Người khiếm thị phấn đấu vươn lên

10/05/2019 - 05:26

 - Đó là trường hợp của lương y Võ Văn Nghiệp (Tổ 6, khóm Long An A, phường Long Phú, TX. Tân Châu). Ông Nghiệp bị mù lòa 39 năm qua, nhưng bản thân ông luôn “tỏa sáng” ở cộng đồng, chữa trị cho người bệnh tai biến bằng phương pháp day cơ, ấn huyệt. Có gần 1.000 bệnh nhân bị liệt nửa người nay đã trở lại cuộc sống bình thường.

Ông Võ Văn Nghiệp (đeo kính) đang trị bệnh cho bệnh nhân

Lương y Võ Văn Nghiệp sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Là người khiếm thị nhưng tinh thần, ý chí phấn đấu vượt khó của ông Nghiệp khó ai sánh nổi. Ông Nghiệp kể lại câu chuyện không may mắn của mình (lúc đó ông 26 tuổi): “Năm 1980, cả cánh đồng này bị dịch rầy nâu. Ngày xưa, nông dân sử dụng loại bình bơm tay, hôm đó bình bị nổ, thuốc phun lên mắt và không lâu sau đó cả 2 mắt không thấy ánh sáng. Từ đó đến nay đã 39 năm, tôi sống trong bóng tối. Thân phận là vậy nhưng tôi không bao giờ chịu khuất phục trước hoàn cảnh của bản thân”.

Ba ông Nghiệp là lương y Võ Văn Nghĩa (người dân địa phương thường gọi ông là thầy Bảy Nghĩa). Ông có tài chữa bệnh tai biến, trẻ bị tay chân co giật, bị bại não… bằng phương pháp day cơ, ấn huyệt. Bằng sự hiểu biết của mình, thầy Bảy Nghĩa là ân nhân của rất nhiều bệnh nhân mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo. Năm 1981, khi thấy con bị mù lòa, thầy Bảy Nghĩa rất buồn. Trong những ngày đi trị bệnh ở xóm trên, làng dưới, ông dẫn theo người con mù để truyền nghề. Được cha truyền dạy cặn kẽ những “bí quyết” nghề nghiệp, ông Nghiệp đam mê và là người thực sự có tay phục dược. Khi học xong phương pháp day cơ, ấn huyệt, ông nhanh chóng áp dụng cho những bệnh nhân không may mắc phải bệnh này. Qua 1 tháng điều trị, người bệnh được ông day cơ, ấn huyệt đã sớm phục hồi, từ thể trạng đến tinh thần đều khỏe mạnh. “Tôi mừng lắm, cứ tưởng bị mù lòa cuộc đời đã chấm dứt. Nào ngờ khi được cha truyền nghề, tôi đã nhanh chóng tiếp thu và thực hành ngay trên những bệnh nhân bị bệnh tai biến. Có người sau 1 tháng nhanh chóng phục hồi. Bệnh nhân bị liệt nửa người từ đi không được, nay đã đi đứng bình thường; từ ăn ngủ không được chuyển sang trạng thái ăn ngủ tốt” - ông Nghiệp chia sẻ.

Người cha qua đời, ông Nghiệp và vợ con lên Sài Gòn sinh sống. Mục đích là vừa làm nghề, vừa học thêm những bài thuốc để việc điều trị bệnh hiệu quả. Tại mảnh đất Sài Gòn, ông Nghiệp đã tìm đến những thầy thuốc giỏi để học thêm những bài thuốc hay, điều trị cho bệnh nhân bị tai biến, đồng thời thường xuyên tham gia các lớp đào tạo của Hội Đông y thành phố để có được bằng cấp. Trời không phụ lòng người, ông Nghiệp sớm trở thành người nổi tiếng bằng phương pháp day cơ, ấn huyệt, kết hợp với điều trị bằng thuốc bắc. Hơn 30 năm cống hiến hết sức mình cho những bệnh nhân ở TP. Hồ Chí Minh, nay ông Nghiệp đã 65 tuổi và ông trở về quê hương để phục vụ những bệnh nhân quê nhà.

“Ông Võ Văn Nghiệp là một lương y giỏi nghề, có tấm lòng đối với bệnh nhân. Việc gì có lợi cho bệnh nhân ông hết lòng thực hiện, xem bệnh nhân như người nhà, ai nghèo khổ ông điều trị miễn phí, không có chỗ ở, ông cho ở tại phòng thuốc; không tiền mua cơm ông bao cơm. Tấm lòng của ông đối với những người bệnh thật đáng quý” - lương y Ngô Văn Đúng (Phó Chủ tịch Hội Đông y TX. Tân Châu) chia sẻ.

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN