Nhà giáo tận tâm với nghề

25/04/2019 - 07:47

 - Công tác ở huyện đầu nguồn An Phú 13 năm nay, không dừng lại việc giảng dạy, thầy Phạm Văn Chương còn tâm huyết nghiên cứu các phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng từng tiết học, giúp học sinh hứng khởi hơn với môn học khô khan của mình - môn Hóa học. Những sáng kiến của thầy được nhiều trường học trên địa bàn áp dụng, linh hoạt theo từng môn đặc thù, giúp cải thiện chất lượng dạy và học theo hướng tích cực.

Thầy Phạm Văn Chương là Tổ trưởng Tổ Toán - Lý - Hóa - Sinh (Trường THCS Nhơn Hội, An Phú). Tính từ những năm đầu công tác đến nay, thầy đã nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT huyện An Phú… về thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi, hội thi làm đồ dùng dạy học, giáo viên dạy giỏi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt giải trong các sáng kiến, giải pháp giảng dạy hàng năm. Những sáng kiến nổi bật được thầy nghiên cứu và áp dụng thực tiễn thành công có thể kể đến như: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học Hóa học ở trường THCS”, “Một số phương pháp giúp học sinh hứng thú học tập môn Hóa học ở trường THCS”, “Hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ thông tin đổi mới phương pháp dạy học môn Hóa học ở Trường THCS Nhơn Hội”, hội thi thiết kế bài giảng E-Learning cấp huyện, tỉnh, “Một số kinh nghiệm trong việc soạn bài giảng E-Learning tham dự Hội thi thiết kế bài giảng E-Learning cấp huyện, tỉnh trong giảng dạy Hóa học 8, 9”.

Thầy Chương cho biết, những sáng kiến trên được đúc kết qua mỗi bài dạy của bản thân, dự giờ thăm lớp các đồng nghiệp, tập huấn, học tập chuyên đề… Trong đó thiết kế bài giảng E-Learning là phương pháp được giáo viên nhiều nơi vận dụng. Bài giảng theo biện pháp này giúp học sinh tích cực tham gia học tập, phát huy tối đa tính chủ động sáng tạo. Các em vừa học, vừa kết hợp tìm hiểu các kiến thức liên quan đến bài học qua internet, khơi dậy hứng thú trong học tập và tư duy, trí nhớ bền bỉ… Bài giảng thiết kế như một phần mềm dạy học nên ngoài giờ lên lớp, học sinh còn sử dụng để tự học ở nhà. Vận dụng phương pháp này và theo dõi kết quả học tập qua 4 năm học xuyên suốt của học trò, thầy rất tự hào. Năm học 2014-2015, tỷ lệ học sinh giỏi là 32,12%, học sinh yếu là 5,7% thì đến năm học 2017-2018, tỷ lệ học sinh giỏi nâng lên 46,5% và học sinh yếu giảm còn 0,64%.

Nhà giáo tận tâm với nghề

Thầy Phạm Văn Chương

Theo kinh nghiệm của thầy Chương, giáo viên áp dụng phương pháp của mình sẽ chủ động trong mọi tình huống dạy học, tiết kiệm thời gian, chi phí, dạy học ở mọi nơi, mọi lúc, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp qua mạng internet. Với môi trường bài giảng thân thiện, giáo viên dễ dàng thao tác, chỉnh sửa, cập nhật bài giảng của mình hoặc của bất kỳ một đồng nghiệp nào để kiểm soát được nội dung, thể hiện tiến trình giảng dạy khoa học và logic. Hiện nay, ngành GD&ĐT huyện An Phú đẩy mạnh phong trào ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Phương pháp dạy học bằng bài giảng E-Leaning của thầy đáp ứng được nhu cầu dạy và học ở nhiều đơn vị, những sản phẩm nghiên cứu đạt giải cấp huyện và tỉnh được phổ biến và nhân rộng trên địa bàn, đồng thời những bộ môn khác cũng có thể vận dụng phương pháp này để soạn bài phù hợp.

Tận tâm với nghề và luôn mong mỏi làm sao giúp học sinh tiếp nhận kiến thức nhiều nhất có thể, hơn chục năm công tác, thầy Chương luôn giữ một quan niệm: giáo viên dạy giỏi trước hết là giáo viên yêu nghề. Từ tình yêu đối với công việc, đối với học trò là động lực để thầy say mê nghiên cứu, nâng cao chất lượng mỗi giờ lên lớp, khẳng định mình qua thành quả lao động cụ thể. Nhiều năm liền, thầy Phạm Văn Chương được chọn là gương điển hình trong học tập và làm theo Bác. Năm 2017, thầy Chương được UBND huyện An Phú tặng giấy khen về thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh.

MỸ HẠNH