu cực và học hỏi để tích lũy kinh nghiệm. Đó là lý do vì sao nhiều gia đình người Hoa có thói quen gửi con cho chú, bác, cậu, dì ăn học và giúp luôn việc nhà, giúp buôn bán. Nhờ vậy, con cái không ỷ lại gia đình ba mẹ, phải ý thức phấn đấu học và trải qua khó khăn từ nhỏ, biết trân trọng đồng tiền, học cách tiết kiệm.

Người Hoa ở An Giang cũng như các nơi khác đều có các điểm tương đồng từ lĩnh vực văn hóa, tín ngưỡng, nghề nghiệp và đặc trưng truyền thống. Song, mỗi nhóm người Hoa lại có nét riêng trong sinh hoạt, phong tục, tín ngưỡng. Đó chính là vì trải qua quá trình lịch sử, để chống lại sự đồng hóa từ bên ngoài, người Hoa thường liên kết lại trong một quần thể tụ cư riêng biệt. Những hội quán, trường học, nghĩa trang cho từng nhóm cộng đồng người Hoa trước năm 1975 là ví dụ điển hình. “Sự cho phép thành lập các hội đoàn người Hoa theo mô hình của tỉnh An Giang đã thu hút sự quan tâm đối với các tỉnh, thành phố lân cận. Đến nay, người Hoa trong tỉnh đều tham gia vào đoàn thể mặt trận các cấp; được UBND tỉnh cho phép thành lập 3 Hội Tương tế người Hoa ở TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu. Chính sách của Đảng và chính quyền An Giang đối với dân tộc thiểu số trong tỉnh như thế rất được trân trọng. Hội đoàn người Hoa theo mô hình này là một tổ chức đầu tiên được thành lập ở các tỉnh, thành phố trong nước, là cầu nối đắc lực giữa đồng bào dân tộc thiểu số người Hoa sống tại địa phương với Đảng và nhà nước. Lại một lần nữa, khẳng định chính sách bình đẳng và đại đoàn kết dân tộc nhất quán của Đảng và nhà nước”- ThS Lâm Nguyên Tài bày tỏ.

Theo đánh giá của Hội Tương tế người Hoa TP. Long Xuyên, hòa mình cùng với đồng bào các dân tộc ở địa phương, đồng bào Hoa đã tích cực tham gia các hoạt động chính trị chào mừng các ngày lễ lớn bằng các loại hình hoạt động mang tính tuyên truyền khối đại đoàn kết dân tộc; tham gia vận động tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng về pháp luật, góp phần đầu tư trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, kinh tế - xã hội, phong trào đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo ở địa phương; cứu trợ lũ lụt và các chương trình vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; tham gia đóng góp vào các văn kiện pháp quy của Đảng và hà nước... Những hoạt động ấy thể hiện khá rõ nét “niềm tin ở Đảng và lòng yêu quê hương, yêu chủ nghĩa xã hội” của dân tộc Hoa, sẵn sàng cống hiến tài lực, sức lực và năng lực tri thức cho sự phồn vinh của quê hương An Giang, cho Tổ quốc Việt Nam.

Người Hoa ở An Giang

Người Hoa ở An Giang

Hoạt động văn hóa tinh thần của người Hoa 

GIA KHÁNH