Người Việt dùng hàng Việt - niềm tin “lên ngôi”

16/08/2019 - 05:49

 - Những năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh An Giang đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của các tầng lớp nhân dân. Thông qua cuộc vận động đã giúp người tiêu dùng có cơ hội được tiếp cận và sử dụng nguồn hàng hóa thuần Việt với chất lượng tốt, giá cả phù hợp với thu nhập của người dân.

Thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc

Có thể nhận thấy, những năm gần đây, sự chuyển biến về nhận thức của người tiêu dùng, cán bộ, công chức, viên chức về việc mua sắm hàng Việt đã được nâng lên đáng kể. Việc so sánh sản phẩm hàng nội địa với hàng nước ngoài về chất lượng, giá cả đã xuất hiện nhiều trong tâm lý của người tiêu dùng khi mua sắm; nhận thức về ưu tiên mua sắm hàng trong nước sản xuất đã được đông đảo người tiêu dùng quan tâm. Hầu hết các cơ quan nhà nước đều quán triệt và thực hiện nghiêm túc việc ưu tiên sử dụng hàng nội địa trong mua sắm, phục vụ hoạt động từ nguồn ngân sách.

Theo UBMTTQVN tỉnh An Giang, từ năm 2009 đến 2019, hệ thống MMTQ, các đoàn thể, thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động đã tổ chức hơn 27.700 cuộc tuyên truyền, có trên 1.320.000 lượt người tham dự. Qua đó, giúp cuộc vận động ngày càng sâu rộng, có sức lan tỏa và tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người dân và các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước. Đồng thời, tác động đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng, có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc sản xuất, tiêu dùng hàng hóa Việt Nam. Từ đó, tạo thói quen ưu tiên trong mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt, xem đó là thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam.

Hàng hóa xuất xứ Việt Nam ngày càng chiếm lòng tin người tiêu dùng

Bên cạnh đó, hàng tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường so với hàng ngoại nhập do có giá cả hợp lý, chất lượng đang dần được cải thiện, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, các doanh nghiệp (DN) cũng quảng bá được thương hiệu, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với thị trường từng vùng, tìm thị trường cho sản phẩm. Cơ quan chức năng tạo điều kiện cho DN phát triển và ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng lưu thông trên địa bàn, giúp hàng Việt Nam đứng vững trên thị trường nội địa.

Người dân tin dùng hàng Việt

Theo Sở Công thương, để cuộc vận động ngày càng lan tỏa và đi vào thực chất, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để DN tổ chức các hội chợ triển lãm, phiên chợ, kết nối giao thương nhằm quảng bá thương hiệu và sản phẩm Việt tới người tiêu dùng. Từ năm 2009 đến nay, Sở Công thương phối hợp với DN và Phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, thị xã, thành phố tổ chức 43 phiên chợ, 205 chuyến bán hàng Việt về nông thôn, biên giới... thu hút 578.000 lượt khách đến tham quan và mua sắm, doanh số bán hàng trên 55 tỷ đồng. Riêng những tháng đầu năm 2019, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động phối hợp các DN trong và ngoài tỉnh tổ chức 2 phiên chợ hàng Việt, 3 hội chợ và 10 chuyến hàng Việt về nông thôn, thu hút hàng ngàn khách đến tham quan và mua sắm. Thông qua chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã tạo điều kiện cho người dân nông thôn được tiếp cận với các sản phẩm hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, giúp người tiêu dùng nông thôn tiếp cận và sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt.

Thời gian gần đây, nhiều cửa hàng tiện lợi (Bách Hóa Xanh, Vinmart…) khai trương, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại các khu vực đông dân cư, góp phần đưa hàng Việt đến gần người tiêu dùng hơn. Chị Trần Thanh Hằng (ngụ phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Do công việc bận rộn nên hôm nào không đi chợ được thì buổi trưa mình ghé các siêu thị mini để mua thức ăn. Hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, giá cả rõ ràng, tươi ngon nên mình cũng an tâm về chất lượng, độ an toàn vệ sinh thực phẩm hơn. Tại đây có bán nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, hàng Việt, hàng ngoại có nhưng mình ủng hộ hàng Việt và nhất là các sản phẩm của An Giang”.

Để hàng Việt có sức cạnh tranh cao hơn, bên cạnh các giải pháp phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị và chính quyền địa phương, các cơ sở sản xuất-DN cần có sự quan tâm, chú trọng nâng cao về chất lượng, thương hiệu, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao. Vận động các tổ chức, đơn vị trong tỉnh sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công; các DN, người sản xuất-kinh doanh khi triển khai thực hiện các dự án, công trình sử dụng trang thiết bị, nguyên-vật liệu nội địa và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để sản xuất và kinh doanh.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi để cơ sở, DN xây dựng thương hiệu, chất lượng hàng hóa; tham gia các đợt hội chợ nhằm quảng bá hình ảnh và uy tín thương hiệu hàng Việt. Vận động các DN tham gia bán hàng bình ổn giá; các phiên chợ, các chuyến hàng Việt về nông thôn nhằm tạo sự gắn kết giữa DN và người tiêu dùng. Thường xuyên tổ chức “Phiên chợ công nhân”, “Gian hàng giảm giá”, “Chợ lưu động” để công nhân tiếp cận và ưu tiên sử dụng hàng Việt. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; tập trung kiểm tra hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả, nhất là kiểm tra sâu, rộng về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh để tạo sự minh bạch trong sản xuất-kinh doanh, đảm bảo cho thị trường phát triển ổn định, bền vững, củng cố niềm tin người tiêu dùng...

THU THẢO