Người yêu gai

19/02/2018 - 01:49

 - Vừa thi công hoàn thành bộ sưu tập xương rồng với khoảng 400 loài, trị giá hàng chục tỷ đồng tại công viên thực vật Đồi vạn hoa của Vinpearl Land Nha Trang, cùng với những bộ sưu tập xương rồng đồ sộ khác mà ông Phạm Phúc Giác (sinh năm 1964, ngụ ấp Vĩnh Lộc, thị trấn Cái Dầu, Châu Phú) đã và đang thực hiện tại các khu điểm du lịch nổi tiếng trong nước, cho thấy niềm đam mê loài xương rồng huyền bí trong hơn 30 năm qua đã thật sự “biến” ông thành một “pho từ điển sống” am hiểu về chúng.

Duyên nợ với “gai”

Vốn là một y tá “mát tay” trong việc chữa bệnh cho trẻ em vào những năm 1990 tại thị trấn Cái Dầu, nhưng trót yêu loài “hoa sa mạc”, ông Phạm Phúc Giác từ bỏ nghề y để chuyên tâm “theo đuổi” đam mê.

Nhớ lại khoảng thời gian mới tập tành chơi xương rồng, ông Giác kể: “Tôi đam mê loài cây đầy gai nhọn này khi còn ở độ tuổi thiếu niên, lúc bấy giờ, xương rồng chưa được người chơi cây kiểng chú ý, không hiểu sao tôi lại rất “yêu” chúng, hễ nghe ở đâu có xương rồng đẹp, tôi đều tìm đến mua cho bằng được hoặc khi hay tin người quen ở nước ngoài về Việt Nam chơi thì nhờ họ mua giúp những giống xương rồng lạ mang về.

Giai đoạn mới bắt đầu sưu tập xương rồng gặp không ít gian nan, có những giống xương rồng khó khăn lắm mới tìm mua được nhưng vì chưa biết cách chăm sóc, cây chết nhìn mà xót dạ. Rồi có nhiều người khuyên tôi đừng làm chuyện phí công, phí của, vì họ cho rằng xương rồng chỉ sống được ở vùng sa mạc, đất đai khô cằn, đem chúng về vùng sông nước trồng vài ngày là chết. Nhưng tôi tin loài cây gai góc này có ý chí mãnh liệt, bất cứ nơi đâu cũng sống được, vấn đề là do mình chưa hiểu được “tính nết” để có cách chăm sóc phù hợp”.

Quyết chí với niềm đam mê, ông Giác đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc, rút tỉa kinh nghiệm từ những cây bị khô héo, thối rễ chết để “hiểu” đặc tính của từng loại giống. Dần dần ông tạo được “ngôi nhà chung” với diện tích khoảng 800m2, trong đó “nuôi” hàng trăm loài xương rồng có nhiều “quốc tịch” khác nhau.

Theo ông Giác, nghề chơi xương rồng cũng lắm công phu, dù xương rồng xuất xứ từ vùng khô hạn, nhưng không phải loại nào cũng ưa nắng, không phải loại nào cũng kén nước. Để “nuôi” được cây sống và phát triển tốt phải am hiểu đặc tính sinh học của từng loài, phải tỉ mỉ từ khâu chế biến đất trồng sao cho đảm bảo dinh dưỡng, triệt tiêu nấm bệnh, tưới nước và đặt rễ cây nông sâu sao cho phù hợp, phải ngăn các tia bức xạ, hạn chế nhiệt độ, ngăn mưa nhưng phải đảm bảo thoáng gió và không ẩm thấp…   

Thành quả của sự đam mê

Có thể nói bước ngoặt đầu tiên đánh dấu sự thành công của ông Giác trong việc sưu tập xương rồng là vào năm 2000, khi cán bộ Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội) tìm đến tận nhà, mong muốn ông nhượng lại bộ sưu tập khoảng 1.500 cá thể xương rồng, đồng thời, mời ông làm kỹ thuật viên chăm sóc xương rồng tại Vườn quốc gia Ba Vì.

Nhớ lại giai đoạn đó, ông Giác chia sẻ: “Tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi đi đến quyết định nhượng lại bộ sưu tập của mình cho Vườn quốc gia Ba Vì. Với tôi, những cây xương rồng đó đã gắn bó như những đứa con tinh thần. Nhưng vì muốn xóa đi cách nghĩ xương rồng là loại cây dùng làm hàng rào thô thiển nên tôi đồng ý nhượng lại bộ sưu tập và chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cho Vườn quốc gia Ba Vì, với hy vọng khi về với Vườn quốc gia Ba Vì, vẻ đẹp của xương rồng sẽ được nhiều người biết đến”.

Sau khi chuyển giao, ông Giác chuyên tâm “theo đuổi” niềm đam mê, sưu tập thêm những bộ xương rồng mới. Đến nay, ông đã chuyển giao được 4 bộ sưu tập cho các chủ đầu tư, mỗi bộ có đến vài chục ngàn cá thể xương rồng, với hàng trăm loài, trị giá từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, trong đó có bộ sưu tập mà ông vừa chuyển giao và hỗ trợ thi công trong năm 2017, tại công viên thực vật Đồi vạn hoa của Vinpearl Land Nha Trang, với 400 loài xương rồng.

Ngoài những chủ đầu tư tìm đến đặt ông Giác sưu tập những bộ xương rồng quy mô để phục vụ du lịch, còn có không ít người tìm đến nhờ ông thiết kế xương rồng làm cây cảnh trong sân vườn các ngôi biệt thự, quán cà-phê hoặc ở sân thượng những ngôi nhà không có diện tích rộng.

Sở dĩ người chơi xương rồng thích tìm đến vườn của ông Giác vì giống xương rồng do ông nghiên cứu lai tạo, gieo hạt thành công không chỉ thích nghi với khí hậu Việt Nam, dễ trồng, dễ chăm sóc mà giá bán lại rẻ hơn rất nhiều so với các loài xương rồng ngoại nhập.

Hơn nữa, ông rất chú trọng đến chất lượng sản phẩm khi cho ra thị trường, mỗi cây xương rồng phải được “nuôi” từ 1 - 3 năm (tùy giống) có khả năng phát triển tốt, ra bông chiến đầu tiên thì mới giao cho khách. Vì vậy, sản phẩm xương rồng vườn ông Giác luôn hút hàng, không đủ cung cấp cho các shop xương rồng ở TP. Hồ Chí Minh, Hội An, Hà Nội.  

MỸ LINH