Người lính “về hưu”

30/04/2018 - 07:20

 - Đại tá Phan Văn Thảo, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh An Giang, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Câu chuyện hôm ấy ông kể chúng tôi nghe là những lần làm nhiệm vụ, mấy bận “tính mạng bị nguy hiểm” và cách sống tình nghĩa của người lính khi trở về đời thường.

Ngày 20-4-1970, ông Thảo tham gia cách mạng, khi vừa 16 tuổi. Được phân công vào đơn vị quân báo trên không, ông vừa học, vừa làm, rồi dần dần được tin tưởng giao nhiệm vụ Đài trưởng. Nhiệm vụ của quân báo trên không là theo dõi địch trên hệ thống liên lạc, đồng thời truyền thông tin trong nội bộ của ta. Công việc tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng cũng gian nan không kém.

Theo dõi địch sẽ đạt nhiều hiệu quả trong nắm thông tin tình báo, nhưng phải che giấu vị trí liên lạc của mình. Nếu bị chúng phát hiện, chỉ ít phút sau, bom pháo ào tới ngay lập tức. Thiết bị được dùng thuộc đủ loại, từ máy nguyên bản của nước ngoài, radio đến máy tự chế, miễn sao hoạt động hiệu quả là được.

Lúc đầu, chưa thành thạo nên ông chỉ làm nhân viên nghe phụ. Khi “lỗ tai sáng” (nghe rõ tín hiệu), ghi chép nhanh thì mới được nghe chính. Mỗi đài có từ 2-3 đồng chí, thường xuyên phối thuộc theo các đơn vị chiến đấu khác ở nhiều nơi trong tỉnh. Do tính chất công việc phải di chuyển liên tục, nên đồ nghề quân báo rất gọn nhẹ: 1-2 bộ đồ trong ba lô, chiếc võng ny-lon, máy móc cùng vài khẩu súng “tự vệ”.

Đại tá Phan Văn Thảo, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh (thứ 3 từ phải qua) trong chuyến công tác tại Trường Sa

Tổng kết thời gian tham gia chiến tranh, ông nhận thấy mình rất may mắn khi đạn giặc chưa “bắn trúng”, nên hầu như không bị thương gì đáng kể. Đi bộ đội đến ngày thứ 3, ông chỉ bị thương nhẹ trong khi địch dùng máy bay phóng pháo trúng ngay miệng hang làm 2 đồng chí bị thương nặng, hy sinh sau đó. Trong lúc ông cùng mấy người khác ngồi cạnh đó vẫn bình yên vì chỉ bị thương nhẹ.

Mùa hè đỏ lửa năm 1972, ông được phân công đi nhận nhiệm vụ tại công sự ở Tân An. Đến lúc lên đường, ông được chuyển sang hoạt động địa điểm khác. Hôm sau, ông quay trở lại, nghe tin 4 đồng chí trong đơn vị ông hy sinh ngay tại công sự Tân An do bom.

Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông được điều về Trung đoàn 162 của tỉnh, trong quá trình chiến đấu giúp nước bạn Campuchia, rất nhiều lần ông gặp nguy hiểm đến tính mạng khi hoạt động giữa những làn đạn, nhưng cũng không hề dính thương tích nặng nào...

Dịp lễ 30-4 lại đến. Hỏi tâm trạng ông lúc này, ông buông lời ngắn gọn mà chất chứa cảm xúc: “Nhớ đồng đội”. Không nhớ sao được, khi họ đã anh dũng, kiên cường cùng nhau chiến đấu suốt những tháng ngày chiến sự ác liệt. Tinh thần từng người được đẩy lên rất cao, không ngán ngại hy sinh. Đau đớn nhất là vừa ngồi cạnh trò chuyện vui vẻ, vậy mà tích tắc sau đã không còn.

Đồng đội ông khi ấy trẻ lắm, chỉ từ 18-20 tuổi. Chiến tranh đầy bất trắc, nguy hiểm, nhưng chẳng ai nỡ để đồng đội vừa hy sinh nằm lạnh lẽo một mình. Vì vậy, tất cả đều cố gắng đưa thi thể chiến sĩ ấy về chôn cất ổn thỏa nhất. Trừ trường hợp bất khả kháng, họ mới rút đi, nhưng sau đó tìm mọi cách quay lại, đưa thi thể đồng đội về, không để rơi vào tay địch.

Giờ đây, với vai trò Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh An Giang ông có dịp đi các huyện, thăm lại đồng đội xưa. Gặp nhau, ai cũng mừng mừng, tủi tủi. Nhắc chuyện chiến tranh, kẻ còn người mất, những người lính già chợt “mít ướt”, nước mắt rơi không ngừng.

Ông nhẩm tính: “CCB trong kháng chiến chống Pháp đến nay còn hơn 200 người, trong kháng chiến chống Mỹ còn hơn 2.600 người. Đa số đều được hưởng chế độ chính sách, địa phương chăm lo rất tốt. Chỉ còn khoảng 2% CCB thuộc diện hộ nghèo có sổ.

Vai trò của hội là phối hợp các địa phương, cơ quan ban, ngành tạo công ăn việc làm, vận động quỹ tương trợ cho họ. Điều đáng mừng nhất là, so với mặt bằng chung, CCB có đời sống tương đối khá. Hội viên còn tự nguyện giúp đỡ nhau theo hình thức “Lá lành đùm lá rách”.

Không chỉ vậy, những người lính “về hưu” còn tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động lớn như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm, các loại tệ nạn xã hội... góp phần cùng các cấp, các ngành đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; thực hiện có hiệu quả hàng trăm mô hình “Dân vận khéo” ở các địa phương và đề ra 30 yêu cầu đối với hội viên trong tham gia xây dựng “nông thôn mới và đô thị văn minh”, với phương châm “hiến kế, hiến của, hiến công”.

Các cấp hội tích cực tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện, vận động xã hội hóa các nguồn quỹ, mua hàng chục xe chuyển bệnh; tham gia hiến máu nhân đạo; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách và hộ nghèo; vận động nhà hảo tâm hỗ trợ học bổng, giúp đỡ học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn tiếp bước đến trường.

Thường xuyên phối hợp giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, tổ chức giao lưu, du khảo về nguồn thăm các căn cứ kháng chiến, di tích lịch sử; hàng năm duy trì các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Thắp nến tri ân” tại các nghĩa trang liệt sĩ…

Cũng như những người lính khác, ông Thảo tận hưởng từng khoảnh khắc của thời bình. Nhưng điều làm ông băn khoăn, khắc khoải nhất là: “Làm thế nào để lớp trẻ không quên lịch sử cha ông. Không được quên công lao của người đã hy sinh, xả thân dựng nước, giữ nước. Lớp trẻ phải sống trách nhiệm với quá khứ, tiếp nối truyền thống yêu nước của thế hệ đi trước trong xây dựng và phát triển đất nước”.

Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG