Người xây cầu tận tâm!

16/10/2019 - 07:32

 - Bình dị trong từng cử chỉ đến cả lời ăn tiếng nói và với trái tim yêu thương, chú Võ Văn Sáng (tự Tư Sang, sinh năm 1954, xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn) không chỉ được người dân sinh sống trên vùng đất ông Thoại quý mến, mà còn vang danh đến các địa phương lân cận và tỉnh bạn.

Hơn 1 tháng trước, khi chúng tôi liên hệ, chú Tư Sáng cho biết mình đang phải nằm viện vì một tai nạn. Vậy mà ra viện không bao lâu, chú Tư Sang lại khởi động việc cất cầu cùng các “chiến hữu”. Hôm gặp mặt, cánh tay trái của chú vẫn còn đang bó bột và cố định bằng nhiều chiếc nẹp, chân thì vẫn còn đau nên di chuyển rất khó khăn. “Sao chú không tịnh dưỡng khỏe hẳn rồi mới bắt đầu công việc?” - tôi buột miệng hỏi. “Con cháu tôi cũng nói thế nhưng làm sao nghỉ ngơi được khi địa phương đang trông đợi cây cầu “nối đôi bờ” này đã rất lâu rồi. Mình chậm trễ 1 ngày là bà con cực khổ thêm 1 ngày vì việc đi lại khó khăn. Thôi thì, sức khỏe cũng tạm ổn, tôi cố gắng tranh thủ để mau chóng cất xong cầu cho người dân nơi đây” - chú Tư Sang bộc bạch.

Chú Tư Sang

Theo chú Tư Sang, những năm 80, chú đã bắt đầu gắn bó với những công việc từ thiện như: cất nhà Tình thương, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, xe chuyển bệnh miễn phí, giúp đỡ học sinh nghèo… và cất cầu. Ban đầu chỉ là những cây cầu ván, thời gian sau thì “nâng cấp” lên cất cầu sắt, đến năm 2006, chú bắt đầu chuyển sang cất cầu bê-tông cốt thép vững chãi. Không chỉ bỏ công sức xây cất, chú Tư Sang còn dành nhiều thời gian cho việc vận động các nhà hảo tâm để có thêm kinh phí xây dựng cầu cho các địa phương. Xuất phát từ việc làm ý nghĩa, nhân văn của chú Tư Sang mà nhiều người đã nguyện tham gia đi theo để cất cầu từ thiện. Vậy là ra đời “Đội thi công cầu tự nguyện” xã Vĩnh Trạch với gần 40 thành viên. Không câu nệ thời gian, trong đội ai rảnh khi nào thì cùng nhau tập hợp đi… xây cầu.

Gắn bó thời gian dài với việc cất cầu, chú Tư Sang nhớ rất rõ những nơi mình đã đi qua, những địa phương đã đến để xây dựng cầu. Tuy vậy, chú Tư Sang lại không nhớ nổi số lượng những cây cầu mà mình và đội thi công tự nguyện đã chung tay xây dựng. Nói về điều này, chú Tư Sang chỉ cười hiền rồi bảo: “Tôi không nhớ đã cất bao nhiêu cây cầu cũng không nói được tương lai sẽ cất tiếp bao nhiêu cây. Chỉ có thể chắc chắn rằng, chừng nào sức khỏe còn cho phép, tôi sẽ gắn bó với công việc này bằng tất cả tấm lòng của mình mà thôi!”.

Chú Tư Sang (thứ 4 từ trái sang) cùng đội cất cầu tự nguyện luôn nhiệt tình với công việc

Ngoài chỉ huy đội thi công, chú Tư còn là người đích thân thiết kế bản vẽ, kết cấu của từng cây cầu đã cất. Nhờ vậy, tất cả các cây cầu được đội chú Tư Sang xây dựng đều tiết kiệm được gần 50% chi phí. Bởi theo chú Tư, quá trình thiết kế cầu, chú đưa ra rất nhiều phương án làm sao để vừa đảm bảo chất lượng, vừa tiết kiệm nhất cho địa phương. Ngoài nhân lực là đội thi công cầu từ thiện, các lực lượng đoàn viên, thanh niên, dân quân, phụ nữ (lo việc hậu cần)... cũng tham gia ngày công xây dựng nên tiết kiệm rất nhiều chi phí. “Những chiếc cầu bê-tông của chúng tôi xây dựng có tuổi thọ trung bình khoảng 70 năm, tải trọng từ 2-10 tấn. Ngoài xây dựng ở quê nhà, tôi còn tham gia xây cầu ở các huyện: Châu Thành, Tri Tôn, An Phú, tỉnh Kiên Giang và TP. Cần Thơ…” - chú Tư Sang bày tỏ.

Nói về nguyên nhân và động lực giúp mình gắn bó với việc cất cầu từ thiện, chú Tư Sang nhìn anh em mình đang đổ mồ hôi giữa trời nắng nóng và nói: “Nhìn họ, ai cũng nhiệt huyết như vậy, mình là “thủ lĩnh” thì càng phải noi gương hơn. Hơn nữa, tất cả việc tôi làm chỉ là đang ra sức học tập và làm theo lời Bác mà thôi. Biết rằng rất khó nhưng mình cứ nỗ lực hết sức và làm mọi thứ bằng cái tâm của mình!”. Chú Cao Văn Hưng (sinh năm 1947, ngụ xã Định Mỹ, Thoại Sơn) - thành viên trong đội xây cầu của chú Tư Sang cho biết: “Những năm 2007 đã bắt đầu gia nhập đội cất cầu này và gắn bó vì những việc làm ý nghĩa, thiết thực. Nói thật, lúc đầu tôi có biết gì đâu, anh Tư giao việc gì thì làm y thế ấy. Lâu dần học nghề và có kinh nghiệm nên tôi rất tự tin trong công việc cất cầu. Anh Tư cũng rất tốt với các anh em. Mỗi khi nhà ai gặp khó khăn, vợ bệnh con đau hay thiếu gạo… anh Tư đều nhiệt tình giúp đỡ nên rất được mọi người quý mến!”.

Là người “nối nhịp bờ vui”, chú Tư không chỉ hoàn thành xuất sắc sứ mạng của mình mà còn là tấm gương sáng bình dị giữa đời để mọi người noi theo. Rồi đây, thế hệ mai sau sẽ còn nhắc nhiều về chú, một “thủ lĩnh” cất cầu từ thiện nhiệt huyết và nhân hậu.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN