Nguyên tắc ba phút phụ huynh nên áp dụng khi dạy con

23/05/2018 - 10:09

Đón con ở cổng trường, bạn hãy dành ít nhất ba phút nghe con kể chuyện để không bỏ lỡ thông tin quan trọng nhất.

Bạn dành bao nhiêu thời gian cho con sau giờ làm? Thông thường, mỗi người chỉ cần 30 phút nấu ăn cho con, 15 phút đọc sách cho con và vài giây hôn chúc ngủ ngon. Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý Nataliya Sirotich, có ba phút quan trọng nhất trong ngày mà bạn nên áp dụng để xây dựng mối quan hệ tốt với con ngay cả khi đã bước vào tuổi dậy thì, theo Bright Side ngày 22/5.

Nguyên tắc ba phút

Theo nguyên tắc này, dù gặp con hàng ngày, bạn hãy khiến mỗi lần gặp như thể đã cách xa nhau một thời gian dài.

Bên cạnh đó, bạn nên ngồi xuống ngang tầm mắt với trẻ, dành ba phút ôm con và hỏi chuyện gì đã xảy ra trong khi hai người không gặp nhau. Điều này rất cần thiết khi đón con từ nhà trẻ, trường học hay khi bạn vừa đi làm về.

Tầm quan trọng của việc lắng nghe con

Theo Nataliya, trong vòng vài phút đầu tiên sau khi gặp lại bố mẹ, trẻ sẽ nói hết mọi thông tin có thể nhớ. Việc lờ đi nguyên tắc ba phút tùy thuộc vào tính cách của từng đứa trẻ.

Khi không có cơ hội kể những chuyện cỏn con, qua thời gian, trẻ có thể cũng sẽ không nói với bố mẹ về những chuyện quan trọng. Trong trường hợp này, phụ huynh có thể bỏ lỡ rất nhiều.

Ngược lại, có trẻ sẽ tiếp tục nói suốt cả tối, cố nhớ lại các chi tiết và cuối cùng cũng hoàn thành câu chuyện. Bố mẹ của những đứa trẻ này cũng có nguy cơ bỏ lỡ thông tin, bởi với họ, những lời trẻ nói trở thành âm thanh ồn ào quen thuộc. 

Lưu ý khi áp dụng nguyên tắc

Nguyên tắc ba phút không có nghĩa phụ huynh nên dành chỉ ba phút mỗi ngày cho con. Nó gợi ý rằng mỗi lần gặp lại con, bạn phải lắng nghe trong ba phút đầu tiên để nắm được câu chuyện con cần chia sẻ. 

Ngoài ra, để hiểu con hơn, bạn có thể làm theo một số lời khuyên từ các nhà tâm lý học:

- Dành một chút thời gian mỗi ngày để làm việc mà cả bạn và con cùng yêu thích.

- Hãy để con biết bố mẹ đang lắng nghe và hiểu câu chuyện, bằng cách lặp lại thông tin con vừa nói. 

- Không tỏ ra hào hứng một cách giả tạo.

- Khi câu chuyện bị gián đoạn, bạn hãy nhắc lại ngay sau đó để con biết bạn nhớ nội dung đang trao đổi. 

- Tránh những cuộc tranh cãi dông dài, vô nghĩa ngay cả khi bạn biết rõ đúng sai. Hãy nói đơn giản: "Mẹ biết là con không đồng tình với mẹ".

Theo THÙY LINH (VnExpress)