Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: Người cộng sản kiên trung, hết lòng vì nước, vì dân

05/10/2018 - 08:03

 - Đồng chí Đỗ Mười sinh ngày 02-02-1917 tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì (TP. Hà Nội). Sau thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần hồi 23 giờ 12 phút, ngày 01-10-2018 (tức ngày 22-8 năm Mậu Tuất), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội.

Linh cữu đồng chí Đỗ Mười quàn tại Nhà Tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ viếng đồng chí Đỗ Mười bắt đầu từ 7 giờ, ngày 06-10-2018 đến 07 giờ 30 phút, ngày 07-10-2018 tại Nhà Tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ truy điệu đồng chí Đỗ Mười tổ chức vào 9 giờ, ngày 07-10-2018, tại Nhà Tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng từ 13 giờ cùng ngày tại quê nhà, Khu Ma Vang, thôn 1, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Đỗ Mười.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong một chuyến công tác

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Đỗ Mười thật phong phú và oanh liệt. Trưởng thành từ giai cấp công nhân, với nhiệt huyết cách mạng sục sôi, trải qua nhiều cương vị công tác, đồng chí luôn thể hiện phẩm chất của một chiến sĩ cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng, đức độ. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách trong một giai đoạn cách mạng vô cùng khó khăn, nhưng với bản lĩnh vững vàng, ý chí tự lực, tự cường được trui rèn qua tranh đấu, đồng chí cùng tập thể lãnh đạo Đảng đưa đất nước vượt qua thử thách, khó khăn trong những thời điểm tưởng như khó có thể vượt qua. Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Đỗ Mười đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Đồng chí Đỗ Mười tham gia cách mạng năm 1936 và vào Đảng Cộng sản năm 1939. Năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án 10 năm ở Nhà tù Hà Đông và Nhà tù Hỏa Lò. Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, đồng chí vượt ngục Hỏa Lò, bắt liên lạc với Đảng và tiếp tục hoạt động. Đồng chí được Đảng giao nhiều chức vụ quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Thời kỳ đất nước bước vào đổi mới, với cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), đồng chí Đỗ Mười đóng góp đưa ra nhiều quyết sách, thiết kế đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước. Đồng chí đã cùng lãnh đạo Đảng và Nhà nước chỉ đạo việc nghiên cứu, trình Đại hội VII của Đảng thông qua 2 văn kiện lịch sử là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. Các văn kiện này đã xác định hệ thống các quan điểm, chủ trương và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và mở cửa hội nhập với thế giới.

Trong những năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng (6-1991 _ 12-1997), với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí Đỗ Mười đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đoàn kết, thống nhất, lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đồng chí đã có nhiều đóng góp, đề ra và chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp mang tầm chiến lược, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiếp tục tạo nên sức chiến đấu mới cho Đảng, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo thế và lực mới, tiếp tục tiến lên đổi mới và hội nhập. Đồng chí Đỗ Mười là con người của hành động, nói đi đôi với làm. Với sự hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực, tư duy sắc sảo, nhạy bén, từ việc hoạch định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế và độc lập tự chủ, tiến trình công nghiệp hóa và hướng đi lên của nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta, đến việc triển khai năng động, hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước vì hòa bình, hợp tác và phát triển, đều có dấu ấn sâu đậm và sự đóng góp to lớn của đồng chí Đỗ Mười.

Với cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Đỗ Mười đã phát huy dân chủ trong Đảng, dân chủ trong nhân dân, giữ tác phong lãnh đạo sâu sát thực tiễn, gần gũi với nhân dân. Đồng chí đã đề xuất xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, góp phần tích cực xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; đồng thời quan tâm lãnh đạo việc xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước thật sự là của dân, do dân và vì dân.

Nhớ về đồng chí Đỗ Mười, chúng ta nhớ về hình ảnh một nhà lãnh đạo kiên định về lập trường, nguyên tắc, luôn say mê tự học, nghiên cứu lý luận, tìm tòi sáng tạo trước những diễn biến mới của thực tiễn, với tinh thần cách mạng triệt để, phong cách làm việc cụ thể, sâu sát. Hình ảnh một Tổng Bí thư luôn mẫu mực về phẩm chất, đạo đức của người cộng sản “tận trung với nước, tận hiếu với dân”; một tấm lòng nhân hậu của nhà lãnh đạo luôn gắn bó với thực tiễn đất nước, sống chân thành, giản dị, gần gũi và chan hòa với mọi người.

TRUNG HIẾU (Tổng hợp)